Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số

Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải lớn mạnh hơn nữa

Đây là cuộc làm việc thứ hai của Thủ tướng Chính phủ với các DNNN trong thời gian ngắn vừa qua. Trước đó, ngày 27/2/2025, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị làm việc với DNNN với chủ đề "Nhiệm vụ, giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững".

Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, các cú sốc bên ngoài sẽ tác động mạnh tới chúng ta. Song, những khó khăn hiện nay vẫn chưa bằng những khó khăn mà Việt Nam từng đối mặt trước đây. Do đó, càng khó khăn, thách thức thì toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội càng phải nỗ lực, trong đó có các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN khi chúng ta xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Thủ tướng yêu cầu DNNN phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu DNNN phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất về nhận thức, hành động, phương pháp, cách làm khi chiến tranh thương mại đã xảy ra, phát huy vai trò của DNNN khi gặp khó khăn về thương mại, Thủ tướng đặt mục tiêu chúng ta không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phải làm tốt hơn, thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm nay, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm sinh kế, việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc điều hành phiên thảo luận - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc điều hành phiên thảo luận - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, cả nước có 671 DNNN, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của DNNN đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227 ngàn tỷ đồng.

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vai trò của khu vực DNNN một lần nữa được khẳng định và phát huy là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực, dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hỗ trợ, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Các doanh nghiệp dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, với vai trò của mình, DNNN cần dẫn dắt và thiết lập chuẩn mực các tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình số hóa mẫu, quy trình vận hành hiệu quả để định hướng cho toàn ngành.

DNNN phải là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chiến lược của Chính phủ trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp có thể đi đầu trong triển khai các nền tảng dùng chung, dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở, đi đầu trong việc đầu tư vào công nghệ mới… với mục tiêu hiện đại hóa quản lý, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập quốc tế và mở rộng phạm vi phục vụ. Cần tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý với những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích DNNN tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng tận dụng được thế mạnh, phấn đấu cao, nỗ lực đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực và mục tiêu chung của cả nền kinh tế.

Phát triển cho chính mình, phát triển cho đất nước

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta, nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.

Do đó, các DNNN phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng về giải pháp chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng về giải pháp chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp. Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng: Các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệ... Thủ tướng lưu ý, phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo. Tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng,Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới ba động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng lưu ý, các DNNN phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa. Các cơ quan, doanh nghiệp cần đánh giá, khuyến khích, khen thưởng đúng lúc, kịp thời, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền; Rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, chủ lực; và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.

Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp như giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker xi măng, tái sử dụng chất thải trong khai thác than…

Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc trông đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", nhắc lại yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, Thủ tướng tin tưởng các DNNN sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thu-tuong-doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-xong-pha-hon-nua-tien-phong-chuyen-doi-so-162809.html
Zalo