Thị trường hàng hóa ngày cận Tết: Nguồn cung dồi dào, sức mua tăng
Dịp Tết Ất Tỵ năm nay, do các ngành Công Thương, Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh chủ động các giải pháp bình ổn giá, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa; nhiều người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết không có nhiều biến động. Tuy nhiên những ngày cận Tết vẫn có một số mặt hàng (chủ yếu là nông sản tươi) tăng giá và một số loại giảm giá sâu so với cùng kỳ năm ngoái và ngày thường.
Dạo qua một số chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy nguồn cung các loại thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn… khá dồi dào, cơ bản không tăng giá so với ngày thường. Các siêu thị, cửa hàng bàn lẻ lớn như GO! Bắc Giang, Co.opmart Bắc Giang… còn có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá các mặt hàng thiết yếu, tạo thuận lợi cho người dân mua sắm.
Theo bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc Điều hành Siêu thị GO! Bắc Giang, những ngày áp Tết, sức mua hàng hóa của người dân tại Siêu thị tăng khoảng 10% so với dịp Tết năm trước. Trung bình mỗi ngày, Siêu thị đón khoảng hơn 4 nghìn lượt khách hàng, riêng những ngày cuối tuần, lượng khách tăng gần gấp đôi. Các mặt hàng người dân mua nhiều chủ yếu là các loại bánh kẹo, thạch, các loại hạt, nước ngọt, thực phẩm tươi sống... Đến nay, Siêu thị đã bán được khoảng 80% số hàng hóa và dự kiến trong 3 ngày cuối tuần này, sẽ bán hết số hàng chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán năm nay.
Dù vậy, những ngày cận Tết, một số mặt hàng giá tăng cao. Điển hình như chuối xanh (chuối dùng để thờ cúng) tăng đột biến. Khảo sát tại chợ Hòa Yên, phường Thọ Xương; chợ Thương, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), trong khi giá các loại rau, củ, quả hầu như không biến động thì giá chuối xanh lại tăng mạnh. Chuối tiêu xanh giá 40 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi so với ngày thường. Đối với những nải chuối có số lượng quả lẻ (theo quan niệm của người dân quả lẻ là đẹp, may mắn) giá còn cao hơn vì được bán theo quả hoặc theo nải (1 quả khoảng 10 nghìn đồng trở lên). Tính ra 1 kg chuối có thể lên tới 70-80 nghìn đồng. Những nải to đẹp từ 4-5 kg giá có thể tới 400-500 nghìn đồng, cao gấp gần 3 lần so với dịp Tết năm 2024.
Theo các tiểu thương, giá chuối tăng một phần do vào dịp Tết, đa số các gia đình dùng chuối để thắp hương. Một phần là do ảnh hưởng của bão số 3 hồi tháng 9/2024 khiến nhiều diện tích chuối trên địa bàn tỉnh bị hỏng. Ví như ở xã Tân Thanh (Lạng Giang) có hơn 70 ha trồng chuối, tập trung tại các thôn: Mải Hạ, Đông... Nếu như vào thời điểm này mọi năm, người dân tất bật thu hoạch chuối để bán buôn, bán lẻ thì năm nay, các hộ dân ở đây không có sản phẩm cung cấp cho thị trường, bởi đa số diện tích trồng chuối bị bão số 3 làm hỏng.
Như gia đình ông Dương Văn Mạnh, thôn Mải Hạ, bão làm gãy hỏng hoàn toàn gần 500 gốc chuối đang kỳ đậu quả. Tương tự, gia đình ông Dương Văn Tĩnh, thôn Mải Hạ; gia đình ông Hà Văn Bản, thôn Đông… cũng bị thiệt hại hàng trăm cây chuối. Cùng với chuối, một số loại trái cây khác thường được sử dụng nhiều trong dịp Tết cũng tăng giá nhẹ như bưởi tiến vua, táo Đài Loan, các sản phẩm OCOP làm quà biếu như mì Chũ, sâm Nam núi Dành…
Ngoài các loại nông sản trên, hiện giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang duy trì ở mức từ 68 – 69,5 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 4 nghìn đồng/kg so với tháng 12/2024). Đại diện Công ty TNHH ANT có địa chỉ tại thị xã Việt Yên cho biết, dịp này bình quân mỗi ngày Công ty cung cấp ra thị trường gần 600 con lợn (tăng khoảng 150 con so với ngày thường). Giá lợn tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi là niềm vui đối với người chăn nuôi, đây cũng là động lực để thúc đẩy công tác tái đàn trong thời gian tới.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), dịp Tết Nguyên đán là thời điểm người dân tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trong năm. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: Giò, chả, nem, xúc xích, thịt xông khói… cũng được tiêu thụ mạnh. Thống kê cho thấy, nguồn cung lợn hơi tại các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dịp này duy trì ổn định với khoảng 900 nghìn con, do đó trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng nguồn cung vẫn bảo đảm. Ngoài bán trong tỉnh, 60% số lợn của Bắc Giang được tiêu thụ ở trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt hàng tăng giá, đem lại thu nhập cao cho người dân thì dịp Tết này, nhiều hộ trồng hoa dơn tại các địa phương của tỉnh đang có nguy cơ bị lỗ nặng do giá hoa giảm mạnh. Dịp áp Tết năm 2024, hoa dơn loại xấu, rẻ nhất cũng có giá 5 nghìn đồng/bông, cao nhất là dơn Ý có giá từ 20-25 nghìn đồng/bông. Nhưng năm nay, tại nhiều chợ, hoa dơn loại bông trung bình chỉ có giá từ 3-3,5 nghìn đồng/bông; loại nhỏ giá hơn 1 nghìn đồng/bông; hoa dơn Ý bông lớn đẹp nhất mới có giá từ 6-10 nghìn đồng/bông. Trong khi đó, giá 1 củ dơn giống đã 3-4 nghìn đồng, vì thế vụ hoa Tết năm nay, nhiều hộ trồng dơn thất thu.
Bà Hoàng Thị Vượng, người dân thôn Chung Nghĩa, xã Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên) - nơi có diện tích trồng hoa dơn khoảng 50 ha bày tỏ: “Những tháng cuối năm, thời tiết bất lợi, nắng nóng vào ban ngày, giá lạnh vào ban đêm làm cho hoa dơn bung nở sớm hoặc hư hỏng. Chúng tôi không có kho bảo quản lạnh nên hoa đến độ thu hoạch, giá rẻ vẫn phải cắt tỉa đi bán”.
Ngoài yếu tố thời tiết, theo bà Hà Thị Tuyết, thôn Dĩnh Cầu, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) - hộ chuyên thu mua hoa dơn (mỗi ngày thu mua từ 1- 2 vạn bông hoa của các hộ dân ở các xã Tân Dĩnh, Mỹ Thái, Xuân Hương, Phi Mô cùng huyện đưa đi các tỉnh tiêu thụ) thì nguyên nhân chính làm giá hoa dơn dịp Tết này rẻ là do nguồn cung lớn hơn cầu. Theo bà Tuyết, năm trước, thấy trồng dơn cho thu nhập cao (1 sào trồng khoảng 2-3 tháng cho thu từ 10-15 triệu đồng) nên năm nay, nhiều hộ dân tăng diện tích trồng. Có hộ năm trước chỉ trồng khoảng 1 mẫu thì năm nay trồng từ 2-3 mẫu. Cung nhiều hơn cầu nên giá rẻ là tất yếu.
Từ thực tế thị trường hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, các hộ dân nên thận trọng, cân nhắc kỹ khi quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh một mặt hàng, cây con, giống cụ thể nào đó. Ví dụ như trước giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi không nên vội vàng tái đàn, tăng đàn mà cần theo dõi chặt chẽ nhu cầu thị trường, đồng thời chỉ tái đàn khi đã bảo đảm các điều kiện an toàn, lựa chọn mua con giống tại các cơ sở có uy tín, được cấp phép... Trong trồng trọt, người dân quan tâm sản xuất theo kế hoạch, đúng thời vụ, tranh thủ độ ẩm đất để gieo trồng các loại giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, có lợi thế và thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng chạy theo xu thế thấy người khác làm được cũng làm theo, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, gây mất mùa riêng.