Thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi và rung lắc có thể xuất hiện
Thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi, tuy nhiên có thể xuất hiện những nhịp rung lắc trong thời gian tới, nhà đầu tư cân nhắc giải ngân từng phần vào các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_341_51433276/2a99774f4c01a55ffc10.jpg)
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ 2025, cũng là tuần đầu tháng 2/2025 khá tích cực. Tiếp nối đà tăng trong 2 tuần cuối cùng của năm Giáp Thìn, VN-Index tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, khởi đầu cho một năm mới Ất Tỵ được kỳ vọng là tươi sáng hơn.
Mặc dù phiên mở cửa đầu tiên lại khá áp lực khi VN-Index giảm điểm khá sâu (-0,95%) trước những thông tin mới về thuế quan, khiến tâm lý của giới đầu tư lo sợ về cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, nhưng xu hướng tích cực đã hình thành trước đó không dễ gì bị phá bỏ trong một phiên giảm điểm.
VN-Index nhanh chóng lấy lại tín hiệu tích cực nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn của các doanh nghiệp niêm yết với 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Đóng cửa tuần giao dịch đầu năm mới Ất Tỵ, VN-Index tăng 10,15 điểm (+0,80%,) dừng lại ở mốc 1.275,20 điểm.
Độ rộng thị trường phục hồi khá tích cực ở hầu hết các nhóm ngành, ngoại trừ nhóm công nghệ thông tin, dịch vụ tiêu dùng. Nổi bật là nhóm nguyên vật liệu, ngân hàng, công nghiệp trước những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh năm 2024. Thị trường duy trì tín hiệu tăng điểm tích cực trong tuần với 18/21 nhóm ngành tăng điểm.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm. Theo đó, chỉ số HNX-Index có diễn biến tích cực hơn khi kết tuần tại 229,49 điểm, tương ứng mức tăng +2,91% so với tuần trước. Chỉ số UPCoM-Index tăng +3,12% để đóng cửa tại 97,24 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện tốt với khối lượng giao dịch trên HOSE. Thanh khoản khớp lệnh rất khởi sắc trong năm mới Ất Tỵ 2025. Khối lượng khớp lệnh tuần qua đạt 2,71 tỷ cổ phiếu tăng mạnh (+26%) so với tuần trước và vượt mức bình quân 20 tuần (+2,70%).
Sau tuần mua ròng trước đó thì bước sang tuần mới đầu tiên của năm Ất Tỵ, khối ngoại quay lại trạng thái bán ròng ưa thích của mình với mức bán ròng khá lớn 4,146 tỷ đồng trên sàn HSX. Trong đó tâm điểm bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: MSN (-910 tỷ đồng), VNM (-679 tỷ đồng), FPT (-643 tỷ đồng), MWG (-268 tỷ đồng)… Ở chiều mua ròng, khối ngoại giải ngân ở một số mã: OCB (+88 tỷ đồng), PC1(+70 tỷ đồng), PDR (+65 tỷ đồng), CTG (+62 tỷ đồng)…
![Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_341_51433276/f4eca63a9d74742a2d65.jpg)
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi, rung lắc có thể xuất hiện
Chứng khoán Asean
Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng phục hồi trong tuần qua khi chỉ số khép lại bằng một cây nến xanh với bóng nến dưới dài, cho thấy lực cầu được duy trì ổn định.
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Động lực phục hồi chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, được hỗ trợ bởi xu hướng tích cực từ thị trường chứng khoán Mỹ.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi, tuy nhiên có thể xuất hiện những nhịp rung lắc trong thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần vào các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực, đồng thời duy trì lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá hấp dẫn.
Chỉ số có thể vượt 1.280 điểm
Chứng khoán Phú Hưng
Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiếp tục có thêm một phiên tăng với dạng nến giằng co (Spinning) trong vùng cản 1.270 - 1.283 điểm. Tín hiệu hiện tại cho thấy khả năng chỉ số có thể vượt mốc 1.280 điểm, tuy nhiên cần chú ý vùng cản 1.285 - 1.300 điểm khá gần phía trên, có thể xuất hiện nhịp chỉnh khi tiến đến khu vực này. Chiến lược chung ưu tiên nắm giữ vị thế, có thể cân nhắc chốt lời một phần nếu VN-Index tăng mạnh về vùng cản 1.285 - 1.300 điểm.
Tận dụng rung lắc để gia tăng tỷ trọng với các mã đang kiểm định vùng hỗ trợ
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VN-Index tiếp tục kiểm định vùng 1.270 điểm, bám sát dải Bollinger band và xuất hiện rung lắc biên độ hẹp do áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ báo CMF vẫn hướng lên trên, phản ánh sự cân bằng của cung - cầu giúp điểm số ổn định tại vùng đỉnh cũ.
Trong khung đồ thị giờ, VN-Index có thể tiếp tục rung lắc quanh vùng 1.270 - 1.280 điểm trước khi hướng tới vùng điểm cao hơn. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc này để gia tăng tỷ trọng với các mã đang kiểm định vùng hỗ trợ đáng tin cậy như MA20, đặc biệt là các nhóm ngành điện, ngân hàng và bất động sản.
VN-Index hướng lên 1.300 điểm
Chứng khoán Vietcap
VN-Index kết tuần tăng cả về giá lẫn thanh khoản, củng cố tín hiệu tích cực trong trung hạn và tăng khả năng kiểm định ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn chưa thể loại trừ kịch bản điều chỉnh trong phiên do áp lực bán ở vùng giá cao trong ngày 6 - 7/2. Hỗ trợ trong phiên nằm tại vùng 1.265 - 1.268 điểm.
Xu hướng tăng trung hạn có thể giúp lực cầu quay lại quanh vùng hỗ trợ nếu điều chỉnh xuất hiện. Hiện tại, ngưỡng dừng lỗ được đặt tại 1.250 điểm, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng nếu ngưỡng này bị vi phạm.
Tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu triển vọng trong danh mục
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng tới 1.277 - 1.283 điểm. Dù có thể xuất hiện rung lắc khi tiếp cận vùng này, nhưng dòng tiền vẫn đang luân chuyển tốt giữa các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm đầu tư công, bất động sản, khu công nghiệp, dầu khí, công nghệ, chứng khoán và hàng tiêu dùng. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu triển vọng trong danh mục.
Thị trường chững lại khi tiến sát kháng cự
Chứng khoán BSC
Nhịp hồi phục của VN-Index đã chững lại trong 2 - 3 phiên gần đây, phản ánh tâm lý e dè của nhà đầu tư khi thị trường tiến sát các ngưỡng kháng cự cũ.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.