Thị trường bất động sản sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng
Thị trường bất động sản Việt Nam đã và vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với hàng loạt kết quả ngày càng tích cực. Trên nền tảng hành lang pháp lý hoàn thiện, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ tiếp tục khắc phục các khó khăn, sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới bền vững hơn, nhờ nguồn cung mới từ hàng loạt các dự án đang triển khai, nhất là các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế.
![Thị trường BĐS nhà ở Việt Nam năm 2025 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với nguồn cung mới được cải thiện đáng kể. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_578_51417610/c9f99d1ba4554d0b1444.jpg)
Thị trường BĐS nhà ở Việt Nam năm 2025 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với nguồn cung mới được cải thiện đáng kể. Ảnh tư liệu
Căn hộ chung cư tiếp tục dẫn dắt thị trường
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất với nguồn cung tăng mạnh theo năm. Các dự án nhà ở mở bán mới, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với không ít thách thức. Sự phục hồi của thị trường vẫn có sự phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc, khu vực, loại hình sản phẩm và thậm chí giữa các doanh nghiệp cung ứng.
Dù vậy, với sự đồng lòng của các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, cùng việc hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS, nhiều vướng mắc sẽ từng bước được tháo gỡ. Những nỗ lực này kỳ vọng sẽ giúp thị trường phục hồi mạnh mẽ và phát triển ổn định hơn trong thời gian tới, mở ra cơ hội để BĐS Việt Nam tiếp tục bứt phá và khai thác tiềm năng tăng trưởng rực rỡ.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, nguồn cung BĐS nhà ở năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng, khoảng 10% so với năm 2024 và được đóng góp đồng đều hơn bởi các khu vực; khi nhiều dự án đã được tháo gỡ vướng mắc và triển khai trở lại trong năm 2024, nhiều dự án cũng có kế hoạch “ra hàng” để đón đầu cơ hội phục hồi của thị trường. Nhưng nguồn cung BĐS dự kiến vẫn được đóng góp chủ yếu bởi các đại đô thị tại các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Bắc của các chủ đầu tư lớn. Nguồn cung BĐS tại Hà Nội và các đô thị vệ tinh ước tính đạt khoảng 37 nghìn sản phẩm, TP. Hồ Chí Minh và vùng ven ước tính đạt khoảng 18 nghìn sản phẩm.
Loại hình căn hộ chung cư, chủ yếu là phân khúc có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên tiếp tục “dẫn dắt” thị trường, với sự gia tăng nguồn cung hạng sang. Loại hình biệt thự/liền kề nhà phố cũng dần trở thành “tâm điểm" thị trường với nguồn cung mới tăng trưởng từ các dự án đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích dự kiến mở bán. Trong khi nguồn cung đất nền sẽ tiếp tục giảm cùng quy định “siết” phân lô bán nền.
Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục khan hiếm so với nhu cầu nhà ở, bao gồm cả nhu cầu mua để ở và đầu tư, đang không ngừng tăng lên cùng sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa. Nhất là phân khúc nhà ở bình dân, bởi nguồn cung từ các dự án nhà ở xã hội dự kiến tăng trưởng “rõ rệt” trong năm 2025 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nguồn cung nhà ở toàn thị trường. Trong khi nhu cầu nhà ở bình dân, trung cấp vẫn là nhu cầu chính của thị trường.
Nguồn cung tăng trưởng nhưng vẫn khan hiếm so với nhu cầu và chủ yếu đến từ các dự án đại đô thị của các chủ đầu tư lớn, sẽ tiếp tục giúp các dự án nhà ở mở bán mới duy trì mức giá bán “neo” cao. Trong khi mặt bằng giá thứ cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Tiếp tục được coi là kênh đầu tư ổn định
Ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (DXS-FERI) chia sẻ, nhờ sự điều phối của Chính phủ thông qua hàng loạt các chính sách, kết hợp với đặc thù nhu cầu thực tế của từng địa phương, thị trường BĐS Việt Nam đã xuất hiện rõ vai trò của các vùng thị trường dẫn sóng và vùng thị trường theo sóng.
Sức cầu năm 2025 dự báo cải thiện khá hơn, sức mua tập trung chính tại thị trường dẫn sóng là các đô thị lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số thị trường là các đô thị vệ tinh của các tỉnh thành “dẫn sóng”.
Giới chuyên gia dự báo, thị trường BĐS nhà ở Việt Nam năm 2025 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với nguồn cung mới được cải thiện đáng kể so với năm 2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng và tỷ lệ hấp thụ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thị trường BĐS dự báo sẽ rơi vào kịch bản kỳ vọng, nguồn cung mới tăng 30% - 40%, lãi suất thả nổi ở mức 10-12%, giá bán tăng 10-15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 35 - 40%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường.
Ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc, Bộ phận Quản lý Cấp cao TP. Hồ Chí Minh, Savills Việt Nam cho rằng, “hiệu ứng thịnh vượng” với sự gia tăng thu nhập, nhu cầu cải thiện chất lượng sống tăng cao, trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Điều này lý giải cho sức hút của bất động sản nhà ở phân khúc cao cấp và hạng sang thời gian qua.
Chuyên gia này đánh giá, BĐS nhà ở tại Việt Nam tiếp tục được coi là một kênh đầu tư ổn định, không chỉ mang lại lợi nhuận từ cho thuê mà còn có tiềm năng tăng trưởng vốn dài hạn. Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm thấp và thị trường chứng khoán thiếu sự ổn định, kênh đầu tư thay thế vẫn còn hạn chế, đầu tư bất động sản vẫn là lựa chọn hàng đầu. Đầu tư vào căn hộ cao cấp/hạng sang là kênh đầu tư an toàn, bền vững và dài hạn cho tương lai hoặc để lại cho thế hệ sau. Yếu tố được chuyên gia Savills nhấn mạnh là “vị trí”, coi đây là yếu tố then chốt.
Nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục dịch chuyển sang vùng ven đô thị
Theo chuyên gia, các dự án nhà ở mở bán trong năm 2025 vẫn sẽ được quan tâm, giao dịch, hấp thụ tốt nhưng tốc độ hấp thụ có khả năng chậm lại. Phân khúc căn hộ sẽ tiếp tục “chiếm lĩnh” thanh khoản thị trường. Nhu cầu nhà ở, nhất là nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục dịch chuyển sang vùng ven đô thị và các tỉnh thành cấp 2, cấp 3, nơi có mức giá thấp hơn, còn nhiều dư địa tăng trưởng hơn trong tương lai.