Gỡ vướng về vật liệu thi công cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay khu vực phía Nam đang triển khai 15 dự án giao thông trọng điểm, tiến độ các dự án chủ yếu hoàn thành năm 2025, một số dự án hoàn thành năm 2026.
Trong khi vấn đề vật liệu xây dựng, đất đắp cho các dự án giao thông này đang thiếu hụt và có nguy cơ không đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tổ chức “Hội nghị thống nhất giải pháp đảm bảo vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
![Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_324_51420265/f7cd7d6b4425ad7bf434.jpg)
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN
Ông Võ Tấn Đức – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tại địa phương hiện có 3 dự án quan trọng của ngành giao thông gồm Dự án sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Vành đai 3; trong đó, tổng nhu cầu về đá xây dựng cần khoảng 5,1 triệu m3; đất đắp dùng làm vật liệu san lấp cần khoảng 5,8 triệu m3; cát xây dựng và cát san lấp cần khoảng 1,46 triệu m3.
Ngoài ra, còn một số dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn Đồng Nai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Vành đai 4 đang thi công xây dựng. Tổng nhu cầu về đá xây dựng các công trình này là 3,78 triệu m3, đất đắp là 2,01 triệu m3, cùng 2,39 triệu m3 cát xây dựng và san lấp.
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay, khu vực phía Nam đang triển khai 15 dự án giao thông trọng điểm. Nhu cầu vật liệu đá đối với 15 dự án này khoảng 21,5 triệu m3. Đến nay đã đưa về công trường khối lượng 4,6 triệu m3; khối lượng còn lại cần huy động là 16,9 triệu m3.
Do hiện nay toàn bộ các dự án trọng điểm trong khu vực cũng như trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang trong giai đoạn cao điểm về tiến độ nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025, nên nhu cầu về đá xây dựng tăng đột biến, ảnh hưởng lớn tới tổng thể kế hoạch tổ chức sản xuất của các mỏ vì phải cung cấp đồng thời cho nhiều dự án. Đặc biệt Dự án sân bay Long Thành có nhu cầu đá xây dựng trong năm 2025 khoảng 4,7 triệu m3; Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cần khoảng 1,2 triệu m3; Dự án vành đai 3 cần khoảng 2,3 triệu m3.
Tuy nhiên, năng lực cung cấp hiện tại của các mỏ không đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, khả năng cung cấp còn gặp nhiều hạn chế do phụ thuộc vào thời gian chờ vận chuyển, nâng công suất, công suất khai thác thực tế của hệ thống máy móc, thiết bị của từng mỏ trong khu vực - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.
Ngoài đá xây dựng, theo Bộ Giao thông vận tải, riêng Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện nay tổng nhu cầu về vật liệu đắp nền đường là 5,2 triệu m3. Đến thời điểm hiện tại mới đưa về công trường được 0,55 triệu m3, cần tiếp tục huy động 4,7 triệu m3 để san lấp mặt đường.
![Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_324_51420265/32d4bc72853c6c62352d.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN
Do đó, ông Lê Xuân Long – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) đề xuất, cần thành lập ngay một tổ điều phối về nguồn vật liệu xây dựng đối với các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3. Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu xây dựng như hiện nay, theo ông Long, cần làm rõ được vấn đề cung – cầu, sau đó tổ điều phối sẽ có phương án điều tiết về cung cầu, trước mắt ưu tiên cho những dự án cấp bách, trọng điểm quốc gia.
Ông Lộ Trường Sơn – Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC (đơn vị đang thi công gói thầu đường cất hạ cánh sân bay Long Thành) cho biết, việc tiếp cận các mỏ vật liệu xây dựng cung ứng cho dự án thi công sân bay Long Thành cũng rất khó khăn. Tại khu vực Đồng Nai hiện nay có 10 mỏ, tuy nhiên ACC chỉ mua vật liệu được của 2 mỏ. Trong khi năng lực khai thác của các mỏ còn hạn chế, xe vào chở vật liệu phải xếp hàng dài chờ. Mỗi ngày mỗi xe chỉ chở được khoảng 2 chuyến. Như vậy, tiến độ sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu.
ACC đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu tăng công suất các mỏ vật liệu xây dựng này. Trong đó đối với mỏ Tân Cang tăng lên 3,5 triệu m3 và mỏ Núi Nứa 1,5 triệu m3. Với công suất này thì mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án sân bay Long Thành.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, cần giải quyết ngay bài toán cung – cầu về vật liệu xây dựng đối với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn Đồng Nai để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
“Chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công cần chủ động và thực hiện ngay yêu cầu về khối lượng, chủng loại, quy cách, chất lượng vật liệu xây dựng, địa điểm của từng công trình cụ thể để kết nối với các đơn vị cung ứng. Đối với các đơn vị cung ứng, trên cơ sở giấy phép được cấp, trữ lượng, khả năng khai thác, khẩn trương cung ứng cho các dự án. Tinh thần là phải ưu tiên số một cho các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án cấp bách hiện nay” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các dự án trọng điểm thành lập ngay tổ điều phối về vật liệu xây dựng để giải quyết vấn đề cung – cầu.
Đối với những vướng mắc trong thủ tục đất đai, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong tuần sau Bộ sẽ cử một đoàn công tác vào phối hợp với tỉnh Đồng Nai để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
![Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_324_51420265/6684e322da6c33326a7d.jpg)
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN
Tại hội nghị, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng, đất san lấp trong thời gian tới để những đơn vị này yên tâm sản xuất. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chủ động rà soát thủ tục pháp lý hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện để hoàn thiện thủ tục đầu tư, khoáng sản, đất đai, môi trường và hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện gia hạn giấy phép khai thác đối với 5 mỏ đá xây dựng đã cấp phép mà việc gia hạn giấy phép sử dụng sản phẩm đá sau khi chế biến phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia, sản phẩm đi kèm quá trình sản xuất không sử dụng cho các công trình trọng điểm thì doanh nghiệp được phép tiêu thụ thương mại cho công trình khác trên địa bàn.
Quá trình triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện phát sinh đất thanh thải (đất dôi dư của dự án đường cao tốc) và nhà thầu đề xuất sử dụng san lấp dự án thương mại (dự án khu công nghệ cao Amata) theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện đang được tập kết tại các khu vực thi công dự án.