Thị trường bánh không chỉ có ngọt ngào
Với mức tăng trường hai con số, thị trường bánh được đánh giá là khá hấp dẫn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của ngành hàng này sẽ ngày càng gay gắt hơn do có nhiều thương hiệu bánh mới tham gia thị trường và thói quen của người tiêu dùng thay đổi.
Thị trường đầy 'ngọt ngào'
Gần góc ngã tư Lê Văn Sỹ - Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận (TPHCM), một tiệm bánh tươi thương hiệu Paris mọc lên gần đây thay thế cửa hàng áo quần vừa rời khỏi mặt bằng này.
Trong khhi đó, thương hiệu bánh mì PewPew sau khi phát triển được 3 cửa hàng tại TPHCM thì đã bắt đầu tiến ra thị trường phía Bắc với việc mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, thu hút đông đảo bạn trẻ xếp hàng dài chờ đến lượt vào thưởng thức trong ngày khai trương vào tháng 11 vừa qua.
Câu chuyện ngành làm bánh phát triển chuỗi kinh doanh, mở thêm điểm bán mới như các cửa tiệm nói trên thay thế những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác do kinh doanh ế ẩm không phải là ít trên thị trường trong thời gian qua.
“Trong khi các lĩnh vực khác như mặt hàng thời trang bị ảnh hưởng sự suy giảm kinh tế và thắt chặt chi tiêu, thì ngành bánh kẹo vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 15-20% trong năm 2024”, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), nhận định.
Theo quan sát của ông Lực, tại TPHCM, lâu lâu lại xuất hiện những cửa hàng làm bánh hoặc đơn vị mới gia nhập thị trường cho thấy ngành bánh đang phát triển khá tốt. Việc kinh doanh của ABC Bakery cũng đang thuận lợi khi kết thúc năm nay có mức tăng trưởng gần 20% so với năm ngoái.
Các doanh nghiệp khác trong ngành cũng báo cáo có kết quả kinh doanh khá tốt. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực thực phẩm đóng gói của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 12%. Lợi nhuận trước thuế lĩnh vực này tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 65 tỉ đồng, trong đó bánh kẹo tăng trưởng 31%, cao hơn so với mức tăng doanh thu 12%.
Đạt kết quả cao này, theo PAN là do hãng tái cấu trúc danh mục sản phẩm, tập trung kinh doanh các sản phẩm bánh tươi, kẹo dẻo có biên lợi nhuận tốt, cũng như quản lý tốt giá nguyên liệu đầu vào.
Ở vị trí đại diện hội ngành nghề, bà Lê Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội bánh Việt Nam, cũng cho rằng sản phẩm bánh hiện nay có ưu thế khi vừa được dùng làm quà tặng, ăn thay thế bữa sáng và cũng vừa là để thưởng thức.
Bà dự báo, mức tăng trưởng của thị trường bánh có thể đạt 20-30% mỗi năm nhờ sự bắt kịp của lĩnh vực sản xuất truyền thống theo hướng hiện đại, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt
Với đà tăng trưởng cao, thị trường bánh trong nước ngày càng có sức hút với các doanh nghiệp ngoại. Hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, Triển lãm quốc tế ngành bánh tại Việt Nam (VIBS) đã thu hút các thương hiệu bánh hàng đầu của Đài Loan, như Sun-Mate, Yang JenQ, Hundred... tham gia.
Theo đại diện Hiệp hội Bánh Đài Bắc (TBA), với ưu thế là một đất nước có dân số đông và trẻ, Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường bánh giàu tiềm năng của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là lý do mà các doanh nghiệp thành viên của TBA tham dự VIBS nhằm khảo sát thị trường, tìm hiểu khẩu vị người tiêu dùng Việt trước khi đầu tư kinh doanh.
Trên thực tế, những năm qua, thị trường bánh Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiêp ngoại như Paris Baguette, Tous les Jours, Dunkin’ Donuts… mở rộng điểm bán, hoặc các chuỗi bánh truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc... gia nhập.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước như Givral, Brodard, Sweet Home Bakery, Đức Phát, ABC Bakery… không chỉ phải cạnh tranh vơíD89 nhau mà còn phải giành lại thị phần từ các đối thủ ngoại.
Đó là chưa kể, các khách sạn, nhà hàng, chuỗi quán cà phê chính hiệu như Starbucks, Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee Bean, Coffee House… cũng làm bánh.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành, ông Kao Siêu Lực đánh giá, sự tham gia mạnh mẽ của giới trẻ khởi nghiệp cũng như việc nâng cấp lên thành thương hiệu của các lò bánh thủ công gia đình cũng đang góp phần thúc đẩy thị trường bánh sôi động hơn. Thị trường vẫn mở rộng. Các cửa hàng bánh tiếp tục xuất hiện ở khắp nơi, đáp ứng nhu cầu không ngừng của người tiêu dùng nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Theo nghiên cứu của iPOS, nhà cung cấp giải pháp phần mềm quản lý nhà hàng và quán cà phê, năm 2024 giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm ngoái. Còn theo số liệu của nền tảng dữ liệu và thông tin kinh doanh toàn cầu Statista, doanh thu thị trường bánh kẹo Việt đạt 1,64 tỉ đô la năm 2024.
Dự báo những năm tới, các chuyên gia đánh giá ngành bánh sẽ tiếp tục phát triển khả quan, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp trong ngành đang tập trung vào cải tiến công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo năng lực cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Đồng thời, xu hướng tiêu dùng cũng đang thay đổi. Người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm bánh ít ngọt, ít béo, an toàn nhưng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon và đa dạng, thúc đẩy các thương hiệu không ngừng cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Sức ép từ sự cạnh tranh này buộc các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước phải chạy đua trong công cuộc đổi mới, tìm hướng đi riêng để duy trì lợi nhuận và thị phần. Từ việc mở thêm các chuỗi cửa hàng nhằm mở rộng thị trường, cho đến việc phát triển mô hình kinh doanh mới là kết hợp bán bánh ngọt, trà, cà phê...
Bà Vũ Thị Hoài Sơn, CEO Nhất Hương Group, đơn vị cung ứng nguyên liệu cho ngành bánh, thể hiện sự lo lắng cho tương lai của ngành bánh. "Cứ nhìn sang ngành trà sữa hay cà phê thì sẽ thấy thị trường của Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi những đối thủ có trình độ quản lý và tài chính vững mạnh".
Để tận dụng những tiềm năng thị trường, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải nỗ lực vượt qua các thách thức mới mà thị trường đặt ra. Thị trường bánh Việt Nam không chỉ là mảnh đất màu mỡ của những doanh nghiệp giành được sự hài lòng của người tiêu dùng mà còn "miền đất hứa" của những nhà kinh doanh tạo được sự sáng tạo trong sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại.