Người trẻ 'chạy nước rút', 'cày cuốc' kiếm tiền những ngày cận Tết

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Lúc này, nhiều người đang tất bật làm việc, cố gắng kiếm tiền để chuẩn bị một cái Tết đủ đầy.

Làm việc không biết mệt

Gần một tháng trước Tết Nguyên đán, Nguyễn Văn Hậu (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) bắt đầu một ngày làm việc từ 5 giờ sáng. Với chiếc xe máy cũ kỹ, Hậu rong ruổi khắp các con phố để chở khách. Sau buổi sáng bận rộn, anh dành buổi chiều giao hàng cho một cửa hàng trực tuyến. Tối đến, Hậu tiếp tục công việc bốc xếp hàng hóa tại một kho siêu thị. Một ngày làm việc của anh kết thúc lúc 11 giờ đêm, khi đường phố đã vắng bóng người qua lại.

Hậu làm thêm nhiều việc để kiếm thêm tiền tiêu Tết. (Ảnh: NVCC)

Hậu làm thêm nhiều việc để kiếm thêm tiền tiêu Tết. (Ảnh: NVCC)

"Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Mình phải làm nhiều việc cùng lúc để có đủ tiền biếu ba mẹ và sắm sửa cho Tết. Thời gian nghỉ ngơi chỉ đủ để ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày. Nhưng nghĩ đến cái Tết đủ đầy cho gia đình, mình lại có động lực", Hậu chia sẻ.

Anh tiết lộ, việc làm tài xế công nghệ và giao hàng mang lại khoảng 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, số tiền này phải chia ra để trang trải chi phí xăng xe và ăn uống. "Mỗi ngày mình cố gắng tiết kiệm tối đa, tự nấu ăn thay vì mua ngoài. Dù vất vả, nhưng Tết đến gần, mình phải cố gắng hết sức", anh nói.

Nguyễn Hoàng Anh (24 tuổi, quê Phú Thọ), hiện đang làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cũng tranh thủ dịp cuối năm để kiếm thêm thu nhập. Công việc văn phòng từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều chỉ mang lại mức lương cơ bản. Sau giờ làm, Hoàng Anh dành thời gian để kinh doanh quần áo trực tuyến.

"Mỗi ngày, mình dành khoảng 4 tiếng buổi tối để trả lời tin nhắn khách hàng, chốt đơn và chuẩn bị hàng. Tháng cuối năm là thời điểm đắt hàng nhất, nhưng cũng áp lực nhất vì phải gấp rút giao hàng trước Tết. Mình đặt mục tiêu kiếm thêm 15 triệu đồng từ việc kinh doanh, đủ để chi tiêu Tết thoải mái và gửi chút tiền về quê cho ba mẹ", Hoàng Anh chia sẻ.

Hoàng Anh dành thời gian cuối ngày kinh doanh quần áo trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

Hoàng Anh dành thời gian cuối ngày kinh doanh quần áo trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

Cô kể rằng dịp cuối năm khiến cô thường xuyên thiếu ngủ vì phải vừa làm công việc chính, vừa làm thêm. "Nhiều hôm mình thức đến gần 1 giờ sáng để đóng gói hàng. Thế nhưng, nghĩ đến việc có thể mang lại một cái Tết đủ đầy hơn cho gia đình, mình thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng", Hoàng Anh bày tỏ.

Nguyễn Mai Hương (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đang bước vào những ngày làm việc căng thẳng cận Tết. Ban ngày, Hương làm nhân viên phục vụ tại một quán cà phê, buổi tối lại chạy bàn ở một nhà hàng lẩu nướng. Công việc kéo dài từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm khiến Hương gần như không có thời gian cho bản thân:

"Cuối năm là mùa cao điểm, khách đông, nên mình thường xuyên phải tăng ca. Mỗi ngày làm việc liên tục khiến mình không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng mình biết đây là cơ hội tốt để tăng thu nhập".

Hương làm thêm tại một quán cà phê. (Ảnh: NVCC)

Hương làm thêm tại một quán cà phê. (Ảnh: NVCC)

Hương cho biết thêm: "Tết là dịp mọi người tiêu xài thoải mái, nhưng với mình, đó là thời điểm phải làm việc hết sức. Thu nhập từ cả hai công việc khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhưng mình dành 30% để gửi về quê phụ giúp ba mẹ. Càng gần Tết, áp lực công việc càng lớn, nhưng mình vẫn cố gắng duy trì để đạt mục tiêu tài chính đã đặt ra", Tài nói.

Tài tiết lộ, anh chàng đã lên kế hoạch chi tiêu Tết từ sớm. "Mình dự định dành 5 triệu đồng để biếu bố mẹ, 3 triệu đồng để mua quà Tết, còn lại là tiền chi tiêu cá nhân", anh bộc bạch.

Với Nguyễn Thị Mai (27 tuổi, quê Nghệ An), công việc những ngày cận Tết không chỉ là cơ hội tăng thu nhập, mà còn là cách để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Mai làm nhân viên kế toán tại một công ty xây dựng ở Hà Nội. Dù công việc chính khá bận rộn, cô vẫn nhận thêm việc làm sổ sách cho các hộ kinh doanh nhỏ vào buổi tối.

"Dịp cuối năm, công ty cần tổng kết tài chính, khiến mình phải làm việc đến 7 giờ tối. Sau đó, tôi dành thêm 3-4 tiếng để làm sổ sách thuê. Mỗi tháng, công việc làm thêm này mang lại cho mình khoảng 6-7 triệu đồng. Đây là khoản tiền mình dành để mua vé xe về quê, lì xì cho các em và chuẩn bị quà Tết cho bố mẹ", Mai chia sẻ.

Để Tết không còn là gánh nặng tài chính

Vào dịp cuối năm, vấn đề tài chính trở thành mối lo ngại lớn của nhiều người bởi đây là thời điểm nhu cầu chi tiêu tăng cao. Thạc sĩ Nguyễn Mai Lan, Công ty Cổ phần One Mount Group nhận định rằng Tết Nguyên đán thường đi kèm với hàng loạt khoản chi lớn, từ việc mua sắm thực phẩm, quà biếu, trang trí nhà cửa, mừng tuổi cho đến các hoạt động giải trí.

Một số bạn trẻ làm nhiều việc cùng lúc vào những tháng cuối năm để kiếm tiền tiêu Tết. (Ảnh minh họa)

Một số bạn trẻ làm nhiều việc cùng lúc vào những tháng cuối năm để kiếm tiền tiêu Tết. (Ảnh minh họa)

Chị cho rằng mức độ chi tiêu phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện tài chính của từng gia đình, nhưng áp lực kinh tế có thể được giảm bớt nếu mỗi người biết cách quản lý chi tiêu hợp lý. “Thay vì đặt nặng vấn đề phô trương hay chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài, chúng ta nên coi Tết là dịp để gắn kết gia đình và chia sẻ niềm vui. Điều này không nhất thiết phải đi kèm với việc chi tiêu quá mức, đặc biệt ở những khoản như quà tặng, lì xì hay trang trí,” chị phân tích.

Để có một cái Tết trọn vẹn mà không phải lo nghĩ về tài chính, chị Lan gợi ý rằng mọi người nên lên kế hoạch chi tiêu từ sớm. Danh sách các khoản cần chi, từ lớn đến nhỏ, như quà tặng, thực phẩm hay tiền mừng tuổi, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Việc xác định rõ ngân sách tổng thể cũng rất quan trọng, đảm bảo không chi tiêu vượt quá khả năng và không ảnh hưởng đến các kế hoạch tiết kiệm dài hạn.

Chị Lan cũng khuyên nên tận dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm để mua sắm trước, tránh tình trạng mua hàng sát Tết khi giá cả thường leo thang. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm bớt áp lực vào những ngày cận Tết.

“Nếu chúng ta có cách tiếp cận với Tết nhẹ nhàng hơn, tập trung vào giá trị cốt lõi như sự sum họp, sẻ chia với gia đình, chắc chắn Tết sẽ ý nghĩa hơn và không còn là gánh nặng tài chính,” chị nhấn mạnh.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-tre-chay-nuoc-rut-cay-cuoc-kiem-tien-nhung-ngay-can-tet-post1706482.tpo
Zalo