Theo dòng thời sự: Cuộc đua giữa hai thái cực

Ngày 18/5, cử tri Ba Lan đi bỏ phiếu chọn ra nhà lãnh đạo kế nhiệm Tổng thống Andrzej Duda, khi bối cảnh chính trị ở quốc gia Trung Âu đầy biến động và nội bộ xã hội Ba Lan vẫn phân rẽ nghiêm trọng.

Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là bước ngoặt chính trị của Ba Lan, khi tương lai của chính phủ cải cách theo đường lối thân Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Donald Tusk phụ thuộc phần lớn vào việc ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. Sau khi đắc cử năm 2023, Thủ tướng Tusk và liên minh cầm quyền của ông đã thực hiện nhiều cải cách nhằm củng cố nền dân chủ và tăng cường quan hệ với EU. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Tổng thống đương nhiệm Duda, người có quan điểm bảo thủ và thân đảng Luật pháp và Công lý (PiS). Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống lần này không chỉ quyết định người đứng đầu nhà nước mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến hướng đi chính trị của Ba Lan trong những năm tới.

Trong giai đoạn 2015 - 2023, Ba Lan dưới sự lèo lái của PiS theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ và có xu hướng xung đột với EU. Tuy nhiên, chiến thắng của liên minh tự do do chính khách Tusk lãnh đạo trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2023 đã tạo nên một ngã rẽ mới, hứa hẹn khôi phục mối quan hệ hữu hảo với EU. Mặc dù vậy, theo luật định, tổng thống là người vẫn giữ quyền phủ quyết các đạo luật, và hiện tại, liên minh của Thủ tướng Tusk không đủ 2/3 số phiếu để vượt qua quyền phủ quyết này. Điều đó khiến cuộc bầu cử tổng thống lần này trở thành một "trận chiến chiến lược": hoặc củng cố quyền lực cho phe cải cách, hoặc duy trì thế cân bằng quyền lực thường dẫn đến bế tắc như trong vài năm qua.

Giới chuyên gia đánh giá cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan năm nay là một cuộc đua chính trị đa dạng, trong đó mỗi ứng cử viên đại diện cho một sắc thái chính trị, xã hội và văn hóa riêng biệt, phản ánh sự phân hóa sâu sắc trong lòng xã hội Ba Lan hiện nay. Qua các cuộc khảo sát, hai ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua quyền lực lần này là ông Rafał Trzaskowski – Thị trưởng Vacsava - đại diện cho Liên minh Công dân (KO) - và ông Karol Nawrocki – nhà sử học, ứng cử viên độc lập được PiS ủng hộ.

Ông Trzaskowski theo đuổi một đường lối chính trị tự do thân châu Âu, nhấn mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng với EU. Chính khách này được cho là đại diện cho tầng lớp thành thị, giới trí thức, cử tri trẻ, người ủng hộ hội nhập châu Âu. Ông chủ trương khôi phục nhà nước pháp quyền và đưa Ba Lan trở lại trung tâm châu Âu với một hình ảnh hiện đại cởi mở, gắn bó với phương Tây và các giá trị dân chủ tự do kiểu phương Tây.

Ở chiều ngược lại, ứng cử viên Nawrocki nổi bật với quan điểm bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu. Ông cam kết bảo vệ các giá trị truyền thống của Ba Lan và ưu tiên lợi ích quốc gia trong các chính sách đối nội và đối ngoại.

Ngoài việc được PiS ủng hộ, nhà sử học Nawrocki được đánh giá cao trong giới bảo thủ với lập trường vững chắc về các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, ông được cho là có thể gặp khó khăn trong việc thu hút sự ủng hộ từ các cử tri ở các khu vực thành thị và tự do, nơi sự ủng hộ đối với các chính sách bảo thủ có thể thấp hơn.

Có thể nói, cả hai ứng cử viên đều có những điểm mạnh và thách thức riêng. Ông Trzaskowski, với hình ảnh là một nhà lãnh đạo hiện đại và thân châu Âu, đối đầu với ông Nawrocki, người đại diện cho sự bảo thủ và giá trị truyền thống của Ba Lan. Cuộc bầu cử này hứa hẹn sẽ rất gay cấn.

Trong các cuộc vận động tranh cử, hai ứng cử viên tiềm năng nhất đặt trọng tâm vào các lĩnh vực cải cách tư pháp và pháp quyền, quan hệ với EU, chính sách đối với người tị nạn, đặc biệt là người Ukraine, vấn đề văn hóa và quyền cá nhân, kinh tế và chi tiêu công và cuối cùng là Chính sách môi trường và Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Từ năm 2015, dưới sự lãnh đạo của PiS, Ba Lan đã tiến hành cải cách toàn diện hệ thống tư pháp. Chính phủ tuyên bố những thay đổi này nhằm "làm sạch" bộ máy tòa án và tăng tính hiệu quả. Tuy nhiên, EU và nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng những cải cách này làm suy yếu tính độc lập của tư pháp, đặc biệt liên quan đến việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) do Quốc hội kiểm soát, có quyền bổ nhiệm thẩm phán, cũng như giới hạn quyền của Tòa án Tối cao. Ngoài ra, còn liên quan đến việc gây áp lực với thẩm phán có tư tưởng độc lập, bao gồm cả điều tra, thuyên chuyển hoặc cho nghỉ hưu sớm.

Chính vì những lý do trên, EU đã kiện Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), đồng thời đóng băng hơn 35 tỷ euro tiền quỹ phục hồi hậu COVID-19 vì lo ngại vi phạm nguyên tắc pháp quyền. Quan hệ giữa Ba Lan và EU cũng đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm do các vấn đề pháp quyền, môi trường và nhập cư. Trong cuộc bầu cử này, thái độ đối với EU trở thành ranh giới rõ rệt giữa các ứng cử viên.

Thêm vào đó, Ba Lan nhiều lần bị EU và Nghị viện châu Âu chỉ trích về các vấn đề xoay quanh cộng đồng LGBTQ+, truyền thông, tự do học thuật và năng lượng. Thậm chí, đã xuất hiện những lo ngại về một cuộc Polexit (chỉ việc Ba Lan rời EU).

Sau cuộc bầu cử quốc hội cuối năm 2023, chính phủ mới của Thủ tướng Tusk – cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu - bắt đầu nỗ lực “sửa chữa” mối quan hệ với EU bằng cam kết khôi phục pháp quyền, sửa đổi luật tư pháp và đàm phán với Brussels. Một phần quỹ phục hồi cũng đã được giải ngân vào cuối năm 2024, sau khi Ba Lan có tiến triển trong cải cách hệ thống tòa án. Chính quyền nước này cũng tái khẳng định vai trò trong NATO và EU về hỗ trợ Ukraine và an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tusk vẫn gặp rào cản từ Tổng thống Duda, người thân PiS và nhiều lần phủ quyết các đạo luật quan trọng về tư pháp và truyền thông. Theo các cuộc thăm dò gần đây, nếu không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu trong vòng một, sẽ có vòng hai vào ngày 1/6 tới giữa hai ứng cử viên tiềm năng Rafał Trzaskowski và Karol Nawrocki. Trong vòng hai, ông Trzaskowski được dự đoán sẽ chiến thắng với tỷ lệ 52% so với 41% của đối thủ Nawrocki. Tuy nhiên, kết quả vẫn phụ thuộc lớn vào tỷ lệ cử tri đi bầu và sự phân bổ phiếu bầu của cử tri trung lập hoặc những người ủng hộ ứng cử viên bị loại ở vòng một.

Có thể thấy sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên phản ánh sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Ba Lan về các vấn đề như quan hệ với EU, quyền lợi cá nhân, và bảo vệ truyền thống dân tộc. Kết quả bầu cử sẽ có tác động lớn đến chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia lớn nhất khu vực Trung Âu này.

Việt Thắng (Phóng viên TTXVN tại Trung Âu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/theo-dong-thoi-su-cuoc-dua-giua-hai-thai-cuc-20250518062908092.htm
Zalo