Cựu Tổng thống Liên bang Nga cảnh báo về các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine
Cựu Tổng thống Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev cảnh báo tối hậu thư có thể làm trệch hướng đàm phán giữa Moskva (Moscow) và Kiev.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga mitry Medvedev. Ảnh: AFP/TTXVN
Kênh RT của Liên bang Nga tối 17/5, theo giờ địa phương dẫn cảnh báo của cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng các tối hậu thư từ phương Tây sẽ không giúp giải quyết xung đột Ukraine.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹđe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Moskva.
Khi Liên bang Nga và Ukraine tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong ba năm tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm thứ Sáu (16/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt “nghiền nát” đối với Liên bang Nga nếu nước này không đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Các quốc gia thành viên EU cũng đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 17, dự kiến sẽ được phê duyệt chính thức vào tuần tới.
“Tất cả những kẻ thù của Liên bang Nga đưa ra các tối hậu thư trong đàm phán nên nhớ một điều đơn giản: đàm phán hòa bình không phải lúc nào cũng dẫn đến chấm dứt chiến sự”, ông Medvedev, người hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga – viết trên mạng xã hội X hôm thứ Bảy (17/5).
“Những cuộc đàm phán thất bại có thể dẫn đến một giai đoạn chiến tranh khủng khiếp hơn, với các loại vũ khí mới và những bên tham chiến mới”, cựu Tổng thống Liên bang Nga nói thêm.
Phương Tây đã kêu gọi Liên bang Nga chấp nhận một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày do Ukraine và Mỹ đề xuất. Tuy nhiên, Moskva lập luận rằng Kiev sẽ lợi dụng thời gian ngừng giao tranh để tái vũ trang và tái tổ chức lực lượng.
Tổng thống Liên bang Vladimir Putin nhấn mạnh rằng một giải pháp lâu dài sẽ đòi hỏi Ukraine phải chấm dứt lệnh tổng động viên, ngừng tiếp nhận vũ khí từ nước ngoài và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Liên bang Nga.
Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Liên bang Nga tại Istanbul, ông Vladimir Medinsky, cho biết hai bên đã đồng ý tiến hành một cuộc trao đổi tù binh với quy mô 1.000 người mỗi bên, và sẽ tiếp tục liên lạc sau khi cả hai phía chuẩn bị xong các đề xuất chi tiết về lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, theo báo The Kyiv Independent ngày 17/5, cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul giữa phái đoàn Ukraine và Liên bang Nga chỉ kéo dài chưa đầy hai giờ mà không đạt được bất kỳ đột phá nào.
Phía Ukraine đã đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trao đổi tù binh theo hình thức toàn bộ đổi toàn bộ, và một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, phía Liên bang Nga một lần nữa đưa ra hàng loạt yêu cầu lớn, bao gồm việc Ukraine chấp nhận vị thế trung lập, từ bỏ yêu cầu bồi thường chiến tranh từ Moskva, và công nhận việc mất Crimea cùng bốn vùng lãnh thổ khác.
Năm 2022, Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia sau khi trưng cầu dân ý tại các nơi này, mặc dù không kiểm soát hoàn toàn các khu vực này.
Moskva cũng kiểm soát toàn bộ Bán đảo Crimea ở phía Nam Ukraine, sau khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.