Tổng thống Trump tiết lộ Ấn Độ sẵn sàng áp 'thuế Zero': Thực hư ra sao?
Tổng thống Donald Trump ngày 17/5 tuyên bố rằng Ấn Độ đã đề xuất một thỏa thuận thương mại gần như 'không có thuế' đối với hàng hóa Mỹ, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này tìm cách tránh những chi phí xuất khẩu cao hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung ở Washington ngày 13/12/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
Theo Al Jazeera, Ấn Độ đã bác bỏ tuyên bố trên nhưng vẫn đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong thời hạn 90 ngày tạm hoãn các mức thuế đối ứng mà ông Trump công bố hôm 9/4 nhằm vào các đối tác thương mại lớn. Ngày 8/5, Nhà Trắng đã ký một thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh – chỉ hai ngày sau khi Ấn Độ ký một hiệp định tương tự với London.
Các chỉ số chứng khoán chính của Ấn Độ đã tăng khoảng 1,5% sau tuyên bố của ông Trump. Chỉ số Nifty 50 tăng 1,6%, còn BSE Sensex tăng 1,48%, đạt mức cao nhất trong vòng bảy tháng qua.
Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động đàm phán thương mại với Mỹ sau chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Nhà Trắng vào tháng 2, với cam kết hai bên sẽ hoàn tất một thỏa thuận song phương trong năm nay.
Tháng trước, Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance đã đến thăm Ấn Độ và gặp ông Modi, ca ngợi những “tiến triển rất tích cực” trong tiến trình đàm phán thương mại giữa Washington và New Delhi.
Tổng thống Trump đã nói gì về Ấn Độ?
“Rất khó để bán hàng vào Ấn Độ, nhưng giờ họ đang đề nghị một thỏa thuận mà trong đó họ sẵn sàng gần như hoàn toàn không thu thuế đối với chúng tôi”, nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu tại một cuộc họp với giới doanh nhân ở Doha, Qatar. “Họ từng là nước có mức thuế cao nhất, giờ lại nói không thuế quan”.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã phản bác tuyên bố của ông Trump, khẳng định rằng “chưa có gì được quyết định cho đến khi mọi thứ được quyết định”. Ông nói thêm: “Đánh giá bây giờ là quá sớm” cho đến khi đạt được một thỏa thuận “hai bên cùng có lợi”.
Ông Trump không cung cấp thêm chi tiết về đề nghị được cho là của Ấn Độ, còn Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thì chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ giới truyền thông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp ở Washington ngày 13/12/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
Tình hình thương mại Mỹ - Ấn hiện nay
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch hai chiều đạt khoảng 129 tỷ USD trong năm 2024. Ấn Độ đạt thặng dư thương mại 45,7 tỷ USD với Mỹ trong năm qua, chủ yếu nhờ xuất khẩu dược phẩm, thiết bị điện và trang sức.
Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích rằng thuế quan của Ấn Độ quá cao và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Ông cam kết sẽ áp dụng mức thuế “có đi có lại” ở mức 27% đối với hàng hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, mức thuế này hiện đang được tạm hoãn cho đến đầu tháng 7.
Trong thời gian tạm hoãn, mức thuế cơ bản 10% vẫn được áp dụng đối với Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Mức thuế qua trung bình của Ấn Độ với Mỹ hiện là 17%, trong khi Mỹ ở chiều ngược chỉ ở mức 3,3% - theo một báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu về Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ (ICRIER).
Gần đây, Ấn Độ đã thực hiện một số nhượng bộ nhằm xoa dịu sự phản đối công khai của ông Trump, trong đó có việc giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Mỹ như rượu bourbon (từ 150% xuống 100%) và xe mô-tô Harley-Davidson (từ 50% xuống 40%).
Những điều khoản được cho là đã đề xuất?
Hãng tin Bloomberg cho biết, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đang diễn ra, New Delhi đã đề xuất miễn thuế đối với linh kiện ô tô, trên cơ sở có đi có lại và trong giới hạn nhất định.
Một phái đoàn quan chức Ấn Độ dự kiến sẽ đến Mỹ vào cuối tháng này nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán. Hãng tin Reuters đưa tin rằng Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal có thể cũng sẽ tham gia chuyến đi này.
Theo Reuters, Ấn Độ đã đề xuất giảm thuế về 0% đối với 60% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, đồng thời cung cấp quyền tiếp cận ưu đãi cho gần 90% hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ.
Về lý thuyết, điều này sẽ làm giảm chênh lệch thuế trung bình giữa hai nước khoảng 9 điểm %, từ đó giảm đáng kể các rào cản thương mại tại nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Quyền tiếp cận ưu đãi thị trường – tức là các điều kiện nhập khẩu dễ dàng hơn vào Mỹ so với các đối tác thương mại khác của Ấn Độ – đang được xem xét cho một số mặt hàng then chốt như trang sức, dệt may và nông sản.
Một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên cho biết: “Việc tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ sẽ mang lại điều kiện thương mại tốt hơn cho các mặt hàng này so với các đối tác thương mại khác của Mỹ.”
Để khiến thỏa thuận hấp dẫn hơn với phía Mỹ, Ấn Độ cũng đề xuất nới lỏng quy định xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu giá trị cao từ Mỹ, như máy bay, xe điện, thiết bị y tế và nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài vấn đề thuế, Ấn Độ cũng đề nghị được đối xử ngang hàng với các đồng minh hàng đầu của Mỹ như Anh và Nhật Bản trong việc tiếp cận các lĩnh vực công nghệ chiến lược, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và bán dẫn.
Những trở ngại đối với chế độ “miễn thuế”
Kỳ vọng của Ấn Độ về việc được miễn hoàn toàn thuế quan lại trái ngược với thỏa thuận mà Mỹ đã đạt được với Vương quốc Anh – trong đó chỉ có một số mặt hàng cụ thể, dựa trên lợi ích chung, được miễn thuế, chứ không phải miễn toàn bộ.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuần trước cũng ngụ ý rằng Washington đang muốn đạt được các “thỏa thuận mua hàng” cụ thể với Trung Quốc, như một phần trong tiến trình đàm phán thương mại.
Do đó, các thỏa thuận thương mại gần đây cho thấy chiến lược thuế quan của ông Trump thiên về các ngoại lệ có chọn lọc với một số mặt hàng, hơn là những hiệp định thương mại tự do toàn diện. Các tuyên bố từ giới chức Ấn Độ và Mỹ cũng cho thấy nhiều khả năng hai bên sẽ đi theo hướng này.
Về đối nội, Ấn Độ từ lâu đã sử dụng thuế quan để bảo vệ thị trường nông nghiệp khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ. Nhiều nông dân Ấn Độ lo ngại rằng ông Modi sẽ phải hy sinh các hàng rào bảo hộ này để đổi lấy một thỏa thuận với ông Trump.
Trên bình diện địa chính trị, Ấn Độ cũng đang ở thế khó xử. Dù Washington coi New Delhi là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, nhưng năm ngoái, Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc tới 113,45 tỷ USD – trong khi nhập từ Mỹ chỉ 40 tỷ USD.
Thêm vào đó, Trung Quốc mới đây cũng cảnh báo Anh về thỏa thuận thương mại với Mỹ, cáo buộc London đứng về phía Washington và có thể sẽ buộc các doanh nghiệp Anh loại bỏ hàng Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.
Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng “đáp trả mạnh” đối với các quốc gia đi theo đường lối của Mỹ nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh.
Về phần mình, Ấn Độ hiện cũng thể hiện sự sẵn sàng tham gia các hiệp định thương mại sau nhiều năm dè dặt. Tuần trước, nước này đã ký một hiệp định với Anh nhằm giảm đáng kể thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa.