'Theo dấu chân cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975': Chạm vào ký ức hoa lửa đại ngàn

Ngày 28-5, trong Hành trình về nguồn 'Theo dấu chân cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975' do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức, Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đã đến thăm những điểm di tích lịch sử, văn hóa với niềm xúc động lớn lao trước lịch sử oai hùng, kiên trung của vùng đất đại ngàn.

 Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Trưởng đoàn công tác - đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM cùng NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM và các văn nghệ sĩ xúc động làm lễ dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử văn hóa Nhà lao Pleiku, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai...

Tại tỉnh Kon Tum, đoàn thăm Khu di tích Nhà ngục Kon Tum, được Pháp xây dựng từ năm 1930, là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Tại đây, tháng 9-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Nơi đây đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản. Để che đậy chính sách vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12-1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa và từ năm 1988 nơi đây được công nhận là di tích lịch sử.

 Đoàn dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài ngục Kon Tum. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Đoàn dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài ngục Kon Tum. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

 Các văn nghệ sĩ tham quan khu trưng bày Nhà ngục Kon Tum. Ảnh: TIỂU TÂN

Các văn nghệ sĩ tham quan khu trưng bày Nhà ngục Kon Tum. Ảnh: TIỂU TÂN

Các văn nghệ sĩ TPHCM vô cùng xúc động khi được đặt chân đến nơi đây và nghe những câu chuyện, hiểu thêm tinh thần bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ. NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên cho biết đã xem trước các thông tin về Nhà ngục Kon Tum nhưng khi đến nơi, nghe thuyết minh viên kể chuyện, nhìn thấy những hình ảnh, hiện vật sống động của một thời đau thương, bản thân vẫn không kìm được cảm xúc.

NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên nói: “Những dấu tích nơi đại ngàn càng nhắc nhớ văn nghệ sĩ hôm nay càng phải sống và làm việc trách nhiệm. Đó cũng sẽ là chất liệu vô cùng quý giá để chúng tôi đưa vào các tác phẩm sắp tới”.

 NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên xúc động trước hiện vật, hình ảnh tái hiện tại Ngục Kon Tum. Ảnh: TIỂU TÂN

NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên xúc động trước hiện vật, hình ảnh tái hiện tại Ngục Kon Tum. Ảnh: TIỂU TÂN

Tại Nhà lao Plei Ku ở Gia Lai, các văn nghệ sĩ như lặng người đi khi vào từng phòng giam. Nhà lao Pleiku do người Pháp xây dựng từ năm 1925 để giam giữ thường phạm, phần lớn là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Năm 1940, khi phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ mạnh mẽ, nơi này trở thành nhà lao giam giữ những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước.

Hiện nay, nơi này là di tích lịch sử có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.

 Đoàn dâng hương, dâng hoa tại Nhà lao Plei Ku. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Đoàn dâng hương, dâng hoa tại Nhà lao Plei Ku. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Đến thăm Nhà lao Plei Ku, NSƯT Phạm Thế Vĩ xúc động bày tỏ: “Tuy không còn nguyên vẹn nhưng nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật, dấu vết minh chứng cho tội ác tàn độc của kẻ thù. Trên hết mỗi người dân Việt Nam khi đến đây cảm nhận rất rõ tinh thần đấu tranh quật cường của những người cộng sản yêu nước. Xin tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì một đất nước được độc lập, tự do. Chúng tôi sẽ mang những cảm xúc tự hào này lan tỏa này vào các tác phẩm, ca khúc yêu nước”.

 Các văn nghệ sĩ tham quan Nhà lao Plei Ku. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Các văn nghệ sĩ tham quan Nhà lao Plei Ku. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai, các văn nghệ sĩ kính cẩn nghiêng mình thắp hương tưởng nhớ hơn 3.600 phần mộ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất của quê hương, đất nước.

Đại diện nghệ sĩ trẻ TPHCM, nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm chia sẻ, đoàn đến đây với tất cả lòng biết ơn, sự thành kính và niềm xúc động sâu sắc. Dù các anh hùng liệt sĩ không còn hiện diện trong hình hài nhưng tinh thần kiên trung của vẫn hiện hữu trong từng hơi thở của quê hương hôm nay.

“Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, ký ức về những tháng năm chiến đấu gian khổ, những mất mát không thể đong đếm vẫn là ngọn lửa cháy mãi – thắp sáng niềm tự hào và ý chí tiếp bước cho thế hệ sau”, nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm phát biểu.

 Thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Dịp này, đoàn cũng đã đến tham quan Nhà Rông Kon Tum, cầu treo Kon Klor, quảng trường tỉnh Gia Lai…

Hành trình về nguồn năm 2025 đã đưa đoàn văn nghệ sĩ TPHCM trở về ký ức, lịch sử, văn hóa của vùng đất Tây Nguyên, cũng như khơi dậy tinh thần yêu nước, những giá trị văn hóa để văn nghệ sĩ có thêm chất liệu sáng tạo, sáng tác.

 Tham quan cầu treo Kon Klor. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Tham quan cầu treo Kon Klor. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

 Tham quan Nhà Rông Kon Tum. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

Tham quan Nhà Rông Kon Tum. Ảnh: VÕ SĨ ĐIỀU

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/theo-dau-chan-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-1975-cham-vao-ky-uc-hoa-lua-dai-ngan-post797189.html
Zalo