Thêm một năm cổ tức lỗi hẹn, cổ đông ABBANK tâm tư
Hai trong số bốn ý kiến tâm huyết của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ABBANK đề cập đến kế hoạch không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ABBANK.
Cổ đông chưa thấy ‘quả ngọt’
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ngân hàng An Bình (ABBANK) diễn ra sáng 18/4, ban lãnh đạo thông tin lợi nhuận sau thuế trong năm 2024 đạt 627,2 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 470,4 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là gần 1.841 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBANK đang là 2.311 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, ABBANK trình cổ đông thông qua việc để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Với nhiều cổ đông, việc ngân hàng tiếp tục không chi trả cổ tức trong năm nay để bổ sung nguồn vốn đã nằm trong dự liệu. Tuy nhiên, phát biểu trước Đại hội, một cổ đông lâu năm cho rằng ban lãnh đạo ngân hàng cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho sự phát triển cũng như đến khi nào sẽ trả lại "trái ngọt" cho cổ đông.
Cụ thể, chia sẻ tại ĐHĐCĐ, cổ đông Thùy Dương, người ‘chung thủy’ cùng ABBANK từ những ngày đầu khẳng định có hai điều cổ đông mong đợi. Thứ nhất là cổ tức, với kỳ vọng cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Và thứ hai là sự phát triển của doanh nghiệp, phản ánh bằng thị giá cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
“Khi chúng tôi mua cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi kỳ vọng đây là mạch máu của nền kinh tế và chắc chắn là khi kinh tế phát triển thì ngân hàng sẽ phát triển. Và tôi không chỉ mua ABB, tôi cũng mua vài ngân hàng khác nữa. Trong số đó, cũng có những trường hợp nhiều năm chưa chi trả cổ tức với lời hứa của ban lãnh đạo ngân hàng rằng sau này chúng tôi sẽ trả lại cổ đông quả ngọt. Và rồi thực sự cổ đông đã nhận được quả ngọt, thực sự là như thế. Ví dụ như Techcombank, như VPBank….”, bà Thùy Dương tâm tư.
“Với cổ phiếu ABBANK, tôi vẫn sẽ chờ đợi, bởi vì thực ra tôi có bán đi lúc này thì vẫn lỗ so với giá ngày đầu tiên tôi mua. Thế nhưng tôi muốn ban lãnh đạo ngân hàng phải có lịch trình, có kế hoạch cụ thể… Thực sự chúng tôi cũng mất mát nhiều, nhưng chúng tôi cũng hy vọng, và bây giờ đang cố gắng duy trì niềm tin ấy để sao cho một, hai năm nữa chúng ta có được thành quả…”, cổ đông Thùy Dương phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ABBANK
Ghi nhận những kết quả tích cực và điểm sáng mà ngân hàng đã đạt được liên quan đến quản trị rủi ro, số hóa; tuy nhiên xa hơn cổ đông mong chờ sự phát triển vượt bậc hơn nữa của ABBANK, thể hiện qua lợi nhuận đạt mục tiêu 1.800 tỷ, tăng vốn hơn nữa…
“Còn nếu như với mức lợi nhuận hiện nay, sau khi trích lập quỹ năm 2024 còn hơn 470 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tổng cộng có hơn 2.300 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, nếu để chia ra thì không đáng là bao”, một cổ đông khác phát biểu.
Ưu tiên cho mục tiêu tái đầu tư
Trước cổ đông, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABBANK thừa nhận: ‘Bao năm qua, ngân hàng An Bình đã nợ cổ đông quá nhiều về vấn đề chia lợi nhuận. Đó là một nỗi trăn trở’.
Ông Tiền chia sẻ thêm về tinh thần chỉ đạo từ góc độ thành viên HĐQT luôn đặt yếu tố an toàn, bền vững lên làm tiêu chí hàng đầu, 'còn nếu theo tinh thần hoành tráng, tốc độ tăng trưởng vượt bậc như các ngân hàng khác thì hôm nay chúng ta chưa chắc đã an toàn ngồi đây’.
Thêm một yếu tố khiến cho ABBANK nói riêng và các ngân hàng nói chung có xu hướng giữ lại lợi nhuận, là hệ thống ngân hàng trong nước đang có những bước tiến mạnh mẽ để chuyển mình từ Basel II sang Basel III trong nỗ lực bắt kịp với các hệ thống ngân hàng lớn trên thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng trong Basel III là nâng hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu lên mức 10,5% thay vì 8% như Basel II. Tại ABBANK, hệ số CAR tại thời điểm kết thúc 2024 là 9,99%, giảm so với mức 11,07% của năm 2023.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch ABBANK Đào Mạnh Kháng cũng bày tỏ mong muốn cổ đông kiên nhẫn bởi ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng để tăng trưởng bền vững theo lộ trình đã đặt ra đến 2028. "Đã xác định đi dài hạn thì phải chờ, muốn hái quả ngọt thì cần thời gian", ông Kháng chia sẻ thêm với cổ đông.
Nhìn chung, lợi nhuận là một trong những nguồn tăng vốn quan trọng và khả thi đối với các ngân hàng. Còn về kêu gọi cổ đông nước ngoài, đại diện ABBANK khẳng định ngân hàng còn room và việc thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là phương án mà ABBANK sẽ xem xét khi có cơ hội tốt, đối tác chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng.
Trước đó, ABBANK có hai cổ đông nước ngoài bao gồm Maybank (từ 2008) và IFC (từ 2010). Tuy nhiên tháng 5/2024, IFC đã bán thỏa thuận gần 85 triệu cổ phiếu ABB, chính thức thoái hết vốn khỏi ngân hàng này theo lộ trình đã thống nhất. Giá trị này khoảng 883 tỷ đồng, tức 10.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 22% thị giá cổ phiếu ABB thời điểm đó. Sau khi IFC thoái vốn, Maybank trở thành cổ đông lớn nước ngoài duy nhất tại ABBank với tỷ lệ sở hữu là 16,4%.
“Bây giờ chưa được giá thì chúng ta phải cố gắng chờ một hai năm nữa. Lợi nhuận ngân hàng cao lên, hệ thống tốt, bộ máy theo tiêu chuẩn thì chắc chắn là giá trị cổ phiếu chúng ta tốt lên. Lúc đấy bán sẽ có lợi cho ngân hàng, cho các cổ đông”, ông Vũ Văn Tiền chia sẻ thêm.
Năm nay, ABBANK đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu tổng tài sản tăng 13% so với năm 2024, lên 200.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5%. Dư nợ tín dụng đạt 127.810 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 1.800 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với kết quả thực hiện của năm 2024 (779 tỷ đồng).
Nhiều ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức
Eximbank năm nay dự kiến không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của Eximbank năm 2024 là 2.431 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2024, TPBank ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối còn lại gần 4.852 tỷ đồng. Tuy nhiên trong tài liệu họp ĐHĐCĐ 2025, ngân hàng không trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức.
SeABank cũng dự kiến sẽ giữ lại phần lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2024 khoảng hơn 3.700 tỷ đồng, không chia cổ tức trong năm 2025, nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh thời gian tới.
Sacombank hiện chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm 2025 trong bối cảnh ngân hàng chưa hoàn tất tái cấu trúc, dù lợi nhuận giữ lại lũy kế của ngân hàng này đã vượt 25.000 tỷ đồng khi bước sang năm thứ 9 không chia cổ tức cho cổ đông.