Thêm hiện vật quý thời chống Pháp

Vừa qua, trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Cà Mau vinh dự được tiếp nhận một số hiện vật vô cùng quý giá, gồm 47 hình ảnh và 11 hiện vật liên quan đến 2 nhân vật lịch sử nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, là Trần Văn Đại (Bí thư Tỉnh ủy 1939-1940) và Trần Văn Thời (Bí thư Tỉnh ủy 1940-1941). Toàn bộ số hiện vật này được ông Trần Hòa Bình, con trai của ông Trần Văn Đại (Tám Đại) hiến tặng.

Ông Trần Hòa Bình cho biết: "Toàn bộ những hiện vật này được ông giữ gìn cẩn thận trong suốt thời gian qua. Nay được biết Bảo tàng tỉnh Cà Mau đang sưu tầm những hình ảnh, hiện vật liên quan đến gia đình ông để trưng bày tại Di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá - Nhà Thể và tại Di tích Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại bờ Nam Sông Ðốc. Ông đã kết nối với Bảo tàng để bàn giao lại cho Bảo tàng gìn giữ, bảo quản, trưng bày phục vụ khách tham quan".

Các hình ảnh, hiện vật được hiến tặng gồm: hình ảnh của ông Trần Văn Ðại trong quá trình hoạt động cách mạng tại Cà Mau và trong quá trình tập kết ra Bắc, thư tay của ông Trần Văn Ðại, thư tay của ông Phạm Hồng Thám, cùng với những hiện vật Tổ quốc ghi công của ông Trần Văn Thời, phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho ông Trần Văn Thời, Kỷ niệm chương của ông Trần Văn Ðại, Huân chương Ðộc lập hạng Nhất của ông Trần Văn Ðại... Ngoài ra, còn có những hình ảnh mít tinh kết nghĩa giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu).

Thư tay của ông Trần Văn Ðại và Phạm Hồng Thám gửi cho gia đình.

Thư tay của ông Trần Văn Ðại và Phạm Hồng Thám gửi cho gia đình.

Mỗi hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện, một dấu ấn riêng, một minh chứng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của gia đình ông với cách mạng tại vùng đất Cà Mau và Lung Lá - Nhà Thể - một địa danh gắn liền với truyền thống cách mạng kiên cường. Cách nay hơn 80 năm dưới sự lãnh đạo của Ðảng các phong trào đấu tranh đòi giảm sưu thuế, chống bắt đi làm xâu (tức là đi phục dịch, làm việc không công), làm lộ nổ ra mạnh mẽ mà thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp khủng bố nhưng không dập tắt được phong trào cách mạng.

Những năm 1938, các cơ sở đảng đã xây dựng và phát triển khắp nơi trong toàn tỉnh. Ðể đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thống nhất phong trào trong toàn tỉnh, Xứ ủy Nam Kỳ và Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đã quyết định cho Ðảng bộ Bạc Liêu (nay là Bạc Liêu - Cà Mau) hội nghị để thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Ngày 25/10/1938, đại biểu cả 3 quận Cà Mau, Giá Rai và Vĩnh Châu đã triệu tập về hội nghị tại Lung Lá - Nhà Thể. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu) gồm 7 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ðồng chí Bùi Thị Trường làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Ðại làm Phó bí thư. Các đồng chí: Nguyễn Tấn Khương, Trần Văn Ngọc, Tạ Tài Lợi, Nguyễn Văn Hoành, Huỳnh Tấn Anh là ủy viên chính thức, các đồng chí Võ Hoành và Hòa Hên là ủy viên dự khuyết.

Hình ảnh, hiện vật liên quan đến nghĩa tình Ninh Bình - Bạc Liêu.

Hình ảnh, hiện vật liên quan đến nghĩa tình Ninh Bình - Bạc Liêu.

Ðến năm 1939, Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu) đã bầu ra Ban Chấp hành chính thức do đồng chí Trần Văn Ðại làm Bí thư. Ðây là một sự kiện lịch sử rất quan trọng, là mốc đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Ðảng bộ tỉnh nhà trong hơn 8 năm hoạt động, kể từ khi chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh ra đời tháng 1/1931.

Tháng 5/1940, Hội nghị Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh do Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập, đồng chí Tạ Uyên đại diện Xứ ủy Nam Kỳ và đồng chí Phạm Hồng Thám đại diện Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đến dự và truyền đạt chủ trương, đường lối, chuẩn bị bạo động của Xứ ủy Nam Kỳ, hội nghị đã thảo luận đề ra kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa, đồng thời bầu ra Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Trần Văn Thời, Quách Văn Phẩm, Trần Văn Phán, Nguyễn Văn Hoành, Võ Hoành, Nguyễn Văn Ðáng; đồng chí Trần Văn Thời được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy và Xứ ủy chỉ định vào Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, đồng chí còn được Tỉnh ủy phân công phụ trách dân sự có nhiệm vụ chỉ đạo việc khởi nghĩa vũ trang ở địa phương.

Cũng tại Lung Lá - Nhà Thể, vào ngày 26/11/1940, đồng chí Trần Văn Thời đã triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để nghiên cứu nghị quyết của Xứ ủy, đánh giá thật chính xác tình hình địch, công tác chuẩn bị võ trang của ta và kế hoạch tiến hành khởi nghĩa, cuộc họp này đồng chí Phan Ngọc Hiển được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Chính nơi đây, đồng chí Trần Văn Thời đã sử dụng ngôi nhà và khu vườn của mình để làm nơi hội họp và tổ chức kết nạp nhiều đảng viên ở các chi bộ, nhiều đồng chí ở Xứ ủy Nam Kỳ, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đã đến đây hoạt động và chỉ đạo các phong trào cách mạng tại địa phương.

Hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau được gia đình hiến tặng.

Hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau được gia đình hiến tặng.

Việc sưu tầm được những hiện vật này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác sưu tầm, bảo quản và trưng bày hiện vật của Bảo tàng tỉnh Cà Mau. Ðể bổ sung vào nguồn tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng trong thời gian tới. Những hình ảnh và hiện vật không chỉ là những tài liệu lịch sử quý giá, mà còn là những minh chứng sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của 2 nhân vật lịch sử này đã có những đóng góp to lớn cho quê hương Cà Mau.

Với những hiện vật này được gia đình hiến tặng, Bảo tàng tỉnh Cà Mau sẽ có thêm nhiều cơ sở nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu đến công chúng những giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà. Ðồng thời, đây cũng là một nguồn tài liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên trong việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Cà Mau. Bảo tàng sẽ trưng bày toàn bộ những hiện vật này tại Di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá - Nhà Thể và bổ sung thêm tư liệu sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 cũng như vào bộ sưu tập nghĩa tình Cà Mau - Ninh Bình trong thời gian tới./.

Tăng Vũ Khắc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/them-hien-vat-quy-thoi-chong-phap-a37113.html
Zalo