Thêm 'cú hích' mạnh mẽ khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp
Các chuyên gia cho rằng, chủ trương miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu là chủ trương rất thiết thực. Việc được miễn thuế sẽ khuyến khích hàng triệu hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển lên doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ. Ảnh minh họa
Thông điệp chính trị mạnh mẽ
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
15 năm sau thời điểm đó (năm 2030), Nghị quyết cũng đặt mục tiêu tham vọng phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất thêm 1 triệu doanh nghiệp, nghĩa là 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng 60% GDP.
Được hỗ trợ, sẽ có ngay lực lượng doanh nghiệp mới hùng hậu
"Khi các hộ kinh doanh được hỗ trợ, dẫn dắt và tạo điều kiện để chuyển lên thành doanh nghiệp bằng cách miễn giảm thuế và cơ chế kế toán tối giản nhất, các địa phương sẽ có ngay lực lượng doanh nghiệp mới rất hùng hậu. Chuyển sang mô hình doanh nghiệp giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế quốc dân bền vững và năng động”. Bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai bằng các hành động cụ thể. Theo đó, các nghị quyết, nghị định hướng dẫn đã được soạn thảo và trình Quốc hội. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP nhằm hiện thực hóa hai nghị quyết nêu trên.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, điều này thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo các chính sách của nghị quyết được thực hiện một cách hiệu quả. Với hành động nhanh, quyết liệt cho thấy đây không chỉ ở chủ trương mà cho thấy sự đồng bộ tích cực từ trung ương đến địa phương, từ khâu hoạch định đến thực thi.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ, mà còn là lời khẳng định rõ ràng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
Nghị quyết đưa ra các giải pháp như miễn thuế để khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp là chủ trương rất thiết thực. Tuy nhiên theo ông Tuấn, bên cạnh các chính sách miễn thuế, chế độ kế toán và thủ tục kinh doanh được cũng cần được điều chỉnh theo hướng dễ dàng, thân thiện hơn, khi đó nhiều hộ sẽ mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đây chính là điểm mấu chốt chuyển đổi từ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp chính thức, không chỉ là câu chuyện về mặt thủ tục, mà là quá trình nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân trong hệ sinh thái kinh tế quốc dân.
Tạo sự minh bạch, công bằng giữa các thành phần kinh tế
Để các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội thực sự trở thành động lực phát triển, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là sự chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quản lý các cấp cùng đồng hành với doanh nghiệp. Khi giải quyết được các mấu chốt trên, chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ thực sự cất cánh, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Nêu quan điểm thêm về chủ trương xóa bỏ thuế khoán, theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng kinh doanh, dù là cá nhân hay doanh nghiệp.
Việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai thực tế giúp các thành phần kinh doanh nâng cao tính minh bạch, công bằng hơn. Đồng thời, đảm bảo người nộp thuế có trách nhiệm cao hơn với số liệu mình khai báo. Đây là một thay đổi tích cực và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bà Cúc cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh, trong đó có 3,6 triệu hộ đang đăng ký thuộc diện nộp thuế. Trong số này, có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán. Tuy nhiên, mức thuế bình quân hàng tháng của gần 2 triệu hộ kinh doanh theo hình thức khoán trong quý I/2025 chỉ vào khoảng gần 700.000 đồng/tháng.
Bà Cúc chỉ ra rằng, hiện vẫn tồn tại tình trạng nhiều cửa hàng bán thuốc, phòng khám tư nhân, spa, hộ kinh doanh thương mại điện tử..., có doanh thu khá lớn, thậm chí một cá nhân kinh doanh dịch vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng. Điều này cho thấy việc xác định doanh thu tính thuế vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, dẫn đến sự thiếu công bằng và thất thu ngân sách nhà nước.
"Từ thực tế trên, chủ trương xóa bỏ thuế khoán để chuyển sang kê khai thực tế là bước tiến rất quan trọng, nhằm nâng cao sự minh bạch và công bằng trong công tác quản lý thuế cũng như hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế" - bà Cúc nhấn mạnh.
Điểm nhấn quan trọng hấp dẫn hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế có rất nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp để mở rộng cơ hội kinh doanh, nhưng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển lên doanh nghiệp, theo các chuyên gia, cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh.
Tại Nghị quyết số 139/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản hướng dẫn triển khai một loạt ưu đãi thuế, trong đó: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đối mới sáng tạo; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Đáng lưu ý, các chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan về việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/2026.
Theo các chuyên gia kinh tế, thông qua các chính sách, như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu hoạt động là điểm nhấn quan trọng không chỉ giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn, thân thiện với hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp mà còn hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư ngoài nước.