'Thế trận lòng dân' nơi cuối trời Tây Bắc
Ở mảnh đất biên viễn Lai Châu, dấu chân Bộ đội Biên phòng hòa cùng với nhịp sống của bà con trên các nẻo đường, cánh đồng. Từng bước đi ấy đã gắn kết quân - dân thành một khối vững chắc, xây nên thế trận lòng dân kiên cường, bền chặt, thắm đượm trên mỗi dải đất biên thùy.
Ở mảnh đất biên viễn Lai Châu, nơi những dãy núi trùng điệp ôm trọn lấy bản làng, dấu chân Bộ đội Biên phòng hòa cùng với nhịp sống của bà con trên các nẻo đường, cánh đồng. Từng bước đi ấy đã gắn kết quân - dân thành một khối vững chắc, xây nên thế trận lòng dân kiên cường, bền chặt, thắm đượm trên mỗi dải đất biên thùy.
Những năm qua, đồng bào các dân tộc biên giới Lai Châu đã cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc từng đường biên, mốc giới. Điều đặc biệt nhất là bà con ngày càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của biên cương và từng tấc đất nơi mình đang sinh sống, sẵn sàng chung tay với lực lượng Biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.
Đây chính là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
"Người dân nơi đây rất có ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới, đặc biệt là tham gia cùng Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát." – Đó là lời của Trung tá Trần Huy Huỳnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Lai Châu.
Theo tiếng dân tộc Dao đỏ, Sì Lờ Lầu nghĩa là "12 tầng dốc" (tức là muốn lên được tới đây phải vượt qua 12 tầng dốc quanh co, uốn lượn). Là một xã vùng cao biên giới xa xôi nhất của huyện Phong Thổ, Sì Lờ Lầu có đường biên giới dài hơn 30km với 8 cột mốc giới, 10 bản, 1.232 hộ và hơn 6.000 nhân khẩu.
Hơn mười năm trước, Sì Lờ Lầu mới có đường ô tô đi đến trung tâm xã và đến tận năm 2019 mới có điện phủ về hết các bản.
Mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng vùng đất này lại gắn liền và chứng kiến những chiến công oanh liệt của các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Sì Lờ Lầu.
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, lúc đó mang tên Đồn 289 và phiên hiệu Đồn 1 thuộc Công an nhân dân vũ trang Lai Châu, đã chịu trách nhiệm bảo vệ một đoạn biên giới Việt – Trung. Nơi đây có 8 xã với 9 dân tộc thiểu số sinh sống. Ngay ngọn đồi phía sau đồn là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tấm bia khắc tên 27 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu kiên cường ấy.
Sau 45 năm, giờ đây cuộc sống của bà con có nhiều thay đổi. Phong trào "Quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới và an ninh thôn bản" luôn được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể của địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu thực hiện hiệu quả.
Công tác tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực cột mốc được thực hiện thường xuyên, phong trào toàn dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn các hành vi xâm canh, xâm cư và vượt biên trái phép ngày càng được đẩy mạnh.
Cùng với đó, vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục được phát huy, trở thành tấm gương sáng đi đầu các phong trào ở địa phương.
Trung tá Trần Huy Huỳnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu tự hào chia sẻ: "Khi đi canh tác ở nương rẫy khu vực giáp biên gặp trường hợp vi phạm hiệp định quản lý bảo vệ biên giới, các hộ gia đình sẽ cung cấp thông tin kịp thời cho đồn biên phòng và chính quyền địa phương để giải quyết".
Trung tá Huỳnh cho biết thêm, thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, hiện có 43 hộ đăng ký quản lý 19,05km, 34 cá nhân đăng ký tự quản 9 cột mốc.
Bên cạnh đó, kết hợp với các Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày biên phòng, ngày tổ chức Xuân biên phòng ấm lòng dân bản, cũng như tổ chức các hoạt động lớn để phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Ngoài ra, Trung tá Trần Huy Huỳnh cũng cho biết, đơn vị đã tích cực tổ chức nhiều chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động bà con nhân dân khu vực hai biên giới. Những hoạt động như phát tờ rơi, treo khẩu hiệu đã phần nào giúp người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ biên giới, tạo ra sự đồng thuận và gắn kết chặt chẽ với nhân dân khu vực giáp ranh.
Mỗi tháng, lực lượng cán bộ, chiến sĩ biên phòng, dân quân và hội phụ nữ xã phối hợp tổ chức 4 đợt tuần tra khu vực biên giới. Trong mỗi đợt, đoàn đều kiểm tra tình trạng cột mốc và dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo cảnh quan xung quanh cột mốc.
Binh nhất Hoàng Văn Đạt, đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu lên đơn vị từ tháng 8/2024, tham gia tuần tra được 4 lần cho biết: "Đi tuần tra với mục đích để bảo vệ chủ quyền biên giới, ngăn chặn những tội phạm vận chuyển hàng hóa buôn lậu vào trong nước. Cột mốc xa nhất tôi từng đi là cột mốc 75, cách đơn vị gần 10km, đường đất và leo dốc rất nhiều. Vào những ngày trời mưa, thời tiết xấu đi sẽ mất 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Khi đi vẫn phải mang lương khô và nước. Thế nhưng, mỗi lần tới mốc, cảm thấy rất tự hào".
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới tại Sì Lờ Lầu đã trở thành nhiệm vụ thiêng liêng và niềm tự hào của mỗi người dân nơi vùng biên cương. Phong trào này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lai Châu còn là người "cha đỡ đầu" đầy yêu thương, đồng hành cùng các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản làng biên viễn.
Từ năm 2014, chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" đã trở thành một biểu tượng nhân văn sâu sắc, với hơn 4,3 tỷ đồng được đóng góp bởi các cán bộ, chiến sĩ để hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng có ý chí vươn lên, chăm chỉ học tập.
Trường hợp của Lý A Hòa, cậu bé người Dao ở bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ là một minh chứng rõ nét về những câu chuyện nhân văn.
Bố mất khi Hòa mới 5 tuổi, mẹ bị khuyết tật nặng, tưởng chừng tương lai học tập của Hòa khép lại.
Năm 2015, Đại tá Trần Nguyên Kỷ – Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã nhận Hòa làm con nuôi, giao Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phụ trách chăm lo.
"Từ khi bố Hòa mất, cuộc sống của 2 mẹ con rất vất vả. Cũng may, nhờ Bộ đội Biên phòng giúp đỡ không chỉ có chỗ ở mà còn có chỗ dựa tinh thần nên cảm thấy an tâm hơn. Rất cảm ơn Bộ đội Biên phòng." - Bà Lý Xa Độn, mẹ của Hòa xúc động bày tỏ.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần từ các "bố nuôi" biên phòng, Lý A Hòa đã không ngừng phấn đấu, đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và chính thức trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Pháo binh, hiện thực hóa ước mơ trở thành sĩ quan Quân đội của mình.
Tin vui ấy không chỉ đến riêng với gia đình Hòa, bà con người Dao xã Bản Lang mà đó còn là thành quả sau bao tháng ngày được chăm chút từ những trái tim nồng hậu của những ông "bố nuôi" Biên phòng.
Đại úy Nguyễn Hữu Thọ cũng cho biết, câu chuyện của Lý A Hòa đã tiếp thêm động lực cho 4 trường hợp trong chương trình "Nâng bước em tới trường" và 30 trường hợp trong các em học sinh thuộc dự án "Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường" của đơn vị.
"Trong quá trình triển khai tiết học biên cương tại các nhà trường trên địa bàn, chúng tôi cũng lan tỏa hình ảnh của em Lý A Hòa tới tất cả cán bộ, nhân dân và các em học sinh trên địa bàn khu vực biên giới cùng biết, cùng chung vui để tạo động lực phấn đấu cho các em học sinh khác." - Đại úy Nguyễn Hữu Thọ nói thêm.
Trong những ngày Lý A Hòa theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phong Thổ và gần đây là trong quá trình huấn luyện tại Trường Sĩ quan Pháo binh, mẹ Hòa một mình ở trong căn nhà tình thương của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, sinh hoạt hàng ngày nhờ vào sự giúp đỡ của anh trai và bà con lối xóm.
Mỗi cuộc gọi về nhà gần đây, Hòa đều thấy yên tâm vì luôn có các chú, các anh Bộ đội Biên phòng ghé thăm, động viên, thăm hỏi gia đình.
Những "bố nuôi" biên phòng không chỉ lo lắng cho em mà còn căn dặn Hòa tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành chương trình học tại trường và nuôi dưỡng ước mơ trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đáp lại tình yêu thương và sự kỳ vọng từ mọi người.
Câu chuyện của cậu bé người Dao ở bản Thèn Thầu không chỉ thắp lên ngọn lửa ấm áp, lan tỏa niềm khát vọng cho những trẻ em vùng cao khác mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương, sự quan tâm và hy sinh của người lính biên phòng Lai Châu - những người không chỉ bảo vệ biên cương mà còn chở che, nuôi dưỡng những ước mơ nhỏ bé cho thế hệ mai sau.
Hơn hai thập kỷ qua, hình ảnh người lính quân hàm xanh đã in sâu trên khắp dải biên cương Lai Châu.
Nơi "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi" những người lính Bộ đội Biên phòng không chỉ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ mà còn xây dựng "thế trận lòng dân" – bức tường thành vững chắc bảo vệ biên cương.
Tỉnh Lai Châu - nơi có 20 dân tộc cùng sinh sống, địa hình hiểm trở, giao thông cách trở nên đời sống của người dân biên giới còn gặp nhiều khó khăn.
Hiểu rõ điều này, cùng với quản lý, bảo vệ đường biên mốc giới, những người lính biên phòng luôn gần dân, sát dân, lo cuộc sống cho dân, xây dựng "thế trận lòng dân".
Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt trong đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng theo Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đúng với phương châm: Xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
Đối với các xã biên giới của tỉnh Lai Châu hiện nay, Bộ đội Biên phòng như những người thân, người anh em ruột thịt. Việc Bộ đội Biên phòng xây dựng các mô hình kinh tế giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, dựng nhà… đã trở nên quen thuộc.
Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: "Phát huy truyền thống 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu vinh dự, tự hào, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nối tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang đó. Đồng thời, tiếp tục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới, đặc biệt trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố cơ sở chính trị ở các xã biên giới, góp phần tô thêm truyền thống bộ đội biên phòng trong thời kỳ mới."
Sự gắn kết bền chặt giữa quân và dân nơi cuối trời Tây Bắc không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của dân tộc mà còn là bức tường thành vững chãi, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc qua những năm tháng hào hùng đến tận ngày nay và mãi sau này.