Thế lưỡng nan của WHO

Việc WHO sớm ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ như động thái tăng cường cảnh giác sau bài học từ Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rất khó khăn để tuyên bố đậu mùa khỉ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC). Điều này kéo theo những ràng buộc pháp lý mà các quốc gia thành viên phải thực hiện. Với động thái mới nhất, WHO đã có lần thứ 7 tuyên bố PHEIC với các dịch bệnh bùng phát.

Đa số thành viên thuộc Ủy ban Khẩn cấp WHO (một ủy ban cố vấn gồm các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới về virus học, dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng) lưỡng lự về tình trạng bệnh đậu mùa khỉ, và ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ra quyết định cuối cùng với tư cách tổng giám đốc WHO.

Khi thế giới ghi nhận khoảng 16.000 ca mắc tại 75 quốc gia, ông Ghebreyesus có lý do để thận trọng và sớm đề phòng, đặc biệt khi trước đây ông từng bị chỉ trích đã phản ứng chậm với đại dịch Covid-19.

Bài học từ Covid-19

Đây là quyết định khó khăn. Nếu đậu mùa khỉ không quá nghiêm trọng, WHO sẽ bị chỉ trích là “làm quá”. Nếu thế giới ghi nhận hàng triệu ca nhiễm, tổ chức này sẽ bị đặt dấu hỏi rằng tại sao không có biện pháp ngăn chặn sớm hơn.

Những người hoài nghi nói rằng tình trạng đậu mùa khỉ không thay đổi trong tháng qua tại châu Âu và Bắc Mỹ. Họ cũng đề cập việc dịch bệnh này không quá nghiêm trọng (chưa ghi nhận ca tử vong ở hai khu vực trên).

 Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus đã quyết định tuyên bố PHEIC với đậu mùa khỉ hôm 23/7 sau khi ủy ban khẩn cấp không đạt đồng thuận. Ảnh: AFP.

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus đã quyết định tuyên bố PHEIC với đậu mùa khỉ hôm 23/7 sau khi ủy ban khẩn cấp không đạt đồng thuận. Ảnh: AFP.

Tuyên bố PHEIC với đậu mùa khỉ có thể gây hoảng loạn, khiến nhu cầu vaccine tăng cao, kể cả những người không thực sự cần đến, và còn gia tăng sự kỳ thị với người đồng tính và song tính nam - được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Đó đều là những lo ngại chính đáng, nhưng nâng mức cảnh báo với đậu mùa khỉ sẽ tăng mức độ giám sát, xét nghiệm và cung cấp thông tin chính xác. Loại bệnh này có thể không chết chóc như Covid-19 trước khi có vaccine, nhưng vẫn gây nhiều triệu chứng như sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết.

Còn những tranh cãi

Gần 99% số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở Mỹ, Anh, Canada và Tây Ban Nha xảy ra ở những trường hợp quan hệ tình dục đồng tính nam. Điều này tạo ra cuộc tranh luận gay gắt trên Twitter rằng liệu bệnh đậu mùa khỉ có nên được phân loại là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Theo Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học London, đậu mùa khỉ khác với các bệnh nhiễm trùng lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục trước đây tồn tại trong người bệnh nhiều thập kỷ. Trong khi đó, đậu mùa khỉ chỉ có thể lây nhiễm trong vòng 2-4 tuần.

Tất nhiên đậu mùa khỉ vẫn có thể lây nhiễm qua nhiều cách, như tiếp xúc gần, hay dùng chung vật dụng như khăn tắm, hay chạm vào những nơi nhiễm khuẩn. Sau hơn hai năm đại dịch Covid-19, có lẽ không cần WHO phải nói rằng “việc xét nghiệm, chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ chính xác với giá cả phù hợp” là nhu cầu cấp thiết.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin đến công chúng là điều quan trọng. Thông tin gây hiểu lầm và nỗi sợ có thể làm tăng thêm nhu cầu vaccine, vốn đang hạn hẹp và cần ưu tiên cho những người có nguy cơ cao.

Ưu tiên nguồn cung vaccine

Hiện tại, vaccine ngừa đậu mùa Imvanex do công ty dược phẩm Bavarian Nordic sản xuất vừa được Ủy ban châu Âu phê duyệt như một loại vaccine đậu mùa khỉ. Những loại vaccine đậu mùa cũ hơn cũng có hiệu lực, nhưng nó có thể gây tác dụng phụ và không được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch.

Tín hiệu tích cực là nguồn cung vaccine đang ngày một tăng, và tuyên bố của WHO cũng mang đến sự đề phòng trong thời gian dài. Kể từ khi WHO tuyên bố diệt trừ bệnh đậu mùa vào những năm 1980, các quốc gia đã ngừng tiêm chủng phòng ngừa virus orthopoxvirus - có trong đậu mùa và đậu mùa khỉ - do đó miễn dịch với loại virus này cũng suy giảm.

 Vaccine ngừa đậu mùa Imvanex được châu Âu chấp thuận để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Bavarian Nordic.

Vaccine ngừa đậu mùa Imvanex được châu Âu chấp thuận để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Bavarian Nordic.

“Bất kể điều gì xảy ra với đợt bùng phát này, đậu mùa khỉ là căn bệnh chúng ta phải đối phó trong tương lai”, ông Balloux nói.

WHO cũng đối mặt với lời chỉ trích “đạo đức giả” khi đợi đến lúc này mới phát hồi chuông báo động về đậu mùa khỉ. Châu Phi đã chật vật với căn bệnh này trong nhiều thập niên, với hàng trăm người chết ở Cộng hòa Congo, trong khi tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ ở vùng Trung Phi là 10%, cũng là nơi có chủng virus độc lực mạnh hơn chủng ở châu Âu hay Bắc Mỹ.

WHO nói rằng họ thiếu những công cụ, chẳng hạn vaccine đậu mùa khi đó không được cấp phép để điều trị đậu mùa khỉ, và tác dụng phụ của vaccine cũng là lý do chúng không được gửi đến châu Phi.

Việc dịch bệnh lây lan sang châu Âu và Bắc Mỹ khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng cũng kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia châu Phi ứng phó thông qua giám sát và có nhiều đợt hỗ trợ vaccine.

Vẫn cần thêm những nghiên cứu sâu hơn về đậu mùa khỉ, và sau hơn hai năm với Covid-19, việc hành động sớm được coi là giải pháp tốt hơn.

Trần Hoàng

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-luong-nan-cua-who-post1339406.html
Zalo