Croatia là quốc gia mới nhất cân nhắc siết chặt quy định cho thuê nhà du lịch ngắn hạn

Do tình trạng giá cho thuê tăng và thiếu nhà ở, Croatia đang thực hiện việc đánh thuế cho thuê nhà nghỉ ngắn hạn. Trong khi đó, du lịch bền vững vẫn tiếp tục được thúc đẩy.

Thị trường nhà cho khách du lịch thuê ngắn hạn bùng nổ, đẩy giá thuê nhà tăng cao... đang trở thành vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia châu Âu.

Theo trang SCMP, Croatia sắp trở thành quốc gia châu Âu tiếp theo thúc đẩy nỗ lực giải quyết tình trạng liên quan đến giá nhà leo thang do du lịch.

Thành phố cổ Dubrovnik ở miền nam Croatia. Ảnh: AFP

Thành phố cổ Dubrovnik ở miền nam Croatia. Ảnh: AFP

Chính phủ nước này đang thảo luận về các quy định mới nhằm siết chặt hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của đất nước như thành phố Split và phố cổ Dubrovnik.

Dự thảo luật bao gồm các biện pháp như tăng thuế cho thuê và yêu cầu 80% cư dân trong các tòa nhà chung cư phải đồng ý mới được phép cho thuê ngắn hạn. Điều này đã gây ra tranh cãi và lo ngại từ các chủ sở hữu căn hộ cũng như người điều hành dịch vụ cho thuê.

Không chỉ Croatia, các thành phố từ Malaga và Barcelona ở Tây Ban Nha đến Athens (Hy Lạp) và Budapest ở Hungary cũng siết chặt việc cho thuê nhà ngắn hạn để giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở địa phương.

Những động thái như vậy ở các điểm đến du lịch nổi tiếng có thể tác động đến hoạt động kinh doanh trên các nền tảng kết nối giữa người cho thuê và người thuê nơi lưu trú như Airbnb và Booking.com.

Năm 2024, Croatia đã cấm hoạt động cho thuê nhà tư nhân mới tại thành phố cổ Dubrovnik để ngăn chặn tình trạng những người trẻ tuổi rời đi do chi phí cao.

Bộ trưởng Tài chính Croatia Marko Primorac cho biết dự thảo luật này sẽ tăng thuế đối với nhà cho thuê nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các đơn vị nhà ở - nơi mọi người sống lâu dài hoặc là nhà riêng của họ.

Một số người dân Croatia cho biết điều đó sẽ mang đến mặt bằng giá thuê nhà theo giá thị trường và thúc đẩy phát triển du lịch tại các thị trấn - nơi các tòa nhà chung cư chỉ lấp đầy vào mùa lễ.

"Điều khiến người dân Split, cũng như Dubrovnik và các thị trấn ven biển khác lo lắng là họ không còn cư dân sinh sống. Tất cả các nhà ở tại các thành phố này đều đã cho thuê ngắn hạn nhằm phục vụ khách du lịch", Zaklina Juric, người tham gia sáng kiến Tenants Together cho biết.

Du lịch chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội của Croatia, với khoảng 125.000 người làm việc trong ngành cho thuê nhà. Và một số người cho thuê nhà ngắn hạn đang lo lắng về dự luật mới được đề xuất.

"Những chủ nhà đang hoảng loạn. Nhiều người trong số họ đã vay tiền, đầu tư vào căn hộ, hậu cần, tất cả đều sẽ bị đặt dấu hỏi với dự luật mới này", Jurica Lepinc, chủ một công ty cho thuê tại thủ đô Zagreb của Croatia cho biết.

Klaudia Kapural, người cho thuê căn hộ của mình tại Zagreb thông qua một công ty môi giới, cho biết thuế sẽ tăng vọt.

"Nhiều căn hộ sẽ đóng cửa, giá cả có thể sẽ tăng 20% vào năm tới", Natasa Luketic, người cũng đang thuê một căn hộ, cho biết.

Siết chặt hơn với du lịch

Nhằm cân bằng phát triển du lịch, không chỉ riêng Croatia, bắt đầu từ ngày 1/10, một số thành phố ở Bồ Đào Nha và New Zealand cũng bắt đầu áp dụng thu thuế du lịch đối với du khách. Tại Italy, chính phủ đang tiến tới việc ban hành thuế du lịch bắt buộc với tất cả các thành phố của nước này.

Theo hãng CNN, hơn 60 điểm đến trên khắp thế giới đã áp dụng loại thuế du lịch. Một số quốc gia đã được áp dụng từ lâu (Pháp là nước đầu tiên triển khai vào năm 1910), nhưng hầu hết đều triển khai trong một hoặc hai thập kỷ qua.

Vào năm 2020, thành phố Amsterdam (Hà Lan) bắt đầu áp dụng thu phí du khách ghé thăm. Du khách đến Amsterdam và ở lại phải chịu hai mức thuế: 7% giá phòng và 3 euro một người cho một đêm. Nếu hai người ở chung một phòng, công thức là 7% và 6 euro. Số tiền này được trả khi thanh toán tiền phòng.

Tuy nhiên, tại một trong những điểm đến du lịch thu phí nổi tiếng nhất thế giới như thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), số lượng du khách vẫn liên tục tăng lên dù có áp dụng thu phí vào cửa. Thống kê lượng khách lưu trú tại khách sạn tăng từ 7,1 triệu vào năm 2013 lên 9,5 triệu vào năm 2019.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (còn gọi là COP 29) ở Azerbaijan, hơn 50 đại diện các nước đã ký một tuyên bố của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy vai trò của ngành du lịch đối với khí hậu toàn cầu. Liên hợp quốc đã ca ngợi tuyên bố này là thành tựu lớn của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Azerbaijan.

"Hôm nay chúng ta đã đạt được một cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên vai trò của ngành du lịch được đưa vào Chương trình nghị sự hành động của Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc", bà Zoritsa Urosevic, Giám đốc điều hành Du lịch của Liên Hợp Quốc cho biết.

"Ngành du lịch toàn cầu chiếm 3% GDP của thế giới và là nguồn phát thải 8,8% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính", bà Urosevic nói.

Các quốc gia ký tuyên bố Tăng cường hành động vì khí hậu trong lĩnh vực du lịch, ghi nhận sự cần thiết phải đề cập đến ngành du lịch khi xây dựng kế hoạch chống biến đổi khí hậu, trong đó có nhấn mạnh đến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Bản cập nhật tiếp theo của NDC, trong đó chính phủ các nước mô tả các chính sách nhằm giảm lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, sẽ được đưa ra vào tháng 2/2025./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/croatia-la-quoc-gia-moi-nhat-can-nhac-siet-chat-quy-dinh-cho-thue-nha-du-lich-ngan-han-20241125161419962.htm
Zalo