Thế khó của 'người khổng lồ' dòng sách thiếu nhi

Thiếu linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn và nạn sách lậu là những khó khăn mà Nhà xuất bản Kim Đồng đã phải đối diện nhiều năm nay.

 Ông Tống Văn Thanh - vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Huy.

Ông Tống Văn Thanh - vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Huy.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Kim Đồng về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW (25/8/2004) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản sáng ngày 29/8, ông Tống Văn Thanh - vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định Nhà xuất bản Kim Đồng là một điểm sáng của ngành khi áp dụng được những quan điểm, chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước vào trong thực tiễn. Từ đó, việc xuất bản dòng sách dành cho thiếu nhi ngày càng mở rộng, đóng góp phần lớn vào tổng số đầu sách trong nước.

Dù vậy, khi hoạt động, Nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng, tái đầu tư cũng như cạnh tranh với các đơn vị liên kết. Đồng thời, vấn nạn sách lậu cũng đang khiến Nhà xuất bản Kim Đồng gặp không ít thách thức, dù quyết tâm nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Nhiều ràng buộc về cơ chế đối với đầu tư

Theo ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, Chỉ thị 42-CT/TW đã mở ra nhiều cơ hội cho nhà xuất bản phát triển. Kể từ năm 2004 đến nay, số đầu sách đã tăng từ 1.500 đến hơn 3.000. Doanh thu tăng 700%, bản in xấp xỉ 15-20 triệu bản/năm.

Cũng trong giai đoạn này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã mở rộng biên độ bạn đọc. Từ đối tượng chính 6-14 tuổi, đơn vị này đã mở rộng theo ba hướng mới là trẻ 0-5 tuổi, thiếu niên 14-17 tuổi và thanh niên 18-24 tuổi.

 Ông Bùi Tuấn Nghĩa trình bày về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW (25/8/2004) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa trình bày về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW (25/8/2004) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Dù quy mô đang tăng lên một cách đáng kể nhưng một số quy định, điều luật khiến Nhà xuất bản Kim Đồng gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

“Việc mở rộng mạng lưới phát hành, cụ thể là mở các nhà sách Kim Đồng, vướng thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành. Quy định về đấu thầu in ấn dẫn đến kéo dài thời gian ra sách, ảnh hưởng mạnh đến công tác phát hành. Do đó, chúng tôi khó có thể cạnh tranh được với tốc độ của các công ty sách tư nhân”, ông Bùi Tuấn Nghĩa nói.

Hơn hết, để phục vụ bạn đọc, Nhà xuất bản phải nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng kho bãi. Tuy nhiên, do các quy định trong đấu thầu và sử dụng nguồn vốn, Nhà xuất bản Kim Đồng phải trải qua rất nhiều thủ tục và các bước thẩm định để có thể thực hiện xây dựng. Đơn vị cũng gặp một số khó khăn trong việc đầu tư trên những tài sản đi thuê.

Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Đối với những đơn vị có nguồn ngân sách như chúng tôi, cần một cơ chế để nới lỏng hơn cho phép đơn vị linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn của mình”.

Ngoài ra, đại diện Nhà xuất bản Kim đồng cũng đề cập tới một số hạn chế trong việc đầu tư vào hệ thống thư viện ở cấp huyện, cấp xã, các kênh phát hành cũng như hoạt động hợp tác quốc tế.

Không thể đối diện với nạn sách lậu theo cách cũ

Trong khuôn khổ buổi làm việc, sau khi nghe nhà xuất bản Kim Đồng trình bày về khó khăn trong vấn đề giải quyết sách lậu, ông Tống Văn Thanh - vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu: “Vấn đề sách lậu ngày càng tinh vi hơn và cần những phương pháp triệt để giải quyết".

Về vấn đề trên, ông Đỗ Quang Dũng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết đã cùng các bên liên quan thảo luận và tìm hướng giải quyết. Việc giải quyết nạn sách lậu một cách triệt để không phải chỉ bắt đầu từ những phát hiện nhỏ lẻ trên không gian mạng. Hơn hết, những đường dây làm sách lậu diễn ra phức tạp, có những xưởng nhận đóng sách giả lại nói rằng họ không biết đây là sách lậu và chỉ nhận đơn đặt hàng từ khách.

 Ông Đỗ Quang Dũng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, tham dự buổi làm việc giữa đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ông Đỗ Quang Dũng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, tham dự buổi làm việc giữa đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nhưng để tìm ra “vị khách” đó không phải chuyện đơn giản. Hơn hết, việc kiểm duyệt hàng giả trên không gian mạng cũng khó khăn hơn. “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều cùng lực lượng chức năng, dù quyết tâm rất cao, nhưng phương hướng giải quyết vẫn còn để ngỏ”, ông Đỗ Quang Dũng nói.

Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên, cho biết cần có những mức phạt có tính răn đe đối với những nơi làm sách giả, sách lậu. Cùng với đó, nhà xuất bản cần liên kết chặt chẽ hơn với các cơ sở phát hành, thư viện và độc giả để có thể nâng cao nhận thức, hiểu biết của họ về sách giả hay bảo vệ quyền tác giả.

Trước câu chuyện về sách lậu, ông Bùi Tuấn Nghĩa cho biết công cuộc chống sách lậu đã khác rất nhiều so với 20 năm về trước, khi Chỉ thị 42 CT-TW được ban hành. Nếu trước đó, lực lượng chức năng có thể tìm thấy sách lậu tại các nhà sách, cơ sở phát hành, từ đó xử lý một số đường dây, thu giữ lô hàng sách giả. Nhưng khi môi trường số phát triển, sách lậu len lỏi vào trong rất nhiều nơi và sẵn sàng trục lợi từ những người tiêu dùng thiếu kỹ năng mua hàng online.

Chính vì vậy, các đơn vị xuất bản kiến nghị rằng xử lý sách lậu tiếp tục được đề cập tới trong các cơ chế chính sách trong tương lai với những phương hướng, giải pháp mới. Từ đó, ngành xuất bản trong nước có thể được thúc đẩy và người dân cũng có thể dễ dàng tìm tới nguồn sách chất lượng hơn.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-khong-lo-cua-dong-sach-thieu-nhi-chua-the-vuon-vai-post1494757.html
Zalo