Thế khó của doanh nghiệp Bắc Mỹ khi ông Trump mạnh tay áp thuế

Thuế quan mới của ông Trump đối với Canada, Mexico và Trung Quốc có thể làm xáo trộn các ngành công nghiệp, gây thêm áp lực chi phí lên doanh nghiệp Bắc Mỹ thay vì các nước xuất khẩu.

 Chính sách thuế quan mới của Trump có thể gây xáo trộn lớn trong các ngành công nghiệp toàn cầu. Ảnh: Reuters

Chính sách thuế quan mới của Trump có thể gây xáo trộn lớn trong các ngành công nghiệp toàn cầu. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, cùng với mức thuế 10% đối với Trung Quốc. Động thái này có thể là bước khởi đầu của một cuộc chiến thương mại toàn diện, gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp vốn đã phải đối mặt với chi phí gia tăng trong nhiều năm qua, Reuters đưa tin.

Việc áp thuế đối với hàng hóa từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ có thể làm xáo trộn trên diện rộng, từ ngành ôtô, hàng tiêu dùng đến năng lượng.

Trước khi quyết định này được công bố vào thứ Bảy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã né tránh bàn luận về thuế quan, đồng thời hạn chế đối đầu với Nhà Trắng dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, giờ đây, họ có thể không còn lựa chọn nào khác.

"Toàn bộ các CEO đều hoang mang trước những quyết định áp thuế thiếu chiến lược này, nhắm vào các đồng minh thân cận thay vì đối thủ", Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Trường Quản lý Yale nhận định.

Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn như Amazon, Ford Motor, Mondelez International và Owens-Illinois dự kiến công bố báo cáo tài chính trong tuần này và có thể phải đối mặt với loạt câu hỏi về cách đối phó với chi phí gia tăng do thuế quan.

Hiện, Reuters đã liên hệ với nhiều công ty, nhưng không đơn vị nào sẵn sàng đưa ra bình luận công khai. Tuy nhiên, một số hiệp hội ngành nghề đã lên tiếng.

Công đoàn Lao động Thép Mỹ - liên đoàn công nghiệp lớn nhất Bắc Mỹ - phản đối việc áp thuế lên Canada, cho rằng điều này ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa hai nước, với tổng kim ngạch lên tới 1.300 tỷ USD.

"Những mức thuế này không chỉ gây tổn hại cho Canada mà còn đe dọa sự ổn định của các ngành công nghiệp ở cả hai bên biên giới", Chủ tịch công đoàn David McCall tuyên bố.

Các hãng ôtô như General Motors và Toyota có thể phải dịch chuyển sản xuất từ các nhà máy nước ngoài về Mỹ, trong khi tập đoàn nhôm toàn cầu Alcoa đang xem xét điều chỉnh tuyến vận chuyển để giảm bớt gánh nặng thuế quan.

Nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh hoạt động nhập khẩu trong quý IV/2024 để tránh bị ảnh hưởng khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, các công ty nhỏ không có mạng lưới sản xuất toàn cầu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với thuế quan, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Hàng loạt công ty trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và ôtô hoạt động gần biên giới Mỹ - Canada, trong khi các nhà máy lọc dầu ở Trung Tây Mỹ dựa vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ Canada.

Trái với các tuyên bố trước đây của ông Trump, thuế nhập khẩu thực tế do các công ty Mỹ trả, không phải các quốc gia xuất khẩu. Tổng thống Mỹ cũng đã thừa nhận rằng thuế quan có thể gây gián đoạn ngắn hạn khi làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.

Hiện tại, chính sách thuế quan của ông Trump đang gây khó khăn cho những doanh nghiệp đã chuyển sang Canada và Mexico để né thuế quan với Trung Quốc. Giờ đây, họ tiếp tục bị ảnh hưởng dù đã gần Mỹ hơn.

"Ngành công nghiệp ôtô Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi các mức thuế làm tăng chi phí sản xuất xe trong nước và cản trở đầu tư vào lực lượng lao động Mỹ", Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ôtô Mỹ - đại diện cho Ford, General Motors và Stellantis nhấn mạnh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thuế quan cao làm tăng giá cả, nhưng tác động cụ thể chưa rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí thay vì chuyển hết cho người tiêu dùng.

Dù vậy, các chuỗi bán lẻ lớn như Walmart hay Target, vốn đang nỗ lực giữ giá thấp để đối phó với lạm phát, có thể sẽ không chịu nổi chi phí chuỗi cung ứng tăng cao.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho rằng Nhà Trắng nên tìm biện pháp khác để đạt mục tiêu chính sách. David French, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của hiệp hội cảnh báo: "Miễn là thuế quan còn, người Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho hàng hóa thiết yếu".

Trong khi đó, hãng Church & Dwight, nhà sản xuất bột giặt Arm & Hammer và bao cao su Trojan cho biết họ sẽ tập trung vào sản xuất nội địa và cải thiện năng suất để giảm thiểu tác động.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-kho-cua-doanh-nghiep-bac-my-khi-ong-trump-manh-tay-ap-thue-post1528747.html
Zalo