Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư
Trong khi thị trường bất động sản liên tục thiết lập những đỉnh giá mới, bỏ xa tốc độ tăng trưởng thu nhập, thế hệ trẻ đang phải đối mặt với bài toán an cư ngày càng nan giải.

Bài toán sở hữu nhà ở cho người trẻ tại các đô thị lớn không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là vấn đề an sinh xã hội cấp thiết
Áp lực nhà ở đè nặng người trẻ đô thị
Thực tế đang đặt ra thách thức không nhỏ cho những người trẻ dưới 35 tuổi muốn sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với trung bình khoảng 10 năm làm việc, quãng thời gian này đối với người trẻ khoảng 35 tuổi được đánh giá là chưa đủ để ích lũy nguồn tài chính vững chắc cho các khoản đầu tư bất động sản vốn có giá trị lớn.
Trong khi đó, thị trường bất động sản tại hai thành phố năng động nhất cả nước đã chứng kiến sự tăng trưởng "phi mã" trong thập kỷ qua, bỏ xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của lực lượng lao động.
Dẫn chứng cụ thể từ bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh cho thấy, giá sơ cấp căn hộ tại đầu tàu kinh tế phía Nam trong quý IV/2024 đã tăng tới 33% so với cùng kỳ năm trước - một con số vượt xa so với mức tăng trưởng thu nhập bình quân của người lao động trên cả nước năm 2024, theo Cục Thống kê chỉ tăng 8,6%.
Không chỉ chịu tác động từ yếu tố giá cả, bài toán sở hữu nhà ở của người trẻ còn trở nên nan giải hơn bởi áp lực từ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế tập trung khiến mật độ dân cư tại các đô thị lớn gia tăng, trong khi nguồn cung lại gặp nhiều trở ngại do vướng mắc pháp lý và hạn chế về quỹ đất phát triển.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc sở hữu một căn hộ tầm trung hiện nay trở thành một mục tiêu đầy thách thức đối với các cặp vợ chồng trẻ có thu nhập phổ thông, đặc biệt khi không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình hoặc các gói tín dụng ưu đãi. Điều này buộc không ít người trẻ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn như thuê trọ dài hạn hoặc chấp nhận sống chung nhiều thế hệ để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng cần có những chính sách tín dụng đặc thù, phù hợp với người mua nhà lần đầu, đặc biệt là người trẻ. Theo bà Hương, các gói vay nên kéo dài từ 20 - 30 năm, tương đương với cả chu kỳ lao động của người vay, để giúp họ giảm bớt gánh nặng trả nợ hàng tháng.
Bà Hương cũng khuyến cáo người trẻ thận trọng khi vay mua nhà, tránh trách nhiệm trả nợ khoản vay vượt quá 1/3 thu nhập. Mức trả góp trên 50% dễ gây áp lực tài chính và tâm lý. Trong bối cảnh hiện tại, vay tối đa 50% giá trị bất động sản được xem là an toàn hơn, giúp giảm thiểu rủi ro dài hạn.
Người mua cần đặc biệt cân nhắc khả năng trả nợ, pháp lý dự án và uy tín chủ đầu tư, tránh rơi vào tình trạng dự án đình trệ hoặc chủ đầu tư không thực hiện cam kết.
Mua nhà thường là quyết định tài chính lớn nhất đời người, mọi trục trặc đều tác động tiêu cực đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Sự ổn định lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng, giúp người vay an tâm.
Kỳ vọng từ chính sách nhà ở và hạ tầng đô thị
Những tín hiệu tích cực từ chính sách nhà ở của Chính phủ và tiến độ triển khai các dự án hạ tầng đô thị đang thắp lên hy vọng sở hữu nhà ở cho người trẻ và người có thu nhập thấp.
“Các thay đổi mang tính đột phá trong hệ thống pháp luật như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã tạo động lực khơi thông dòng vốn đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền. Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là đầy tham vọng, song hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng”, bà Hương nói.
Song song với đó, việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng đô thị, điển hình là các tuyến Metro tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đang mở ra cơ hội giãn dân khỏi khu vực trung tâm. Điều này tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các khu vực lân cận với chi phí hợp lý hơn mà vẫn được thụ hưởng hệ thống giao thông thuận tiện, từ đó góp phần giảm áp lực về nhu cầu nhà ở tại nội đô.
Tuy nhiên, theo bà Hương, các gói hỗ trợ tài chính để mua nhà cần có phạm vi rộng hơn, không chỉ giới hạn ở đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi. Bà phân tích: “Xét trên khía cạnh an sinh xã hội, nhu cầu về nhà ở là nhu cầu thiết yếu của mọi lứa tuổi. Do đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng cần được thiết kế đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm tuổi, hoàn cảnh và khả năng tài chính khác nhau, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội ổn định cuộc sống”.
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, bà Hương cho rằng yếu tố then chốt là đáp ứng nhu cầu thực, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền. Các chính sách tín dụng hợp lý không chỉ hỗ trợ người mua, mà còn giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán thanh khoản và hàng tồn. Gói tín dụng cho người trẻ không chỉ là giải pháp tài chính mà còn là "chìa khóa" an cư và ổn định xã hội lâu dài. Để hiện thực hóa điều này, sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp là tối quan trọng.