Tạo cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (Dự thảo Nghị quyết) do Bộ Xây dựng soạn thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định ngày 1/4/2025. Trong đó có nhiều cơ chế, chính sách 'đặc thù' nhằm thúc đẩy phát triển chương trình nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, điểm nổi bật nhất tại Dự thảo Nghị quyết chính là việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội Quốc gia để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023. Đồng thời, hướng đến mục tiêu sau này “luật hóa” chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội Quốc gia phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị, thành phố lớn. Trong đó, nhà giá rẻ bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ phục vụ nhu cầu an cư của đại đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, công nhân viên chức, sinh viên...
Hiện nay, cả nước đã có hai Quỹ Phát triển nhà ở cấp tỉnh là Quỹ Phát triển nhà ở TP. Hà Nội (thành lập theo Quyết định số 20/1999/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội) và Quỹ Phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh (HOF, thành lập theo Quyết định số 3823/QĐ-UB của UBND TP. Hồ Chí Minh) với vốn điều lệ ban đầu của mỗi Quỹ là 1.000 tỷ đồng. Riêng HOF có tổng vốn thực tế lên đến 1.605 tỷ đồng, theo kết quả kiểm toán năm 2023.

Thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội Quốc gia để phát triển nhà ở xã hội
Trong đó, HOF hoạt động khá đa dạng và đạt được một số thành quả nhất định. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 6.400 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ các đoàn thể hưởng lương từ ngân sách thành phố được vay theo lãi suất ưu đãi thấp hơn 50% so với lãi suất vay thương mại; suất vay hỗ trợ hiện nay là 900 triệu đồng (không vượt quá 70% giá trị hợp đồng mua bán nhà) với lãi suất 3,2%/năm trong thời hạn 20 năm và Quỹ còn có chức năng hợp tác với nhà đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Dự thảo Nghị quyết có một số điểm mới, “cởi trói” những vướng mắc trước đây rất đáng quan tâm như quy định doanh nghiệp, tổ chức thuê nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho chuyên gia, cán bộ, viên chức, người lao động của doanh nghiệp mình ở được hạch toán chi phí thuê nhà ở xã hội vào chi phí sản xuất kinh doanh, khoản chi sự nghiệp thường xuyên hoặc chi hợp pháp khác theo quy định để vừa bảo đảm tính công bằng, vừa khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chăm lo chỗ ở cho chuyên gia, cán bộ, viên chức, người lao động của mình làm việc, lưu trú và gắn bó lâu dài. Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết cũng giao quyền, trách nhiệm cho chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở tự xây dựng, phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội để bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh - một trong các quyền của doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm và Chính cho rằng, nên xem xét bổ sung điều khoản mới quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở; phải lập danh sách người mua, thuê mua nhà ở xã hội báo cáo cơ quan quản lý nhà ở để quản lý và “hậu kiểm”. Bởi lẽ trên thực tế, công tác phê duyệt danh sách đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội mất rất nhiều thời gian nên rất cần quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để tránh những trường hợp trục lợi, mua bán sang tay kiếm lời từ suất mua ưu đãi nhà ở xã hội.
“Hơn nữa, tại Điều 88 Luật Nhà ở 2023 đã quy định xử lý rất quyết liệt đối với trường hợp bán, cho thuê mua nhà ở xã hội vi phạm quy định của Luật Nhà ở về đối tượng hoặc điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội. Khi đó, hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở vô hiệu. Trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì UBND nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó, nên rất cần thiết bổ sung quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, gánh nặng cho xã hội”, Luật sư Nghiêm nhấn mạnh.y