Thế giới sắc màu trong nghệ thuật trang trí cây nêu người Co miền núi Trà Bồng
Cũng như các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, người Co rất chú ý đến nghệ thuật tạo hình nhằm tạo ra cho nơi cư trú của mình một không gian thẩm mỹ đặc sắc riêng. Khả năng tạo hình và nghệ thuật tạo hình có những nét rất riêng và khá nổi trội so với nhiều dân tộc thiểu số khác trong khu vực.

Vùng thiên nhiên phong phú đa dạng nên nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co cũng phong phú hơn.
Cây nêu và bộ gu trong lễ hội ăn trâu là điểm nổi bật trong nghệ thuật trang trí, tạo hình của người Co, là một tinh túy trong nghệ thuật tạo hình dân gian khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên rộng lớn.
Huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 32.800 người Co, chiếm 60,8% dân số, cư trú chủ yếu ở 13 xã vùng cao. Cây nêu người Co có nhiều dạng khác nhau, nét riêng ở mỗi vùng. Trụ nêu làm bằng cây chò, các thân, ngọn thì làm lồ ô, với các loại dây mây, vỏ cây khác, cây pút ở các tai gu treo ở lưng chừng cây nêu.

Trụ nêu làm bằng cây chò, các thân, ngọn thì làm lồ ô, với các loại dây mây, vỏ cây.
Cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Co coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế, người Co không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.

Chim chèo bẻo trang trí trên đỉnh nêu và quanh thân cây nêu là biểu tượng đặc trưng trang trí nêu của người Co vùng núi Trà Bồng.
Cây nài trâu sẽ mang lại an toàn khi đưa trâu vào làm lễ. Nài buộc trâu được đan kỹ lưỡng và tạo hình đẹp mắt. Kỹ thuật đan này được xem là đặc trưng riêng biệt của người Co so với các đồng bào dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.

Nài buộc trâu được đan kỹ lưỡng và tạo hình độc đáo.
Trang trí cây nêu được thực hiện với sự tham gia các những nghệ nhân giỏi, có kinh nghiệm lâu đời, biểu hiện những nét đẹp trong tập quán lâu đời của người Co trong nghi thức cúng thần có hiến sinh trâu.

“Màu sắc hoa văn cây nêu cúng ông bà có ba màu chủ đạo, màu đen tượng trưng cho đất, màu trắng tượng trưng cho trời và màu đỏ tượng trưng cho lửa”, nghệ nhân Hồ Văn Dé, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, giải thích.
Nghệ thuật trang trí cây nêu trong lễ hội ăn trâu của dân tộc Co có nguồn gốc ra đời từ lịch sử phát triển của cộng đồng người Co. Cây nêu gắn liền với các lễ hội ăn trâu, cúng ông bà, cầu cho bình an, được nhiều phước lộc. “Việc tạo hình đối với người Co không đơn thuần để cho đẹp mắt, mà là sự gửi gắm ước nguyện đến thần linh, cầu mong thần linh phù hộ để cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Thanh Hòa, cán bộ xã Trà Bùi chia sẻ.

Nghệ nhân tạo hình trang trí cây nêu.
Với những hình ảnh tả thực, người nghệ nhân Co chỉ cần dùng vài nét khắc vạch là toát lên được cái thần của sự vật, sự việc: từ thú rừng như cọp, voi đến cây cối như cây chò, cây quế, cây lúa, cây hạt kê; chuyện lấy mật ong, khiêng thú vật hay hình ảnh lễ hội ăn trâu, mừng lúa mới… Đời sống đồng bào Co được khắc họa với những đường nét tinh giản. Đưa thiên nhiên, sinh hoạt đời sống vào trong nghệ thuật tạo hình, trang trí có thể nhận ra đặc trưng của văn hóa và bản sắc riêng có của người Co miền núi cao Trà Bồng.

Nêu gấk xa glák nghĩa là cây nêu phướn, vì lẽ trên đầu nêu có lá phướn dài thả xuống, đầu nêu có chim chèo bẻo được trang trí vô cùng rực rỡ.

Hoa văn trang trí các loại nêu phong phú, đa dạng.
Nghệ thuật tạo hình của người Co mang đậm tính nguyên thủy, thể hiện óc thẩm mỹ, bàn tay vô cùng khéo léo cùng khả năng sáng tạo thẩm mỹ tưởng chừng như vô tận của người Co. Nêu được dựng trong lễ hội ăn trâu thường gắn liền với điệu múa cà-đáo trong không gian văn hóa linh thiêng của núi rừng. Vùng thiên nhiên phong phú đa dạng nên nghệ thuật trang trí cây nêu cũng phong phú hơn. Cảm thức thẩm mỹ luôn hiện diện trong đời sống người Co theo dòng chảy văn hóa, lịch sử.

Theo thời gian, nghệ nhân trang trí nêu, phướn ngày càng ít dần.
Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trang trí cây nêu của dân tộc Co tiếp tục được truyền dạy cho các thế hệ trong cộng đồng người Co, góp phần phổ biến giá trị đặc sắc của di sản trong và ngoài nước. Các nghệ nhân tích cực đóng góp tài năng, sự sáng tạo, niềm say mê dành cho nghệ thuật dân gian để cùng lan tỏa giá trị của nghệ thuật truyền thống trong đời sống văn hóa xã hội đương đại.

Nghệ thuật trang trí, tạo hình cây nêu của người Co có những nét rất riêng và khá trội bật so với nhiều dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.

Nghệ nhân tích cực sáng tạo, niềm say mê nghệ thuật truyền thống dân gian để cùng lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc.