Thế giới hào hứng với sự phát triển của ASEAN
Giữa lúc thế giới đang tranh luận về chương tiếp theo của toàn cầu hóa, thị trường ASEAN đang phát triển hết sức mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư đang đổ xô đến khu vực này nhờ sự thu hút từ các liên kết thương mại, chuyển đổi số và nhu cầu về cơ sở hạ tầng bền vững. Được biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục chảy vào khối Đông Nam Á. Cụ thể, tổng FDI của khu vực ghi nhận riêng trong năm 2023 là 226 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ.
Như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã báo cáo vào tháng 11, các thành viên ASEAN đang mở rộng thương mại không chỉ với các cường quốc lớn mà còn với thế giới. Trong đó khu vực ASEAN đã tận dụng tư cách thành viên trong các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để hoạt động như một cửa ngõ giữa châu Á và các khu vực khác. Tuy nhiên, theo quan điểm của báo cáo Tương lai Thương mại của Ngân hàng Standard Chartered, hành lang thương mại tăng trưởng nhanh nhất có thể nằm trong chính thị trường nội khối ASEAN.
Các chuyên gia kỳ vọng, mức tăng trưởng hàng năm về thương mại nội khối ASEAN sẽ là nhanh nhất trong số bất kỳ hành lang thương mại nào trên thế giới, cụ thể là đạt mức trung bình 8,7%/năm kéo dài cho đến năm 2030.Ngoài ra, quá trình số hóa đang tiến triển nhanh chóng khi các công ty công nghệ và công ty điện toán đám mây chạy đua xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu và các thành phố lớn ở ASEAN cũng đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ tăng gấp đôi công suất của các trung tâm dữ liệu.
Tương tự như Liên minh châu Âu (EU), khu vực ASEAN cũng đang tích cực xóa bỏ rào cản đổi với thương mại nội khối. Điều này làm tăng nhu cầu về các dịch vụ tài chính xuyên biên giới, đơn cử như tài trợ thương mại và ngoại hối, qua đó cho phép các ngân hàng lớn đưa nhiều hoạt động kinh doanh vào mạng lưới của khu vực.
ASEAN đang hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số bằng cách hoàn thiện Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số. Hiệp định này sẽ cho phép thương mại điện tử và thanh toán xuyên biên giới trôi chảy hơn và an toàn hơn cho nhiều tổ chức, bao gồm cả các ngân hàng toàn cầu lớn như Standard Chartered… Cùng với đó, Hướng dẫn về Đạo đức và Quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) của khối cũng đưa ra cách tiếp cận đơn giản về cách trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ sự phát triển của kỹ thuật số.
Một lĩnh vực quan trọng khác là nhu cầu về cơ sở hạ tầng vật chất của ASEAN. Theo khảo sát, bên cạnh những rào cản về thủ tục hành chính và tình trạng thiếu hụt tài chính địa phương, tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng của các thị trường ASEAN là một trong những rào cản chính cản trở thành công của khu vực.
Có thể nói rằng, cơ sở hạ tầng năng lượng của khu vực đặc biết cần nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là khi xét đến nhu cầu điện năng của các trung tâm dữ liệu mới. Trên khắp ASEAN vẫn đang tồn tại mong muốn đến năm 2040 sẽ mở rộng công suất truyền tải điện hiện tại là 7,7 GW lên 17,6 GW.
Khi nói đến dữ liệu đáng tin cậy, báo cáo Triển vọng năng lượng ASEAN đóng vai trò là tài liệu tham khảo quan trọng. Ngoài ra, báo cáo cũng cung cấp đánh giá trung thực về các khoản đầu tư cần thiết để các quốc gia thành viên xem xét triển khai, từ đó hướng đến đạt được mục tiêu chung.
Nhìn chung, ASEAN - điểm sáng toàn cầu - đang có những bước tiến đáng kể trong tiến trình hội nhập 10 quốc gia thành viên, đồng thời khu vực vẫn nhận ra rằng còn nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành. Standard Chartered, với cương vị là ngân hàng quốc tế duy nhất có mặt tại tất cả 10 thị trường ASEAN với nhiều thập kỷ kinh nghiệm ở thị trường Đông Nam Á, ngân hàng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác trong khu vực để biến tiềm năng thành hiệu quả thực sự.