Thế giới ghi nhận gần 152 triệu người mắc COVID-19
n 6 giờ sáng 1/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 151.942.634 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3.191.685 người tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/5 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 816.337 trường hợp mắc COVID-19 và 12.761 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn cầu là 151.942.634 ca, trong đó có 3.191.685 người tử vong.
Ngày 30/4, thế giới có tới 117 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 108 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 590.002 ca tử vong trong tổng số 33.098.234 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 211.835 ca tử vong trong số 19.157.094 ca bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn đang nóng nhất thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục phá kỷ lục mỗi ngày.
Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 402.110 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và 3.522 người tử vong.
Để từng bước kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ dự kiến từ ngày 1/5 bắt đầu mở rộng chương trình tiêm phòng COVID-19 đến những người từ 18 đến 45 tuổi. Tuy nhiên nhiều bang thông báo chưa thể triển khai nỗ lực này vào thời điểm hiện tại do không có sẵn vaccine trong kho và phải ưu tiên tiêm liều thứ hai cho những người trên 45 tuổi.
Tại Pháp, theo số liệu thống kê mới nhất, nước này đã ghi nhận tổng cộng 5,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 104.253 ca tử vong.
Hôm qua, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này sẽ được mở rộng cho tất cả nhóm đối tượng là người trưởng thành kể từ ngày 15/6 tới. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Pháp đặt mục tiêu sớm mở cửa trở lại đất nước và kiểm soát làn sóng dịch bệnh lần thứ ba.
Trên trang Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo Pháp cho biết những người trên 50 tuổi có thể đăng ký tiêm vaccine từ ngày 15/5. Trước đó, Pháp quy định chỉ những người từ 55 tuổi trở lên mới được đăng ký.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng thông báo chiến dịch tiêm chủng vaccine sẽ được mở rộng từ cuối tuần này, cho phép 4 triệu người trong độ tuổi từ 18 đến 50 mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, huyết áp hoặc béo phì cũng được tiêm phòng.
Đến nay đã có hơn 15 triệu người Pháp được tiêm mũi đầu tiên, chiếm khoảng 29% nhóm người trưởng thành. Nhóm đối tượng ưu tiên chính hiện nay vẫn là người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai với tổng cộng khoảng 6,2 triệu người, chiếm gần 12% nhóm người trưởng thành.
Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latinh, cả Brazil và Cuba đều ghi nhận số ca mắc và tử vong cao đột biến. Bộ Y tế Brazil trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 3.001 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong từ đầu dịch đến nay lên 401.186 người, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.
Brazil đã vượt con số 400.000 người tử vong do COVID-19 chỉ sau hơn 1 tháng kể tử khi ghi nhận tổng cộng 300.000 ca hồi cuối tháng 3 vừa qua. Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chương trình tiêm chủng tiến triển chậm và công tác phòng chống dịch để lộ nhiều yếu kém. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này cũng đã lên tới 14,5 triệu người.
Trong 24 giờ qua Bộ Y tế Cuba thông báo có thêm 1.149 ca mắc mới COVID-19, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 18 ca, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đáng chú ý, trong báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày, Bộ Y tế Cuba cho hay trong tổng số ca mắc mới trên có tới 172 trường hợp dưới 18 tuổi và 11 trong số đó là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Tháng 4 được ghi nhận là tháng có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất tại Cuba, với trung bình hơn 1.000 ca/ngày. Tính tới nay, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 105.661 ca mắc trên cả nước, trong đó 632 người không qua khỏi.
Phần lớn các ca nhiễm ở Cuba đều ghi nhận tại thủ đô La Habana với 2,2 triệu dân. Hiện chính quyền thành phố vẫn đang tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm được ban hành từ tháng 2 vừa qua, đóng cửa toàn bộ các trường học, nhà hàng, quán bar và bãi biển, cũng như hạn chế giao thông liên tỉnh.
Tại châu Á, Hàn Quốc đã thông báo gia hạn giãn cách xã hội thêm 3 tuần. Quyền Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 30/4 cho biết Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn áp dụng thêm 3 tuần các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập trên 5 người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Hiện tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2 - mức cao thứ 3 trong hệ thống 5 mức hiện hành ở Hàn Quốc, trong khi các địa phương còn lại trên cả nước áp dụng cấp độ 1,5. Các biện pháp giãn cách này ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào ngày 2/5 tới đây.