Loài hoa đẹp trưng ngày Tết nào có thể gây ngộ độc cho trẻ nhỏ?
Theo khuyến cáo từ BS Huỳnh Tấn Vũ, một số loại cây kiểng thông dụng thường được trưng bày trong dịp Tết có nguy cơ cao đối với sức khỏe của trẻ em.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 3 chia sẻ: Tết đến mọi nhà đều yêu thích trang trí nhà cửa bằng những cây xanh hoa kiểng cho nhà cửa thêm tươi mát, tràn đầy sức sống. Người lớn thường quan tâm đến cây nào hoa nào đẹp, ít ai quan tâm đến cây nào, hoa nào là an toàn cho sức khỏe của gia đình nói chung và sức khỏe của trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, cần lưu ý đến một số loại cây kiểng thông dụng thường được trưng bày trong dịp tết có nguy cơ cao đối với sức khỏe của trẻ em.
Các loại cây hoa có độc cần lưu ý
BS Huỳnh Tấn Vũ thông tin, những loại cây có chứa chất độc và có thể gây nguy hiểm nếu trẻ ăn phải. Người lớn cần lưu ý cách nhận biết các loại cây này và dạy cho trẻ em không nên ăn. Nếu đang có sẵn những cây này trong nhà hoặc dự định sẽ trồng mà trong nhà có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên rào những cây này lại cho đến khi trẻ em nhiều tuổi hơn.
Hoa loa kèn (Angels trumpet – Brugmansia): Chất độc chiết xuất từ lá và hoa loa kèn có thể được sử dụng giống như một chất gây ảo giác hiệu quả trong y tế nhưng khi dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Thành phần gây tác động bao gồm atropine, hyoscyamine và scopolamine gây nên triệu chứng mê sảng, điên loạn.
Cây vạn tuế (Cycas revoluta Thunb) thuộc họ thiên tuế Cycadaceae. Ở Việt Nam, loại cây này thường được rất nhiều cơ quan, trường học, gia đình lựa chọn trồng làm cảnh. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc gần hoặc dùng tay vặt lá, hạt, vỏ vạn tuế, người tiếp xúc có thể bị ngộ độc. Các hợp chất alkaloids trong thân cây có thể gây ung thư, ngay cả trong hạt vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao. Các nhà khoa học khuyên không nên tiếp xúc thường xuyên hoặc đặt cây vạn tuế trong phòng kín bởi nó có thể gây bệnh, ngộ độc thậm chí gây tử vong cho người.
Cây trạng nguyên: Ăn phải sẽ gây rối loạn tiêu hóa do viêm nhẹ dạ dày và ruột
Hoa rum: Lá và củ chứa chất độc đường ruột Calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.
Cần làm gì khi không may trẻ ngộ độc hoa lá
Theo BS Vũ, các triệu chứng để nhận biết ngộ độc từ thực vật khi nuốt phải ở trẻ như nôn, co thắt dạ dày, rối loạn nhịp đập tim, bỏng rát miệng, co giật... Các loại triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các loài thực vật khi tiếp xúc sẽ khác nhau tùy theo các loại cây, lượng nuốt phải và trọng lượng của đứa trẻ. Những vấn đề thường gặp nhất là đau nhức xung quanh miệng và dị ứng da.
Các biện pháp cần thực hiện ngay sau khi nghi ngờ trẻ tiếp xúc với bất kì tác nhân có độc nào, bao gồm:
- Đối với da, cần nhẹ nhàng rửa sạch da bằng dưới vòi nước chảy (lượng nước chảy phải nhiều).
- Đối với tiếp xúc tại mắt, nên nhỏ mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý trong 20 phút (nên nhỏ nhiều cho nước chảy vào để rửa sạch mắt)
- Đối với trẻ nuốt tác nhân gây độc, cha mẹ cần loại bỏ bất kỳ phần nào của cây còn lại trong miệng và rửa miệng cho trẻ. Cho trẻ nôn bằng cách kích thích cổ họng.
Đồng thời, cha mẹ nên gọi điện thoại cho cơ sở y tế để được hướng dẫn sơ cứu.
"Nếu các triệu chứng khá nặng (co giật, khó thở, bất tỉnh, tím tái...) cần phải đi đến bệnh viện ngay lập tức, nhớ mang theo một mảnh của cây (mẫu vật gây độc) với bạn nếu có thể", BS Vũ lưu ý.