Chiến thuật 'đốt cháy những cây cầu sau lưng'

Chiến lược này ít nhất đã có từ năm 1066 khi đội quân xâm lược của William, người chinh phạt đốt cháy tất cả các con tàu của mình và bằng cách đó đưa ra một cam kết vô điều kiện là sẽ chỉ chiến đấu mà không lùi bước.

Quân đội thường có được quyết tâm bằng cách phủ nhận mọi cơ hội lùi bước cho chính mình. Chiến lược này ít nhất đã có từ năm 1066 khi đội quân xâm lược của William, người chinh phạt đốt cháy tất cả các con tàu của mình và bằng cách đó đưa ra một cam kết vô điều kiện là sẽ chỉ chiến đấu mà không lùi bước.

Cortés đã theo đuổi cũng một chiến lược tương tự khi chinh phục Mexico. Khi vừa đến Cempoalla ở Mexico, ông đã ra lệnh đốt cháy và phá hỏng tất cả các con tàu, chỉ trừ một chiếc. Mặc dù quân đội của ông ít người hơn rất nhiều, họ không có lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu dũng mãnh và chiến thắng. “Nếu như Cortés thất bại, đây có thể bị xem như một hành động điên rồ... Thực sự đó là kết quả của một tính toán có chủ ý... Không có lựa chọn nào khác trong đầu ông ta ngoài thành công hoặc chết”.

 Khi không còn đường lui con người sẽ có quyết tâm cao hơn. Ảnh: Adobe Stock.

Khi không còn đường lui con người sẽ có quyết tâm cao hơn. Ảnh: Adobe Stock.

Tiêu hủy những con tàu đã mang lại cho Cortés hai lợi thế. Thứ nhất, binh lính của ông trở nên đoàn kết hơn, mỗi người đều biết rằng tất cả họ sẽ chiến đấu cho đến cùng bởi sự đào ngũ (thậm chí chỉ rút lui cũng) là không thể. Thứ hai, quan trọng hơn, là tác động của cam kết này đối với đối phương. Họ biết rằng Cortés sẽ phải hoặc thắng, hoặc chết trong khi họ vẫn còn có lựa chọn rút lui vào sâu hơn trong đất liền. Họ đã chọn rút lui thay vì chống lại một đối thủ quyết tâm đến như vậy.

Để cam kết kiểu này có được tác động mong muốn thì tất cả binh lính phải hiểu được nó (kể cả quân đội của bạn cũng như của kẻ thù) chứ không phải chỉ những chiến lược gia ngồi trong ghế bành. Do vậy, điều đặc biệt thú vị ở đây là “sự phá hủy toàn đội tàu được thực hiện không phải chỉ với sự hiểu biết mà còn với sự đồng lòng nhất trí của toàn quân, mặc dù do Cortés đề xướng”.

Ý tưởng đốt cháy những con thuyền của mình cho thấy sự biến đổi theo thời gian trong tư duy chiến lược. Những người lính thành Troy đã cho thấy họ quá lạc hậu khi quân đội Hy Lạp dùng thuyền đến thành Troy cứu nàng Helen. Trong khi những người Hy Lạp cố gắng chinh phục thành phố thì những người Troy lại cố tìm cách đốt cháy thuyền của người Hy Lạp. Nhưng nếu người Troy đốt cháy được đoàn thuyền của người Hy Lạp, họ sẽ chỉ khiến những người Hy Lạp trở thành những đối thủ quyết tâm hơn mà thôi.

Thực tế xảy ra là người Troy đã không đốt cháy được các con thuyền của người Hy Lạp và đã nhìn họ rút lui về quê hương trên những con thuyền đó. Tất nhiên người Hy Lạp đã để lại đằng sau món quà con ngựa mà rất lâu về sau người Troy vẫn còn hối hận là đã quá nóng vội để nhận lấy.

Trong thời đại hiện nay, chiến lược này được áp dụng trong cả những cuộc tấn công trên biển cũng như trên đất liền. Đã nhiều năm công ty Polaroid của Edwin Land từ chối việc đa dạng hóa ra ngoài ngành kinh doanh chụp ảnh lấy ngay một cách có chủ đích. Khi đặt toàn bộ quân bài của mình vào ngành chụp ảnh lấy ngay này, công ty đã cam kết chống lại mọi đối thủ cạnh tranh thâm nhập vào thị trường này.

Ngày 20 tháng 4 năm 1976, sau 28 năm Polaroid độc quyền trên thị trường chụp ảnh lấy ngay, Eastman Kodak đã xuất trận: Công ty công bố loại phim chụp lấy ngay và máy ảnh mới của mình. Polaroid đã đáp trả một cách gay gắt, đòi đưa Kodak ra tòa vì vi phạm bản quyền. Edwin Land, người sáng lập và Chủ tịch của Polaroid đã sẵn sàng bảo vệ mảnh đất của mình: “Cả tâm hồn chúng ta nằm trong đó. Cả cuộc đời của chúng ta là ở đó. Đối với họ, đây chỉ đơn thuần là một cánh đồng khác... Chúng ta sẽ vĩnh viễn ở lại trên mảnh đất của mình và bảo vệ mảnh đất đó”.

Mark Twain đã giải thích triết lý này trong cuốn Pudd’nhead Wilson như sau: Thằng ngốc nói, “Đừng bỏ tất cả trứng của mày vào một giỏ”... nhưng người khôn nói, “Bỏ tất cả trứng của anh vào một giỏ và hãy TRÔNG CHỪNG CÁI GIỎ ĐÓ CẨN THẬN”.

Cuộc chiến đã kết thúc vào ngày 12 tháng 10 năm 1990. Tòa án tuyên phạt Kodak phải bồi thường cho Polaroid 909,4 triệu đô la. Kodak bị buộc phải rút toàn bộ phim và máy chụp ảnh lấy ngay ra khỏi thị trường. Mặc dù Polaroid đã khôi phục lại vị thế thống trị của mình trên thị trường ảnh chụp lấy ngay nhưng họ để mất đất cho đối thủ cạnh tranh là những chiếc máy quay video cơ động và các minilab rửa và in ảnh trên phim thường chỉ trong 1 tiếng đồng hồ.

Không có những chiếc cầu, Polaroid bắt đầu cảm thấy như đang bị mắc kẹt trên một hòn đào sắp chìm. Với triết lý thay đổi, bây giờ Polaroid đã bắt đầu chịu mở thêm các nhánh sản xuất phim video và cả phim thông thường nữa.

Người ta không cần phải đốt cháy theo nghĩa đen những chiếc cầu hay những con thuyền nối liền các biển cả. Có thể đốt cháy những chiếc cầu một cách hình tượng bằng cách giữ một vị thế chính trị đối kháng với một nhóm cử tri nhất định. Walter Mondale trong buổi lễ chấp thuận đề cử ra ứng cử Tổng thống của Đảng Dân chủ đã tuyên bố rằng ông ta sẽ tăng thuế nếu trúng cử và bằng cách đó đã đưa ra một cam kết.

Những cử tri tin vào một nền kinh tế hướng cung sẽ chắc chắn không bỏ phiếu cho ông, điều này khiến cho vị thế của Modale trở nên đáng tin cậy hơn đối với những người còn lại, những người muốn nhìn thấy thuế tăng để giảm bớt gánh nặng thâm hụt ngân sách. Rất không may (cho Mondale) là nhóm cử tri đối kháng hóa ra đông hơn rất nhiều so với dự tính.

Avinash K. Dixit & Barry J. Nalebuff/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/chien-thuat-dot-chay-nhung-cay-cau-sau-lung-post1554566.html
Zalo