Diễn biến bất ngờ trong quan hệ năng lượng Nga - Trung Quốc

Trung Quốc từ chối đề xuất mở rộng nhập khẩu khí đốt qua Kazakhstan khiến Gazprom thêm lao đao, trong bối cảnh thị trường châu Âu đã mất và dự án Power of Siberia 2 vẫn đình trệ.

Công nhân điều chỉnh van tại trạm khí nén Slavyanskaya trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Tập đoàn Gazprom ở vùng Leningrad, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Công nhân điều chỉnh van tại trạm khí nén Slavyanskaya trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Tập đoàn Gazprom ở vùng Leningrad, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Một diễn biến bất ngờ vừa xảy ra trong quan hệ năng lượng Nga – Trung Quốc, khi Bắc Kinh đột ngột ngừng đề xuất của Nga về việc xuất khẩu thêm khí đốt tự nhiên về phía Đông qua Kazakhstan. Theo mạng tin Âu-Á (eurasianet.org), quyết định này đã có tác động mạnh với Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, vốn đang vật lộn với những khó khăn tài chính sau khi mất đi thị trường châu Âu béo bở.

Từng là "công cụ chính sách đối ngoại" quan trọng của Moskva, Gazprom đang khẩn trương tìm cách tăng khối lượng xuất khẩu sang "phía Đông" để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu. Một trong những ý tưởng được tập đoàn này thúc đẩy là xuất khẩu thêm 35 tỷ mét khối (bcm) khí đốt sang Trung Quốc thông qua mạng lưới đường ống hiện có của Kazakhstan. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bắc Kinh từ chối.

Cụ thể, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui gần đây đã công khai bác bỏ khả năng này. Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời ông Zhang cho biết: “Việc cung cấp khí đốt [bổ sung] từ Liên bang Nga qua Kazakhstan là không thể, vì chỉ có một đường ống dẫn khí đốt và nó đã quá tải. Nếu chúng tôi vận chuyển [thêm] khí đốt của Nga dọc theo tuyến đường này, chúng tôi sẽ phải xây dựng một [đường ống] mới. Nó khá tốn kém. Phía Nga đang nghiên cứu [phương án này], nhưng nó không thực tế. Trên thực tế, nó sẽ không hiệu quả”.

Thay vào đó, ông Zhang nhấn mạnh rằng tuyến đường "Power of Siberia 2" (PS-2) đã được lên kế hoạch qua Mông Cổ sẽ là một lựa chọn tốt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu khí đốt bổ sung của Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án PS-2, với công suất dự kiến là 50 bcm, vốn đã phải đối mặt với sự chậm trễ do các vấn đề tài chính chưa được giải quyết và các yếu tố chính trị. Việc Nga và Gazprom thiếu nguồn lực để tài trợ cho chi phí xây dựng đường ống mới dường như là một trong những trở ngại lớn mà ngành năng lượng của nước này phải đối mặt.

Khó khăn của Gazprom

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với Gazprom. Từng là nguồn thu lớn của Điện Kremlin, đơn vị khí đốt của tập đoàn này đã thua lỗ nghiêm trọng sau khi mất hầu hết các thị trường khí đốt béo bở ở châu Âu. Gazprom báo cáo khoản lỗ khoảng 7 tỷ USD vào năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử công ty. Khoản lỗ hàng năm dự kiến sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2024. Theo một số phương tiện truyền thông, khoản lỗ của Gazprom dự kiến sẽ lên tới tổng cộng 179 tỷ USD trong 10 năm tới theo tỷ giá hối đoái hiện tại.

Những tổn thất trên đã buộc Gazprom phải từ bỏ các dự án ở Trung Á và Mỹ Latinh do thiếu sức mạnh tài chính. Đơn cử, tập đoàn này đã rút khỏi dự án “Shahpakhty” ở Uzbekistan sau khi thỏa thuận chia sẻ sản lượng hết hạn. Tờ Thời báo Moskva (Moscow Times) đưa tin rằng một cuộc tái cấu trúc lớn của Gazprom đang diễn ra, bao gồm việc bán tài sản và sa thải tới 40% nhân viên tại trụ sở chính của công ty.

Trong khi đó, các quốc gia Trung Á, vốn gần đây đã được hưởng lợi khi mua lượng khí đốt tương đối lớn của Nga với mức giá chiết khấu, cũng đang xem xét lại cách tiếp cận mua hàng của họ. Các yếu tố địa chính trị đang thúc đẩy các quan chức tại một số nước Trung Á tìm kiếm các nhà cung cấp đa dạng hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Kyrgyzstan Zheenbek Kulubaev tuyên bố vào ngày 15/4 vừa qua rằng nước này đang tìm cách giảm lượng khí đốt mua từ Nga. Hãng thông tấn TASS đưa tin, ông Kulubaev ám chỉ rằng mối quan tâm ngày càng tăng của Kyrgyzstan trong việc đa dạng hóa các nhà cung cấp có liên quan đến việc công dân Kyrgyzstan bị bắt giữ trong một cuộc đột kích ở Moskva.

Những diễn biến trên cho thấy Nga, và đặc biệt là Gazprom, đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc duy trì vị thế của mình trên thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là khi các đối tác truyền thống bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dien-bien-bat-ngo-trong-quan-he-nang-luong-nga-trung-quoc-20250521171401569.htm
Zalo