THẾ GIỚI 24H: 19 bang kiện tổng thống Mỹ vì DOGE truy cập dữ liệu cá nhân nhạy cảm
Một nhóm tổng chưởng lý đảng Dân chủ đã kiện Tổng thống Donald Trump để ngăn chặn Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu truy cập vào dữ liệu cá nhân nhạy cảm được lưu trữ tại Bộ Tài chính Mỹ.
![Tỷ phú Elon Musk là người đứng đầu DOGE. Ảnh: REUTERS](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_20_51430300/9585dfb1e5ff0ca155ee.jpg)
Tỷ phú Elon Musk là người đứng đầu DOGE. Ảnh: REUTERS
Vụ kiện diễn ra sau khi các nhân viên DOGE có quyền truy cập hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính, nơi kiểm soát hàng nghìn tỷ đô la tiền giải ngân của liên bang cho các khoản hoàn thuế, phúc lợi cựu chiến binh, thanh toán an sinh xã hội, Medicare, Medicaid và các dịch vụ khác. Hệ thống này cũng lưu trữ một mạng lưới thông tin cá nhân và tài chính khổng lồ của người Mỹ. 19 tổng chưởng lý đảng Dân chủ đã đệ đơn kiện, cáo buộc rằng bằng cách cấp cho tỷ phú Elon Musk và nhóm của ông quyền truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính, chính quyền Donald Trump đã vi phạm luật liên bang. Tài liệu nhấn mạnh hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính, Cục Dịch vụ tài chính (BFS) có “nhiều thông tin nhận dạng cá nhân nhạy cảm (PII), bao gồm số an sinh xã hội và tài khoản ngân hàng, cũng như thông tin tài chính bí mật về số tiền và loại thanh toán được thực hiện”.
Tỷ phú Elon Musk bị cấm truy cập dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Một thẩm phán liên bang sáng 8/2 đã chặn Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ, còn được gọi là DOGE, truy cập hồ sơ của Bộ Tài chính chứa dữ liệu cá nhân nhạy cảm như An sinh xã hội và số tài khoản ngân hàng của hàng triệu người Mỹ. Thẩm phán Tòa án Quận Mỹ Paul A. Engelmayer đã ban hành lệnh cấm sơ bộ sau khi 19 tổng chưởng lý đảng Dân chủ kiện Tổng thống Donald Trump, theo AP.
Li-băng công bố Chính phủ mới. Sau nhiều nỗ lực, tối qua (8/2) các nhà lãnh đạo Li-băng đã thống nhất và công bố Chính phủ mới của nước này do Thủ tướng Salam lãnh đạo. Chính phủ mới của Li-băng được thành lập và công bố đúng 26 ngày sau khi ông Nawaf Salam được Tổng thống Joseph Aoun chỉ định thành lập Nội các mới thay thế Chính phủ tạm quyền do Thủ tướng Najib Mikati lãnh đạo. Chính phủ mới của Li-băng có 26 thành viên, gồm Thủ tướng Nawaf Salam, Phó Thủ tướng Tarek Mitri cùng 24 bộ trưởng, trong đó có 5 nữ bộ trưởng.
Quân đội Sudan quyết tâm giành lại toàn bộ khu vực Khartoum. Quân đội Sudan cho biết, họ đã giành lại quyền kiểm soát một quận quan trọng ở Khartoum, đánh dấu một bước tiến mới nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn Thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận là Omdurman và Khartoum Bahri. Người phát ngôn quân đội Sudan Nabil Abdullah tuyên bố, quân đội cùng với các nhóm vũ trang đồng minh, đã đẩy lùi Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ra khỏi quận Kafouri ở Bắc Khartoum, cũng như tại khu vực Sharq El-Nil, cách đó 15 km về phía Đông.
Mỹ duyệt bán lô vũ khí 7,4 tỉ USD cho Israel. Báo The Times of Israel đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/2 (giờ địa phương) đã chính thức thông báo với quốc hội về kế hoạch bán hơn 7,4 tỉ USD vũ khí cho Israel, gồm hàng ngàn quả bom và tên lửa. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đệ trình quốc hội phê duyệt hai gói vũ khí riêng biệt. Thương vụ vũ khí khổng lồ diễn ra giữa bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel với Hamas tồn tại một cách mong manh.
Syria sẵn sàng cho phép Nga duy trì các căn cứ quân sự chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Syria Murhaf Abu Qasra nhấn mạnh Nga có thể được phép duy trì các căn cứ quân sự của mình tại quốc gia Trung Đông này, nhưng với một điều kiện việc này "có lợi cho Syria".
Mỹ chỉ giữ lại 611 nhân viên thiết yếu của USAID. Theo thông báo gửi các nhân viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vào đêm 6/2 theo giờ địa phương, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ giữ lại 611 nhân viên thiết yếu tại cơ quan viện trợ nước ngoài này. Thông báo cho biết việc cắt giảm nhân sự của USAID có hiệu lực vào nửa đêm 7/2. Tuy nhiên, một vụ kiện đã được đệ trình vào ngày 6/2 nhằm đảo ngược việc chính quyền giải thể cơ quan này, vốn là nơi phân phối viện trợ nhân đạo trên toàn thế giới.
Nga nói chiến đấu cơ Mirage 2000 Pháp cấp cho Ukraine là lỗi thời. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec của Nga tuyên bố, chiến đấu cơ Mirage 2000 được Pháp chuyển giao cho Ukraine là "lỗi thời", và tụt hậu hơn nhiều so với máy bay Nga. "Mirage 2000 là máy bay lỗi thời, không khác nhiều so với F-16 về các tính năng bay và kỹ thuật. Máy bay này tụt hậu đáng kể so với các phương tiện hiện đại của Nga", hãng thông tấn Tass dẫn thông báo từ Rostec.
Ông Trump tuyên bố sắp tăng thuế quan với nhiều nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ ngang bằng mức thuế mà các đối tác thương mại đang áp dụng với hàng hóa Mỹ. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ kế hoạch áp thuế nhập khẩu "có qua có lại" với nhiều quốc gia khác, theo Reuters. Ông Trump không nêu rõ những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cho biết đây sẽ là một nỗ lực toàn diện giúp giải quyết các vấn đề về ngân sách của Mỹ.
Các quốc gia vùng Baltic tách khỏi lưới điện của Nga, chuẩn bị kết nối với Liên minh châu Âu (EU). Litva, Latvia và Estonia đã ngắt kết nối hệ thống điện của mình khỏi lưới điện của Nga và tiến hành đồng bộ hóa với lưới điện của EU trong ngày 9/2 sau khi hoạt động độc lập trong thời gian chờ đợi. Reuters đưa tin giới chức Litva cho biết nước này đã ngắt kết nối hệ thống điện của mình khỏi lưới điện của Nga, là một phần trong kế hoạch mà ba quốc gia Baltic khẳng định sẽ giúp họ hội nhập chặt chẽ hơn với EU và tăng cường an ninh.
Triều Tiên nêu tình huống sử dụng vũ khí hạt nhân. Triều Tiên tuyên bố vũ khí hạt nhân của nước này không phải là con bài mặc cả, mà được thiết kế để chiến đấu chống lại những nỗ lực xâm chiếm. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nhà Trắng cho hay Mỹ sẽ tìm cách "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên" dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.