Thiếu năng lượng trầm trọng, Iran tiêu hủy hàng chục nghìn 'máy đào' tiền kỹ thuật số

Iran xác nhận đã tiêu hủy khoảng 13.000 máy đào tiền kỹ thuật số, trong chiến dịch trấn áp việc sử dụng điện cho mục đích bất hợp pháp.

Biểu tượng đồng tiền điện tử bitcoin và ether. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Biểu tượng đồng tiền điện tử bitcoin và ether. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

CEO công ty điện nhà nước Iran Tanavir – ông Mostafa Rajabi ngày 8/2 nhận định rằng khai thác tiền kỹ thuật số là yếu tố chính dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá mức điện ở Iran trong những tháng qua. Ông Rajabi cho biết hơn 15.000 máy đào tiền kỹ thuật số đã bị phát hiện và tịch thu tại Iran trong 10 tháng qua.

Bên cạnh đó, ông Rajabi chia sẻ rằng lực lượng chức năng đã tiêu hủy các máy khai thác tiền kỹ thuật số này, theo lệnh của cơ quan tư pháp Iran.

Tavanir ước tính khai thác tiền kỹ thuật số dẫn đến nhu cầu điện ở mức gần 800 megawatt ở Iran. Một phó giám đốc điều hành của Tavanir nhận xét rằng lượng tiêu thụ điện của mỗi máy khai thác tiền điện tử tương đương với mức của 10 hộ gia đình.

Chính phủ Iran sẽ tiếp tục cấp phần thưởng bằng tiền mặt cho bất kỳ thông tin nào dẫn đến việc phát hiện ra các máy khai thác tiền kỹ thuật số bất hợp pháp ở nước này.

Việc khai thác tiền kỹ thuật số thường phụ thuộc vào các máy tính tiêu thụ năng lượng cao để xử lý các thuật toán phức tạp. Đại học Cambridge (Anh) từng ước tính số năng lượng người khai thác tiền kỹ thuật số trên toàn cầu sử dụng trong một năm còn nhiều hơn tổng năng lượng Chile tiêu thụ.

Tờ Washington Post (Mỹ) vào tháng 1/2021 đưa tin, Tanavir tuyên bố đã đóng cửa trung tâm tiền kỹ thuật số tại tỉnh Kerman bởi cơ sở này tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Đại diện của Bộ Năng lượng Iran cũng đề cập rằng nhiều cơ sở “đào Bitcoin” trái phép cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ năng lượng.

Tháng 12/2024, Iran phải chật vật bởi tình trạng thiếu nhiên liệu, với nhu cầu về khí đốt tự nhiên vượt xa sản lượng. Đáng chú ý, Iran vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy điện khí đốt, chiếm tới 86% tổng sản lượng điện của cả nước vào năm 2023. Bởi vậy, ở thời điểm cuối năm 2024, Iran buộc phải hạn chế điện, chỉ thị đóng cửa trường học và văn phòng công trên khắp cả nước, đồng thời tắt đèn chiếu sáng ở những cao tốc chính tại thủ đô Tehran và nhiều nơi khác.

Về phần mình, các quan chức Iran cáo buộc lệnh trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến diễn biến này. Các lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Tehran, đã nhắm thẳng vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận chuyển của nước này, cùng nhiều lĩnh vực khác. Chúng thực sự làm tê liệt nền kinh tế của nước này.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Press TV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thieu-nang-luong-tram-trong-iran-tieu-huy-hang-chuc-nghin-may-dao-tien-ky-thuat-so-20250209103252023.htm
Zalo