Tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk như một biểu tượng huy hoàng của Hải quân Liên Xô mà Nga rất muốn khôi phục, nhưng rõ ràng Moskva đang rơi vào cảnh lực bất tòng tâm.
Hải quân Nga rõ ràng không hài lòng với tình hình hiện tại khi chỉ còn là cái bóng của Liên Xô, nhất là khi ngành đóng tàu chỉ có thể chế tạo khinh hạm tối đa 4.500 tấn và trên thực tế đã "quên" mất cách chế tạo tàu khu trục, chưa nói đến tàu tuần dương hạng nặng.
Khi chiếc Đô đốc Kuznetsov đang trên đà "rỉ sét" tại nhà máy, người Nga lại nhắc đến câu chuyện vào thời Liên Xô, họ đã chế tạo tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk tại Nikolaev hồi năm 1988, nhưng con tàu chưa bao giờ được hoàn thiện và đã bị tháo dỡ từ năm 1992.
Cần lưu ý tại thời điểm đầu năm 1992, tàu sân bay Ulyanovsk chỉ mới hoàn thành được 28% và tính riêng chi phí chế tạo ban đầu đã ở mức khoảng 800 triệu rúp, và nếu tính cả vũ khí và phi đội không quân đi kèm, con số này thậm chí lên tới 2 tỷ rúp.
Sau khi Liên Xô tan rã, cả Ukraine và Nga đều không có đủ kinh phí để hoàn thiện con tàu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, điều này dẫn đến thực tế là vào ngày 4/2/1992, chính quyền Kyiv đã ra lệnh tháo dỡ con tàu còn dang dở này.
Câu hỏi ở đây là nếu bản thân nước Nga không tỏ ra quan tâm đến việc hoàn thiện tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk của Liên Xô vào đầu năm 1992 thì tại sao họ lại hoài niệm về nó vào thời điểm này?
Theo giới chuyên môn, có lẽ câu trả lời nằm ở đặc điểm kỹ chiến thuật độc đáo của chiếc "tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay" nói trên, khi nó là công cụ để nuôi dưỡng một "sức mạnh to lớn" chưa thể hiện thực hóa.
Chiếc Ulyanovsk thuộc Dự án 1143.7 có lượng giãn nước đầy tải 79,76 nghìn tấn; chiều dài và chiều rộng thân tàu tại chỗ lớn nhất lần lượt là 324 mét và 75 mét, thủy thủ đoàn lên tới 3.800 người.
Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân và 4 tổ máy turbine hơi nước với tổng công suất 280 nghìn mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động không giới hạn.
Đơn vị hàng không của tàu sân bay Ulyanovsk bao gồm 70 phi cơ các loại, trong đó có 60 tiêm kích Su-33, 4 máy bay cảnh báo sớm Yak-44 (dự án chưa hoàn thiện) và 2 trực thăng Ka-27 thuộc phiên bản chống tàu ngầm và tìm kiếm cứu nạn.
Với phân loại là tuần dương hạm hạng nặng, chiếc Ulyanovsk mang theo dàn vũ khí cực mạnh bao gồm 12 - 16 bệ phóng thẳng đứng cho tên lửa chống hạm P-700 Granit (tương tự tàu Đô đốc Kuznetsov), hệ thống phòng không S-300M Fort-M và tổ hợp pháo bắn nhanh Kortyk.
Tuy vậy cần nhấn mạnh một lần nữa, đây chỉ là những đặc điểm "trên giấy", chưa từng được hiện thực hóa mà chỉ đơn giản nhằm nuôi dưỡng "sức mạnh to lớn" nhưng phi thực tế của Moskva trong lĩnh vực xây dựng hải quân.
Một ví dụ khác nên nhắc lại là vào tháng 6/2020, để cứu hình ảnh "cường quốc vĩ đại", Nga đã cố gắng chế tạo tàu khu trục hạt nhân thuộc Dự án Lider, nhưng con tàu nói trên cho đến thời điểm hiện tại cũng chỉ nằm trên giấy.
Với thực tế tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov coi như đã bị loại biên, Nga chỉ còn trông chờ vào một tuần dương hạm hạt nhân từ thời Liên Xô mà họ đang nỗ lực khôi phục hoạt động, đó chính là chiếc Đô đốc Nakhimov.
Việt Dũng
Theo Defense Express