The Coffee House đổi chủ có đổi vận?
Gia nhập 'hệ sinh thái' F&B của Golden Gate có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của The Coffee House, nhưng sự thay đổi từ bên trong mới là chìa khóa để chuỗi tìm lại hào quang.

The Coffee House hiện tồn tại nhiều vấn đề mà Golden Gate cần tháo gỡ. Ảnh: TCH.
Thông tin Golden Gate thâu tóm The Coffee House đã khiến cả thị trường F&B chú ý.
Thương vụ M&A của "ông trùm" lẩu nướng sở hữu các thương hiệu như Gogi, Kichi Kichi, Manwah, Vuvuzela... diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của The Coffee House đang lao dốc. Chuỗi trà - cà phê từng có hơn 150 cửa hàng đã phải đóng cửa 1/3 điểm bán và đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Highlands Coffee, Starbucks, Katinat, Phê La...
Bài toán khó của The Coffee House
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho biết The Coffee House đang đối mặt với nhiều bài toán cần lời giải, trong đó nổi bật nhất là vấn đề định vị thương hiệu và tệp khách hàng mục tiêu.
Trước đây, chuỗi này được biết đến với không gian thân thiện cho công việc và học tập, thu hút lượng lớn "laptop campers". Tuy nhiên, khi thói quen tiêu dùng thay đổi và đối tượng khách hàng trẻ trở nên ưa chuộng những không gian mang tính trải nghiệm, mô hình của The Coffee House dần mất đi sức hút.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực F&B nhận định việc tái định vị thương hiệu là điều cấp thiết, hướng đến tập khách hàng trẻ trung, năng động hơn với không gian sáng tạo và phù hợp cho giao lưu, gặp gỡ, thay vì chỉ tập trung vào nhóm người ngồi làm việc lâu. Nếu không thay đổi, The Coffee House sẽ tiếp tục tụt lại khi các đối thủ như Katinat, Phúc Long hay Starbucks đã định hình rõ nét nhóm khách hàng mục tiêu.
Ông Thanh nói thêm, vấn đề thứ hai của The Coffee House là sự suy giảm trong trải nghiệm khách hàng. Trước đây, linh hồn của thương hiệu gắn liền với nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh - người đặt trọng tâm vào sáng tạo sản phẩm và thiết kế trải nghiệm.
Khi ông Ninh rời đi, định hướng của The Coffee House nghiêng về quản lý tài chính, dẫn đến việc tối ưu chi phí quá mức mà bỏ quên yếu tố cốt lõi là sự hài lòng của khách hàng. Không gian quán trở nên thiếu sự tươi mới, sản phẩm đồ uống ít sáng tạo và dịch vụ thiếu sự nhiệt tình mà khách hàng ngày càng mong đợi.

The Coffee House cần tìm lại ánh hào quang vốn có. Ảnh: TCH.
Bên cạnh đó, xu hướng địa phương hóa trong kiến trúc và thiết kế cửa hàng đang ngày càng được ưa chuộng, nhưng The Coffee House lại chưa tận dụng tốt.
Trong khi Starbucks, Highlands Coffee, Katinat hay thậm chí các quán cà phê địa phương khác đang đầu tư mạnh vào việc tùy biến không gian theo từng khu vực để tạo sự gần gũi, The Coffee House vẫn giữ phong cách đồng nhất trên toàn hệ thống. Đây là một hạn chế khiến khách hàng khó cảm nhận được sự đặc trưng khi ghé thăm các cửa hàng ở các tỉnh thành khác nhau.
Việc địa phương hóa thiết kế không chỉ giúp tăng trải nghiệm mà còn thu hút nhóm khách hàng yêu thích sự mới lạ và tinh tế.
Tóm lại, bài toán của The Coffee House không chỉ là tái cấu trúc vận hành mà còn là làm mới bản thân trong mắt khách hàng. Chuỗi cần một chiến lược toàn diện từ định vị thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, sản phẩm sáng tạo cho đến không gian quán.
"Việc gia nhập Golden Gate mang lại nguồn lực hỗ trợ, nhưng chính sự thay đổi từ bên trong mới là chìa khóa để chuỗi tìm lại ánh hào quang vốn có", ông Thanh nhấn mạnh.
Động lực cho cả Golden Gate và The Coffee House
Với thông tin liên quan thương vụ thâu tóm này, ông Đỗ Duy Thanh nhận định thương vụ này là một cú hích chiến lược. Trong đó, The Coffee House hưởng lợi từ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm vận hành và mạng lưới mặt bằng của Golden Gate.
Ngược lại, Golden Gate sẽ tận dụng được thương hiệu, tệp khách hàng trung thành và cơ hội mở rộng sang mảng đồ uống - lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao.
Chuyên gia nói thêm rằng thương vụ này mang lại cho chuỗi cà phê lợi thế từ kinh nghiệm quản trị đa thương hiệu và chiến lược vận hành tối ưu mà Golden Gate đã đúc kết trong nhiều năm phát triển chuỗi.

Golden Gate có các cửa hàng ở trung tâm thương mại - một phân khúc mà The Coffee House đang bỏ ngỏ. Ảnh: Chí Hùng.
Trong bối cảnh The Coffee House cần làm mới hình ảnh và tối ưu hiệu quả vận hành, nguồn lực tài chính dồi dào và năng lực marketing mạnh mẽ từ Golden Gate sẽ là đòn bẩy giúp chuỗi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đặc biệt trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển các kênh phân phối ngoài hệ thống cửa hàng.
Một lợi thế quan trọng khác đến từ quỹ mặt bằng chiến lược mà cả hai bên đang sở hữu. The Coffee House có lợi thế với hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố trung tâm và khu dân cư đông đúc, trong khi Golden Gate nắm giữ nhiều vị trí đắc địa trong các trung tâm thương mại - một phân khúc mà chuỗi cà phê còn bỏ ngỏ.
The Coffee House có thể tận dụng mạng lưới mặt bằng của Golden Gate để mở rộng sự hiện diện mà không mất thời gian đàm phán thuê mới. Trong khi đó, Golden Gate có thể chuyển đổi các vị trí nhà hàng hoạt động kém hiệu quả thành cửa hàng cà phê, từ đó tăng hiệu suất kinh doanh mà không phải tốn thêm chi phí tìm kiếm mặt bằng.
"Đây là mối quan hệ cộng hưởng hai chiều, giúp cả hai khai thác tối đa lợi thế địa điểm sẵn có và tối ưu chi phí mở rộng", chuyên gia nhận định.
Cuối cùng, theo ông Thanh, tệp khách hàng trung thành của The Coffee House là một tài sản giá trị mà Golden Gate muốn tận dụng.
Với cộng đồng khách hàng đã quen thuộc với mô hình cà phê mang đi và không gian làm việc thoải mái, The Coffee House mang lại cơ hội để Golden Gate phát triển các chương trình bán chéo (cross-selling). Ví dụ như kết hợp ưu đãi cho khách hàng The Coffee House khi dùng bữa tại các chuỗi nhà hàng thuộc hệ sinh thái Golden Gate. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng cho cả hai thương hiệu.