Thầy và trò - hai đồng chí, hai vĩ nhân huyền thoại
Năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành – 'Văn Ba' – ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng – cũng là năm cậu bé Võ Giáp cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng An Xá (Quảng Bình). Ngẫu nhiên nhưng dường như là sự sắp đặt của tạo hóa, lịch sử để đưa hai con người ấy trùng phùng, rồi trở thành thầy - trò, đồng chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội diễn tập năm 1957. Ảnh: Tư liệu BTHCM
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy có ảnh hưởng lớn và có thể nói là “lớn nhất” trong cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp (tên khai sinh là Võ Giáp) ngay từ lần đầu tiên được trực tiếp gặp gỡ Người. Đó là sự gặp gỡ của “hai con người vĩ đại”, có gì đó thân quen ngay từ giọng nói, tác phong và từ phút đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cảm thấy như “đã gần gũi, quen Người từ lâu”. Từ đó, Bác Hồ luôn thường trực trong trái tim đồng chí Võ Nguyên Giáp, được sống và làm việc cạnh Người, được Người dìu dắt và trao cho nhiều trọng trách của Đảng và đất nước trên các lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao... Đại tướng là người vận dụng sáng tạo, xuất sắc nhiều chỉ dẫn và rèn luyện công phu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để trở thành một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất với Bác Hồ; được Người “tôn trọng nhất” để “bộc lộ nhiều nhất” tài năng thiên bẩm về quân sự, chính trị, về khoa học, về Sử học của mình. Đặc biệt, ông đã có công lớn xây dựng học thuyết quân sự Việt Nam - “cách đánh của anh Văn” – “chiến tranh Nhân dân vô địch” - thời đại Hồ Chí Minh.
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thấy ở Võ Nguyên Giáp cốt cách cao đẹp của một người yêu nước nồng nàn, một nhà chính trị có tầm cao tư duy, lại có trái tim nhân văn cao cả. Có lẽ vì thế mà Người gửi gắm, đặt cho ông bí danh rất ý nghĩa là “Văn” – để rồi sau này con người Bác gửi gắm trọn niềm tin ấy đã “Văn lo vận nước, Văn thành Võ” và "Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”!
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có may mắn làm việc gần 30 năm bên cạnh Bác Hồ, được là một trong những người gần gũi nhất với Bác, cảm thấy những “tinh hoa của dân tộc” tỏa sáng trong con người của Bác; thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người và trở thành một học trò “xuất sắc nhất” của Người. Một trong những “dấu ấn” thể hiện sự thiên tài của Bác là “không chọn bất kỳ” một nhà quân sự được đào tạo bài bản nào mà lại “chọn đúng một thầy giáo dạy Sử”, một “Sinh viên Luật học” để “phụ trách công tác quân sự của Đảng”. Và cũng chính nhà giáo với tài năng quân sự thiên bẩm mà Người “sớm nhận ra” ấy đã lãnh đạo Quân đội ta từ “vỏn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị và vũ khí thô sơ – Đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” trở thành một quân đội chính quy, ngày càng hiện đại với những quân đoàn, binh chủng, quân chủng hiện đại và hùng mạnh ngày nay – sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý và linh thiêng!.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy quân đội Nhân dân Việt Nam – những người con được dân tộc ta vinh danh “Bộ đội Cụ Hồ” – từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu hy sinh, sẵn sàng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; cùng dân tộc Việt Nam chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công đầu trong việc nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự, góp phần quan trọng hình thành tư tưởng chiến tranh Nhân dân và học thuyết quân sự độc đáo của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Một trong những tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực quân sự của ông là “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội Nhân dân (với 246 trang), được coi như Binh thư Việt Nam thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Là Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Tổng Tư lệnh, ông đã rèn luyện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân cách mạng bản sắc văn hóa riêng, trong đó mỗi người lính đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn của Bí thư Quân ủy. Ông thực sự là “Chính ủy của các Chính ủy, một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà Sử học, nhà Quân sự trên thế giới đánh giá là một “Vị tướng huyền thoại”, một “thiên tài quân sự” lớn của thế kỷ XX và “một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”.
Có lẽ ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới này được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu với mình trên chiến trường tôn trọng (de Castries) hoặc coi việc được đánh trận với ông là niềm vinh dự! (Đại tướng Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương).
Nhưng trên tất cả những “mĩ từ” đó, “nhân văn đức độ” của một vị tướng như ông lại tỏa sáng như một “bậc hiền nhân”. Bí danh của ông được Bác đặt là “Văn” thật sáng suốt và mang đậm “tầm cao về tư duy”...
“Nếu Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, thì ông chính là một “Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam đẹp nhất” trong lòng dân Việt Nam, “một Đại tướng nhân dân”, một Đại tướng của lòng dân!.
Chúng ta xúc động đến nao lòng khi được thấy hình ảnh của vị tướng đầu bạc trắng ôm hôn thắm thiết các cháu thiếu nhi khăn quàng đỏ thắm trên vai – thế hệ sẽ nối tiếp cha ông xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng; khi ông ân cần thắp những nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trong những dịp ông về quê hương Quảng Bình “nghĩa nặng, tình sâu”; được nghe giọng nói miền Trung ấm áp đầy sức truyền cảm của ông, được làm người lính – Bộ đội Cụ Hồ – dưới quyền chỉ huy của người “Anh Cả” quả là một vinh dự và diễm phúc vì với tài thao lược của ông, Quân đội Nhân dân Việt Nam “chỉ biết có chiến thắng”!.
2. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chính là “linh hồn” của hai cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã đưa giang sơn gấm vóc hình chữ S này sạch bóng quân xâm lược. Từ đây – “Một trời êm ả xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ...” đã trở thành hiện thực với một dân tộc đã bị chìm đắm trong ách đô hộ của phong kiến – thực dân – đế quốc, để viết lên trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước để phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Năm 1945, khi Bác bị mệt nặng, tưởng như không qua khỏi, tại lán Nà Lừa (Tuyên Quang), Người dặn lại học trò gần gũi nhất của mình: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập” – thể hiện quyết tâm của Đảng ta giành độc lập, tự do và sau đó đúng 30 năm (1975) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết “Mệnh lệnh” chiến đấu – “lời hịch” hào hùng của “Anh Cả”: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ phút xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam”, “Quyết chiến và toàn thắng” – thể hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Hình bóng Bác luôn đồng hành với những Binh đoàn quân giải phóng để viết nên bản hùng ca lịch sử: 5 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh “Tổng công kích” vào nội đô, năm cánh quân đồng loạt tiến quân vào Sài Gòn. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng đầu tiên mang số hiệu 390 “húc đổ – đè bẹp” cánh cổng chính và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, chiếm sào huyệt của ngụy quyền. Cờ Giải phóng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Cho đến khi mặt trời đã khuất bóng sau cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội đã lên đèn... Ngồi một mình trong căn phòng làm việc của Tổng Hành dinh với niềm vui náo nức khi tin chiến thắng bay về từ Sài Gòn, nước mắt Đại tướng cứ trào ra – “Giá như còn Bác?...” - trong khi loa phát thanh trên khắp cả đường phố Thủ đô từ 11 giờ 30 phút đã liên tục reo vang ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” – Khúc Khải hoàn của cả dân tộc trong giờ phút lịch sử! Sau đó, Đại tướng lên xe, đi một vòng quanh Hà Nội – “cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, Thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với miền Nam... Đại tướng hồi ức lại: “tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu thơ Xuân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay”.
3. Năm 2025 này, chúng ta tổ chức Đại Lễ kỷ niệm tròn 50 năm đất nước được hoàn toàn giải phóng.
Cơ hội để Việt Nam xây dựng một nước hùng cường, giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc để trở thành một nước phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu” khi “tiềm lực”, “cơ đồ”, “vị thế”, và “uy tín quốc tế” chưa bao giờ có được như ngày nay” đã đến.
Chúng ta có đủ cơ sở, niềm tin và hy vọng khẳng định: Một dân tộc đã viết nên Bản hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với cuộc hành quân “Thần tốc”, “Táo bạo”, “Quyết chiến”, “Toàn thắng”, sẽ viết tiếp Bản hùng ca mới – “Vươn mình” thành công để lập nên những kỳ tích mới, xây dựng một nước Việt Nam Phát triển - Văn minh – Văn hiến – Hiện đại có thu nhập cao và hạnh phúc trong thời đại Hồ Chí Minh vinh quang!.