Cho chúng con giữa vui này được khóc!
Đã 50 năm đi qua, trái tim tôi vẫn còn rạo rực khi nhớ lại ngày 30/4/1975 - ngày đất nước hát khúc khải hoàn chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ quên lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lá cờ của lương tri thời đại, lá cờ của chân lý thời đại với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã thành hiện thực.

Người dân Sài Gòn đón chào đoàn Quân giải phóng trong ngày 30/4/1975. Ảnh: tư liệu.
Cả dân tộc lên đường ra trận, trùng trùng điệp điệp “Lớp cha trước, lớp con sau” bền bỉ suốt ba mươi năm trời, để giờ phút huy hoàng này, những sóng nhạc dập dìu, những bài thơ dâng tràn cảm xúc tỏa khắp mọi miền đất nước. Trong niềm vui bất tận ấy, ta ngợp mắt giữa rừng cờ hoa tràn ngập phố phường, ta bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên môi người mừng đất nước đi qua ba mươi năm khói lửa chiến tranh. Giờ đây, Nhân dân được hít thở bầu không khí hòa bình, được ngẩng cao đầu kiêu hãnh nhìn lên bầu trời xanh thắm.
Đằng sau nụ cười và tiếng hát còn có những giọt nước mắt của nhớ thương, của niềm tin và hy vọng. “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” - bài thơ ấy như một lời thề sắt son của người chiến sỹ suốt cuộc đời chiến đấu vì Tổ quốc, vì dòng máu yêu nước của con cháu Lạc Hồng muôn đời bất tử. Tổ quốc ơi! Con xin hiến dâng Người bằng trái tim hồng của con; vì Người, con không tiếc tuổi xuân của con. Ba mươi năm chiến tranh, ta không thể nào tính được bao nhiêu “Cuộc chia ly màu đỏ” của các chàng trai, cô gái: “Xa nhau không hề rơi nước mắt. Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”. Và mẹ nữa, mẹ đã mỏi mòn chờ đợi. Nhưng, ngày vui cả nước đoàn viên, không biết bao nhiêu người mẹ không gặp con mình khoác ba lô về thăm mẹ nữa.
Cho chúng con giữa ngày vui này được khóc, khóc bên mẹ, khóc khi nhìn tấm ảnh Bác Hồ. “Bác bảo đi là đi! Bác bảo thắng là thắng”. Mỗi bước chúng con đi đều có Bác dẫn đường, trận địa nào cũng vang lời Bác thiết tha, con đường nào cũng có ánh hào quang của Bác. “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Bác thường nói với đồng bào, đồng chí: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Hồ Chủ tịch thăm đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25/9/1966. Ảnh tư liệu
Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa xuân sau tiếng pháo giao thừa, đồng bào cả nước lại hồi hộp nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ nào của Bác cũng trở thành lời hịch vang dậy núi sông, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thừa thắng xông lên trên tuyến đầu chống Mỹ.
Khi hậu phương sát cánh cùng tiền tuyến, khi nhiều nước sẵn sàng chi viện vũ khí và vật chất ủng hộ Việt Nam thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đã 50 năm đi qua, Nhân dân Việt Nam vẫn còn nhớ lời nói bất hủ của lãnh tụ Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Chiến tranh không còn là nỗi đau của Việt Nam nữa, nó đã trở thành nỗi đau của nhân loại. Khi mỗi bà mẹ làng quê ở Việt Nam đã khóc vì con cháu họ hy sinh, thì ở bên kia bán cầu Thái Bình Dương, không biết bao nhiêu bà mẹ nước Mỹ đã cạn nước mắt vì những đứa con ra đi không trở về.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN
Từ khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã có không biết bao nhiêu cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ngay từ nhân dân nước Mỹ. Có lẽ ngàn năm sau, ngọn lửa tự thiêu mình của Mo-ri-xơn ngay trước tòa Bạch ốc, phản đối chính quyền Nhà Trắng gieo tang tóc đau thương cho Việt Nam vẫn sáng mãi trong trái tim nhân loại. Ngọn lửa của Mo-ri-xơn càng dấy lên làn sóng căm phẫn trên toàn thế giới.
Sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh của chính nghĩa, được hun đúc từ cha ông suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước; là sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Thế giới đã thừa nhận rằng: Đường lối chiến tranh nhân dân là đỉnh cao nghệ thuật của quân sự Việt Nam. Mọi thứ vũ khí hiện đại, tối tân nhất của một cường quốc, mọi âm mưu thâm độc đều không khuất phục được một nước nhỏ bé như Việt Nam. Đối với Việt Nam, lòng dân đâu cũng là chiến hào, đâu cũng là trận địa. Giặc Mỹ muốn cắt đôi dòng Bến Hải, cắt đôi tình Nam - nghĩa Bắc nhưng cắt làm sao được ý chí và sức mạnh của lòng dân.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.
Giặc Mỹ điên cuồng mang bom đạn bắn phá miền Bắc, hòng cắt đứt mạch máu giao thông, cắt đứt hậu phương nối với tiền tuyến lớn. Nhưng, ở đâu trên dải dất hình chữ S này, chúng cũng bị thất bại nhục nhã. Ta giăng lưới lửa trên trời, ta giăng lưới thép ngoài khơi, chúng không thể nào ngăn nổi những con tàu không số vượt đại dương đến với tiền tuyến, không thể nào ngăn nổi những đoàn quân trùng trùng điệp điệp: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Con đường Trường Sơn là con đường của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Con đường huyền thoại đó được xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và bằng xương máu của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong mở đường. Con đường Trường Sơn mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh, dẫu nắng đốt, dẫu mưa bay, dẫu bom gầm đạn rú vẫn hiên ngang, hừng hực. Con đường đã trở thành huyết mạch cho những binh đoàn trùng trùng ra trận. Từ chiến trường gần đến chiến trường xa, càng ngày càng siết chặt vòng vây địch. Khi “Giờ của số thành” đã tới, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện khẩn: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Quân ta đã tấn công vào sào huyệt địch với khí thế “trúc chẻ tro bay” của hào khí Quang Trung Nguyễn Huệ. Từ thành phố Huế đến Đà Nẵng, Tây Nguyên rồi chiến trường Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, quân Giải phóng cùng các lực lượng vũ trang giải phóng địa bàn, tiêu hao sinh lực đối phương, tạo thế tiến công nhắm vào Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa” (Tố Hữu).

Chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui".
Chắc Bác đã vui lòng khi chúng con thỏa nguyện ước mơ. Chúng con càng nhớ Di chúc của Bác: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. 50 năm đất nước thống nhất, chúng con càng hiểu giá trị độc lập và tự do bao nhiêu, càng hiểu con đường ra đi cứu nước của Bác bấy nhiêu và càng thắt chặt đoàn kết. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Ta mang trong mình hành trang chiến thắng của ngày 30/4/1975 là mang sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong chặng đường bước vào kỷ nguyên mới với đích đến: Dân giàu, nước mạnh, xã hội XHCN, sánh vai với các cường quốc năm châu.