Thầy giáo chống nạng dạy chữ ở ốc đảo hơn 30 năm
Song hành cùng cây nạng mỗi giờ lên lớp từng khiến thầy Bửu mặc cảm tự ti về bản thân, giờ trở thành nguồn động lực cho nhiều thế hệ học trò phấn đấu vươn lên.
Người lái đò đặc biệt trong câu chuyện ấy là thầy Đặng Văn Bửu, giáo viên Lịch sử tại trường THCS Hưng Phong (xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Hơn 30 năm qua, vượt mọi khó khăn trở ngại cùng tình yêu nghề cháy bỏng, thầy Bửu viết lên câu chuyện thật bình dị mà đẹp rạng rỡ trong sự nghiệp trồng người của mình.
Hơn 30 năm lặng lẽ cống hiến
Thầy Đặng Văn Bửu sinh ra và lớn lên trên xã Hưng Phong - một xã đảo nhỏ, đặc biệt khó khăn thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thiên nhiên khắc nghiệt khiến người dân nơi đây phải còng lưng lao động vất vả để có cái ăn, cái mặc. Thương những giọt mồ hôi ướt trên áo cha, tiếng thở dài của mẹ khi đếm những đồng bạc lẻ còn lại sau một ngày nặng lo cơm, áo, gạo, tiền, thầy Bửu biến khó khăn thành động lực, quyết tâm học tập và vươn tới ước mơ.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, thầy Bửu viết đơn xin về quê nhà Hưng Phong dạy học. Thời điểm ấy, vùng quê này còn thiếu giáo viên. Nhiều thầy cô từ xa đến chỉ dạy 1-2 năm rồi lại luân chuyển đi, thậm chí bỏ nghề giữa chừng vì điều kiện đường sá quá bất tiện.
Thế nhưng thầy Bửu luôn nhắc nhở bản thân dù có khó khăn, vất vả mấy cũng phải quyết tâm gắn bó với nghề, cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho ngành giáo dục quê nhà.
Nhớ lại thuở mới vào nghề, để học sinh đi học đầy đủ, người thầy giáo ấy phải đến tận nơi vận động, thuyết phục gia đình: “Học sinh miền sông nước đi học lạ lắm, bữa đi, bữa nghỉ để ở nhà phụ cha mẹ làm vườn. Nhất là những ngày cận kề Tết, các em nghỉ thường xuyên học”, thầy Bửu nói.
Có những ngày bắt vội chuyến đò sang sông vận động học sinh đi học rồi lại vội vã quay về đứng lớp giảng dạy, vất vả là thế nhưng thầy chưa từng nghĩ đến việc dừng lại.
Miệt mài ươm mầm tri thức cho biết bao thế hệ học trò xã đảo Hưng Phong, thầy Bửu quên mất cả hạnh phúc riêng tư. Đến năm 2012, thầy không may bị tai nạn khiến chân phải bị thương tật vĩnh viễn. Thời điểm đó, các bác sĩ khuyên thầy cắt chân để bảo toàn tính mạng. Nghe tin dữ, thầy Bửu gần như suy sụp vì nỗi lo không thể đứng lớp.
“Thương cho mẹ khi đó phải trốn xuống gầm giường của bệnh viện để khóc nức nở vì sợ tôi thêm buồn. Nghe tiếng mẹ khóc dưới gầm giường, lòng tôi đau như dao cắt”, thầy Bửu nghẹn ngào nhớ lại. Thế rồi thầy quyết định từ chối phẫu thuật khi đã lên bàn mổ, chấp nhận số phận để tiếp tục thực hiện những dự định còn đang dang dở.
Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, thầy Bửu nói nhớ trường và học trò da diết. Chỉ cần nghe thấy bản nhạc văn nghệ chào mừng 20/11, hay tiếng trống trường giòn giã phát qua loa, khát khao được trở lại bục giảng của thầy trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Lấy đó làm động lực gắng sức phục hồi, những bước đi tập tễnh cùng sự hỗ trợ của cây nạng dần đưa thầy Bửu trở lại trường với đồng nghiệp và học sinh thân yêu.
Bao nhiêu học trò, bấy nhiêu đứa con
Những ngày đầu quay lại trường, hình ảnh người giáo viên với cây nạng khiến thầy Bửu cảm thấy tự ti. Nhà trường có kế hoạch chuyển thầy xuống làm cán bộ thư viện để đỡ vất vả trong việc di chuyển. Thế nhưng ngọn lửa nhiệt huyết với nghề khiến thầy Bửu nhanh chóng gạt bỏ mọi mặc cảm, thuyết phục lãnh đạo trường cho tiếp tục đứng lớp.
"Thời gian đầu, trường có bố trí lớp dưới tầng một, học sinh đến tiết Lịch sử sẽ di chuyển xuống học. Khi ấy tôi thấy bản thân thật phiền hà, để học sinh phải chuyển lớp, gây mất thời gian của các em nên đã cố gắng tập leo cầu thang", thầy Bửu kể lại.
Ngần ấy thời gian giảng dạy cũng là ngần ấy thời gian thầy Bửu mải mê tìm tòi, tích lũy kiến thức để truyền đạt tri thức cho bao thế hệ học trò. Theo thầy, kiến thức nếu chỉ nằm trong sách giáo khoa quả thực khô khan, vì vậy đã luôn không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thấu hiểu những thiệt thòi của thầy Bửu, nhiều thế hệ học sinh trường THCS Hưng Phong luôn biết ơn và ghi sâu vào tâm trí hình ảnh người giáo viên bước đi tập tễnh trên bục giảng, truyền cảm hứng cho học trò. Điển hình như câu chuyện của em Phạm Ngọc Thảo, học sinh lớp 8A.
Một ngày trước kỳ thi học sinh giỏi năm 2019, bệnh cũ tái phát, đầu của Thảo đau như búa bổ, khiến nữ sinh phải nghỉ học. Đến ngày thi, cơn đau lại bùng phát, Thảo gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Trong giờ phút cam go ấy, nữ sinh chợt nhớ đến thầy giáo của mình. Như có phép màu, Thảo bừng tỉnh dậy, tập trung suy nghĩ, quyết tâm làm bài và sau đó đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.
"Khi ở hoàn cảnh khó khăn nhất, hình ảnh thầy giáo với cây nạng đã biến thành động lực, tiếp cho em nghị lực phi thường, vươn lên và đạt được điều kỳ diệu”, Thảo tâm sự.
31 năm trên bục giảng, người thầy xã đảo vẫn vẹn nguyên trái tim nhiệt huyết. Dù cuộc sống riêng còn nhiều khó khăn, lo toan vất vả, nhưng thầy Bửu vẫn nguyện hoàn thành những mong ước dang dở về sự nghiệp gieo cho đời những hạt mầm tri thức tại ngôi trường THCS Hưng Phong.
Với thầy, đó chính là ngôi nhà thứ hai, nơi đã dang rộng vòng tay đón thầy trong những giây phút tuyệt vọng nhất, nơi có những người đồng nghiệp sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ, nơi đầy ắp tình cảm học trò.
"Dù tôi chưa lập gia đình, nhưng bao nhiêu học trò là bấy nhiêu đứa con mà tôi may mắn có được. Tất cả đã tiếp thêm nghị lực, để tôi đủ sức gượng dậy và tiếp tục cống hiến", thầy Bửu nghẹn ngào nói.