Thấy gì từ vụ nhân viên chính phủ Nhật say xỉn, làm mất tài liệu mật

Trong những năm gần đây, một số nhân viên chính phủ Nhật Bản đã làm mất các dữ liệu mật do say rượu, gây lo ngại về văn hóa làm việc và sự lạc hậu trong công nghệ của quốc gia này.

 Một nhân viên chính phủ Nhật đã làm mất tài liệu quan trọng sau buổi uống rượu cùng đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Một nhân viên chính phủ Nhật đã làm mất tài liệu quan trọng sau buổi uống rượu cùng đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Đôi khi, một buổi uống rượu vui vẻ có thể dẫn đến những sự cố không mong muốn. Tại Nhật Bản, điều này đặc biệt nghiêm trọng với các nhân viên chính phủ, khi có ít nhất 2 lần trong những năm qua, họ đã làm mất các tài liệu quan trọng sau khi "quá chén".

Chuyện gì đã xảy ra?

Một nhân viên Cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản đã cùng đồng nghiệp uống rượu sau giờ làm việc vào ngày 6/2 tại thành phố Yokohama, phía nam Tokyo, theo thông cáo của bộ.

Trong vòng 5 tiếng, người đàn ông này đã uống 9 cốc bia. Mãi đến khi rời nhà hàng, lên tàu và về đến nhà, anh mới phát hiện chiếc túi chứa các tài liệu quan trọng của mình đã bị mất.

Bộ Tài chính Nhật Bản đã công khai vụ việc rò rỉ thông tin và cho biết chiếc túi chứa các tài liệu hành chính, bao gồm tên, địa chỉ và tóm tắt vụ án của 187 người, trong đó có một nghi phạm liên quan đến buôn lậu ma túy.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhân viên này đã nhận các tài liệu trong cuộc họp vào buổi sáng cùng ngày. Bên cạnh đó, chiếc túi còn có máy tính xách tay công vụ với thông tin cá nhân của anh và các đồng nghiệp.

 Vào năm 2022, một sự cố tương tự đã xảy ra khi một chiếc USB chứa thông tin cá nhân của 465.177 cư dân thành phố Amagasaki bị mất. Ảnh: Stefan Boness/VISUM/Redux.

Vào năm 2022, một sự cố tương tự đã xảy ra khi một chiếc USB chứa thông tin cá nhân của 465.177 cư dân thành phố Amagasaki bị mất. Ảnh: Stefan Boness/VISUM/Redux.

Bộ Tài chính đã gửi lời xin lỗi về sự cố làm suy giảm niềm tin của công chúng, đồng thời cam kết sẽ điều tra vụ việc và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nếu cần thiết.

Bộ cũng cho biết cho đến nay, chưa có báo cáo nào về việc thông tin thất lạc đã bị sử dụng trái phép. Tính đến ngày 13/2, các tài liệu và máy tính vẫn chưa được tìm thấy.

Đây là một sự cố nghiêm trọng và không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Nhật Bản.

Vào năm 2022, một nhân viên chính phủ khác đã để mất một chiếc USB chứa thông tin cá nhân của toàn bộ cư dân thành phố Amagasaki, nằm phía tây bắc Osaka.

Người đàn ông này đã ngủ gật trên vỉa hè sau khi uống rượu tại một nhà hàng. Khi tỉnh dậy, chiếc túi chứa USB đã mất, theo báo cáo của NHK vào thời điểm đó.

Chiếc USB này chứa thông tin cá nhân của 465.177 người - tương đương toàn bộ dân số thành phố, bao gồm tên, ngày sinh và địa chỉ. Ngoài ra, USB còn lưu trữ các dữ liệu bảo mật như chi tiết thuế, số tài khoản ngân hàng và thông tin về các hộ gia đình nhận trợ cấp công, như trợ cấp nuôi con.

Văn hóa uống rượu và công nghệ lỗi thời

Mặc dù đây chỉ là những sự cố đáng tiếc, Nhật Bản từ lâu đã nổi bật với văn hóa làm việc căng thẳng và thói quen uống rượu phổ biến.

Không hiếm gặp cảnh các nhóm nhân viên trong trang phục công sở thưởng thức bia tại các quán rượu vào đêm khuya hoặc mệt mỏi ngã gục trên đường sau khi uống quá nhiều.

 Một người đàn ông say rượu ngồi trên nền ga của tuyến Yamanote ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 14/3/2004. Ảnh: Andreas Meichsner/laif/Redux.

Một người đàn ông say rượu ngồi trên nền ga của tuyến Yamanote ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 14/3/2004. Ảnh: Andreas Meichsner/laif/Redux.

Vào năm 2021, Bộ Y tế Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ lạm dụng rượu, xem đây là một “vấn đề xã hội nghiêm trọng”.

Những buổi uống rượu kéo dài không chỉ là dịp để xây dựng mối quan hệ công việc với đồng nghiệp và khách hàng, mà còn được coi là phương thức thắt chặt hợp đồng và tạo thiện cảm tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, thói quen uống rượu quá mức cũng phản ánh một phần nền văn hóa làm việc khắc nghiệt ở Nhật Bản, nơi nhân viên thường phải đối mặt với áp lực công việc lớn, thời gian làm việc dài, và mức lương ít có sự thay đổi.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực giảm bớt áp lực công việc, chẳng hạn như thông qua việc xây dựng các đạo luật ngăn ngừa tử vong và thương tích do làm việc quá giờ, và thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày cho nhân viên chính phủ ở Tokyo, nhưng những thói quen lâu dài vẫn rất khó thay đổi.

 Mặc dù chính phủ Nhật Bản đang tiến hành cải cách, nhưng sự kết hợp giữa thói quen uống rượu và việc sử dụng công nghệ lỗi thời vẫn tạo ra nguy cơ mất dữ liệu lớn. Ảnh: The Straitstimes.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản đang tiến hành cải cách, nhưng sự kết hợp giữa thói quen uống rượu và việc sử dụng công nghệ lỗi thời vẫn tạo ra nguy cơ mất dữ liệu lớn. Ảnh: The Straitstimes.

Sự kết hợp giữa văn hóa uống rượu và việc sử dụng công nghệ analog lỗi thời ở Nhật Bản đã làm gia tăng nguy cơ mất các dữ liệu quan trọng.

Các hệ thống hành chính của Nhật Bản được biết đến với việc cải cách chậm, vẫn phụ thuộc vào công nghệ và hệ thống lỗi thời. Các nhân viên tại đây vẫn sử dụng ổ cứng, tài liệu giấy và các vật dụng dễ thất lạc.

Vào năm 2018, Bộ trưởng An ninh mạng Nhật Bản đã gây bất ngờ khi tuyên bố rằng ông chưa bao giờ sử dụng máy tính, tuy nhiên sau đó ông đã phải rút lại phát biểu này do phản ứng mạnh mẽ từ công chúng.

Lỗ hổng lớn trong việc áp dụng công nghệ hiện đại đã được phơi bày trong đại dịch Covid-19, khi các nỗ lực tiêm chủng và xét nghiệm đại trà của chính phủ gặp khó khăn do sự thiếu hiệu quả của việc lưu trữ thông tin trên giấy và sử dụng hệ thống lỗi thời, theo báo cáo của Reuters.

Sau đó, chính phủ thành lập một cơ quan kỹ thuật số để cải cách các hệ thống nội bộ. Bộ trưởng kỹ thuật số mới đã phát động chiến dịch "chống đĩa mềm", loại thiết bị này chỉ được loại bỏ vào năm 2024, muộn hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác.

Cơ quan này cũng đã tập trung vào việc loại bỏ các máy fax và con dấu truyền thống, vốn thay thế cho chữ ký trong các tài liệu hành chính tại Nhật Bản.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-vu-nhan-vien-chinh-phu-nhat-say-xin-lam-mat-tai-lieu-mat-post1531758.html
Zalo