Panama trở thành mắt xích trong chính sách nhập cư cứng rắn của Mỹ
Chính quyền Panama thông báo hơn 170 người di cư bị trục xuất từ Mỹ đã đồng ý quay trở về quê hương. Thông tin được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ đưa khoảng 300 người nhập cư trái phép từ châu Á, Trung Đông và châu Phi đến Panama bằng các chuyến bay quân sự.

Khách sạn Decapolis tại Thành phố Panama đang là nơi tạm trú của những người nhập cư trái phép. Ảnh: Federico Rios/The New York Times
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng chính sách trục xuất gián tiếp khi một số quốc gia xuất xứ của người di cư không chấp nhận hoặc chỉ tiếp nhận hạn chế công dân bị trục xuất. Để đối phó với tình trạng này, Mỹ đã yêu cầu một số nước Mỹ Latinh, bao gồm Panama và Costa Rica, tiếp nhận tạm thời những người di cư trước khi tìm cách hồi hương hoặc tái định cư ở nước thứ ba.
Panama trở thành điểm trung chuyển trong chính sách trục xuất mới do vị trí địa lý đặc biệt. Quốc gia này nằm trên tuyến đường di cư chính từ Nam Mỹ tơi Mỹ, nhiều người di cư băng qua khu rừng rậm Daríen Gap để tìm đường vào lãnh thổ Mỹ.
Việc Mỹ đưa người di cư đến Panama không chỉ tạo sức ép buộc họ phải chấp nhận hồi hương mà còn khiến quá trình quay lại Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Khi khảo sát một số người nhập cư trái phép từ Iran và Trung Quốc, họ chia sẻ động lực rời quê hương vì lo sợ cho sự an toàn tính mạng.
Bộ trưởng An ninh Panama Frank Ábrego cho biết khoảng 150 người chưa đồng ý hồi hương sẽ được chuyển từ khách sạn đến trại tị nạn San Vicente gần khu rừng rậm Daríen Gap. Những người này sẽ ở lại trại cho đến khi tìm được một quốc gia thứ ba sẵn sàng tiếp nhận họ dưới diện tị nạn. Tuy nhiên, ông Ábrego cũng xác nhận rằng cho đến nay chưa có ai trong nhóm này nộp đơn xin tị nạn tại Panama.
Ông nhấn mạnh rằng việc giữ người di cư trong khách sạn là để đảm bảo an ninh và trật tự công cộng, trong bối cảnh Panama đang đối mặt với áp lực từ số lượng lớn người di cư đi qua nước này.
Trong khi chính quyền Panama khẳng định đang tuân theo các thỏa thuận quốc tế về xử lý người di cư, một số luật sư và tổ chức nhân quyền lo ngại về điều kiện giam giữ và quyền lợi của những người bị trục xuất.
Luật sư Jenny Soto Fernández, người đại diện cho một số người di cư Iran, cho biết bà đã bị chính quyền ngăn cản tiếp cận khách sạn ít nhất bốn lần, dù đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý để giúp họ xin quy chế tị nạn.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Panama Carlos Ruiz-Hernández khẳng định những người bị trục xuất không có tiền án tiền sự. Trong số hơn 170 người đã đồng ý hồi hương, khoảng 20 người dự kiến sẽ rời Panama trong tuần tới, trong đó một người đến từ Ireland đã được hồi hương thành công.
Tại cuộc họp báo, giới truyền thông cũng đặt câu hỏi về một số thông tin liên quan đến tình trạng của người di cư trong khách sạn. Khi được hỏi về một vụ tự tử trong số những người bị trục xuất, ông Ábrego cho biết ông không có thông tin về sự việc này. Ông cũng bác bỏ tin tức về một người bị gãy chân khi cố trốn khỏi khách sạn, nói rằng đó chỉ là một trường hợp bị trẹo mắt cá chân trên cầu thang.
Chính quyền Panama khẳng định họ đang phối hợp với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), để hỗ trợ những người bị trục xuất. Ông Ábrego nhấn mạnh rằng những người này không bị giam giữ mà đang được "bảo vệ" dưới sự quản lý của chính quyền Panama.
Chính sách trục xuất gián tiếp của Mỹ vẫn đang gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Trong khi một số nước Mỹ Latinh đồng ý tiếp nhận người di cư theo yêu cầu của Washington, nhiều quốc gia khác vẫn giữ lập trường cứng rắn, từ chối nhận công dân bị trục xuất. Với việc Mỹ tiếp tục gia tăng các biện pháp siết chặt nhập cư, số phận của những người di cư bị đưa đến Panama vẫn còn là một dấu hỏi lớn.