Thấy gì từ kế hoạch xây 30.000 trạm sạc tại Việt Nam của Wuling?
Các hãng xe Trung Quốc thay đổi thái độ với trạm sạc công cộng, cho thấy vai trò quan trọng của mạng lưới này trong khả năng thành/bại của hãng xe điện tại Việt Nam.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của TMT Motors, đơn vị phân phối xe điện thương hiệu Wuling đã công khai kế hoạch đầu tư tối thiểu 30.000 trạm sạc tại Việt Nam cho đến năm 2030.
Thay đổi quan điểm
Trong tài liệu hội nghị, TMT Motors công bố kế hoạch thành lập công ty đầu tư và kinh doanh trạm sạc xe điện TMT.
Cho đến năm 2030, đơn vị này sẽ tự đầu tư và liên kết với đối tác trong, ngoài nước có công nghệ sản xuất trạm sạc tiên tiến để đầu tư tối thiểu 30.000 trạm sạc, tương đương 60.000 súng sạc, theo chuẩn CCS2 hoặc các tiêu chuẩn khác dựa trên yêu cầu thực tế thị trường.
TMT Motors cho biết các trạm sạc này có công suất từ 7 kW trở lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng hoặc trang bị đầu tư theo yêu cầu của từng hãng taxi. Đơn vị này cam kết đảm bảo số lượng trạm sạc tương ứng số lượng xe mà hãng taxi đã đầu tư để các lái xe yên tâm sử dụng xe điện thuận tiện như xe nhiên liệu hóa thạch.

Wuling Bingo SUV được trang bị cổng sạc chuẩn GB/T thay vì chuẩn CCS2 phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Phúc Hậu.
Trước đó dù đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 6/2023, thương hiệu xe điện Wuling dưới sự phân phối của TMT Motors chưa từng đề cập đến khả năng xây dựng trạm sạc công cộng.
Hồi tháng 8/2024, fanpage của Wuling tại Việt Nam còn truyền tải thông điệp "Triệu trạm sạc và hơn thế nữa", trong đó nhắc đến lợi thế của xe điện đô thị Wuling Mini EV nằm ở khả năng sạc mọi nơi tại bất kỳ ổ cắm dân dụng nào.
Dù không thực sự rõ ràng, thông điệp của fanpage Wuling EV Việt Nam ở thời điểm đó như đã ngầm khẳng định quan điểm không đầu tư trạm sạc công cộng từ hãng xe Trung Quốc.

Một thông điệp truyền thông từng được Wuling EV Việt Nam đăng tải. Ảnh: Wuling EV Việt Nam.
Trước khi TMT Motors xác nhận kế hoạch đầu tư 30.000 trạm sạc công cộng, một nhà sản xuất ôtô Trung Quốc khác là Chery cũng thông qua 2 thương hiệu con Omoda và Jaecoo để ký kết hợp tác phát triển trạm sạc tại Việt Nam.
Động thái của Omoda và Jaecoo gây chú ý, bởi 2 thương hiệu này hiện không có xe thuần điện tại Việt Nam.
Omoda từng "nhá hàng" mẫu SUV chạy điện đô thị Omoda E5 tại các sự kiện lái thử, nhưng sau cùng đã chọn Omoda C5 làm cái tên duy nhất trình làng khách Việt. Tương tự, Jaecoo cũng chỉ ra mắt J7 kèm theo một phiên bản PHEV, hiện chưa có mẫu xe thuần điện nào tại Việt Nam.

Omoda C5 đang là mẫu xe duy nhất của thương hiệu Trung Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Quay trở lại với kế hoạch đầu tư trạm sạc, đối tác mà Omoda và Jaecoo lựa chọn là tập đoàn EVG và công ty Charge Plus. Theo thông tin được chia sẻ, mạng lưới trạm sạc do Omoda và Jaecoo đầu tư bao gồm các trạm sạc nhanh công suất từ 30 kW đến 360 kW, tích hợp tiện ích như ứng dụng quản lý sạc trên điện thoại.
Không nhiều hãng xe Trung Quốc lựa chọn phương án đầu tư trạm sạc công cộng tại Việt Nam. GAC Aion hay BYD, và cả Wuling thời gian đầu, đều từng nói không với đầu tư xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng khi bắt đầu hành trình chinh phục khách Việt.
BYD cùng với GAC Aion và MG chỉ bắt tay với các đơn vị phát triển trạm sạc tư nhân để cho phép xe điện của mình được sạc tại những trụ này. Các hãng cũng xây dựng trụ sạc riêng tại đại lý, biến hệ thống đại lý thành một "mạng lưới sạc công cộng" quy mô nhỏ cho khách hàng.
Tuy nhiên, điểm yếu của phương án này là khách hàng phải sử dụng nhiều ứng dụng điện thoại để sạc, hoặc khó tìm được trạm sạc khả dụng trên các chuyến hành trình dài. Tri thức - Znews đã có bài viết ghi lại hành trình xuyên Việt bằng xe điện MG4 EV, quý độc giả có thể xem thêm tại đây.

Không nhiều hãng xe Trung Quốc chọn đầu tư trạm sạc công cộng. Ảnh: Phúc Hậu.
Như một tất yếu, khách Việt sẽ không thể hài lòng nếu hạ tầng trạm sạc công cộng khó đáp ứng được nhu cầu sử dụng ôtô thuần điện.
Tình hình kinh doanh không khả quan cũng kéo theo hệ quả các đơn vị trạm sạc tư nhân dần rút lui, và vòng lẩn quẩn con gà - quả trứng về trạm sạc công cộng lại bắt đầu một chu kỳ mới.
Yếu tố định thành/bại của xe điện tại Việt Nam
Theo báo cáo "Chuyển động cùng xe điện: Bước tiến mới cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường đầy tiềm năng và phát triển bền vững" do Chợ Tốt Xe cùng KPMG và EuroCham đồng thực hiện hồi năm 2024, khoảng 21% người được hỏi đã cho rằng mức độ hoàn thiện của mạng lưới trạm sạc sẽ là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua xe điện.
Kết quả nói trên cho thấy mức độ quan tâm của khách hàng Việt dành cho mạng lưới sạc xe điện công cộng. Thực tế, thành công gần đây của một hãng xe điện nội địa tại Việt Nam có phần không nhỏ nhờ sự phát triển hoàn thiện của mạng lưới trạm sạc công cộng.

VinFast thành công một phần nhờ mạng lưới trạm sạc công cộng rộng lớn. Ảnh: VinFast.
Năm ngoái, VinFast bán được hơn 87.000 xe điện cho khách Việt, đánh dấu lần đầu tiên thị trường ôtô Việt Nam có một hãng xe thuần điện sở hữu doanh số cao nhất năm.
Bước sang năm 2025, hãng này tiếp tục là cái tên tạm dẫn đầu thị trường với hơn 35.100 xe trong quý đầu năm.
Bên cạnh dải sản phẩm khá hoàn chỉnh, mức độ hoàn thiện của trạm sạc công cộng cũng được xem là yếu tố không nhỏ đóng góp vào thành công của VinFast.
Hiện, khách hàng sử dụng xe điện VinFast có thể độc quyền tiếp cận mạng lưới sạc công cộng V-GREEN với quy hoạch hơn 150.000 cổng sạc đa dạng công suất được bố trí rải rác trên toàn quốc.
Vai trò quan trọng của trạm sạc công cộng với VinFast tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng xe Trung Quốc.
TMT Motors nhận ra cần phải quan tâm nhiều hơn đến mảng này khi phân phối xe điện Wuling. Omoda và Jaecoo thì chọn cách phát triển hạ tầng sạc trước cả khi mang về các mẫu xe điện như Omoda E5 và Jaecoo J6.

Trạm sạc công cộng là yếu tố không nhỏ quyết định thành/bại của bất kỳ hãng xe điện nào tại Việt Nam. Ảnh: Phúc Hậu.
Nhìn chung, cú "quay xe" của TMT Motors hay động thái chuẩn bị khá thận trọng từ Omoda và Jaecoo được cho là sẽ giúp khách Việt có lý do để an tâm hơn khi chọn sử dụng ôtô điện của các hãng này.
Các hãng xe còn lại gồm BYD hay sắp tới là Zeekr của Geely cũng có thể sẽ có những hành động tương tự để không bị bỏ lại phía sau.
Thị trường xe điện Việt Nam vì thế đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng thương hiệu, mẫu xe lẫn mức độ hoàn thiện của hệ thống trạm sạc công cộng.
Tất nhiên VinFast đã đi trước và chiếm lợi thế, những hãng đi sau vì thế không hề dễ dàng đạt được thành công nếu như không đầu tư đủ mạnh cả về trạm sạc lẫn yếu tố thương hiệu và dịch vụ.