Thấy gì từ cách tiếp cận mới của các hãng xe Trung Quốc?

Nhiều hãng xe Trung Quốc cho thấy sự thận trọng khi tiếp cận thị trường Việt thông qua tổ chức nhiều buổi lái thử, thậm chí thăm dò khá lâu trước khi ra mắt xe, công bố giá bán.

Làn sóng ôtô Trung Quốc bắt đầu tràn vào Việt Nam mạnh mẽ từ năm 2024. Trong năm ngoái, thị trường Việt đã có thêm một số lựa chọn thương hiệu ôtô mới từ quốc gia tỷ dân, bao gồm Lynk & Co, BYD, Omoda, GAC và thương hiệu xe điện Aion.

Đầu năm 2025, khách Việt đã chào đón sự xuất hiện của Jaecoo, chuẩn bị có thêm Geely và thương hiệu xe điện hạng sang Zeekr cũng sắp ra mắt.

Sự thận trọng

Sau Volvo và Lynk & Co, một thương hiệu ôtô khác của tập đoàn Geely là Geely Auto đã xác nhận sẽ sớm ra mắt chính thức tại Việt Nam.

Hãng cũng thông báo bắt đầu nhận cọc Geely Coolray - mẫu xe đầu tiên của thương hiệu tại Việt Nam, đồng thời sẽ tổ chức các buổi lái thử cho khách hàng từ ngày 22/2 tới đây.

 Geely sẽ tổ chức các buổi lái thử Coolray cho khách hàng Việt, trước khi chính thức ra mắt. Ảnh: Geely.

Geely sẽ tổ chức các buổi lái thử Coolray cho khách hàng Việt, trước khi chính thức ra mắt. Ảnh: Geely.

Như vậy, giống với nhiều hãng xe đồng hương khác, Geely Auto cũng tỏ ra tương đối thận trọng khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Thay vì tuân theo quy trình nhá hàng - nhận cọc - ra mắt chính thức - tổ chức lái thử tại đại lý, nhiều hãng xe Trung Quốc tạo điều kiện cho khách Việt được cầm thử vô lăng các mẫu xe ngay từ trước thời điểm ra mắt.

Chẳng hạn, thương hiệu Omoda thuộc tập đoàn Chery đã tổ chức buổi lái thử Omoda C5 cho giới truyền thông từ cuối năm 2023.

Đơn vị phân phối cũng tiến hành thêm nhiều buổi trưng bày, lái thử cho cả Omoda C5 và Jaecoo J7 tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam trước khi chính thức ra mắt và công bố giá bán cho 2 mẫu SUV này trong giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay.

Nhiều hãng xe Trung Quốc chọn tổ chức lái thử cho khách Việt để thăm dò, định giá bán phù hợp. Ảnh: Vĩnh Phúc, Phúc Hậu.

Nhiều hãng xe Trung Quốc chọn tổ chức lái thử cho khách Việt để thăm dò, định giá bán phù hợp. Ảnh: Vĩnh Phúc, Phúc Hậu.

BYD cũng từng tổ chức liên tục nhiều buổi lái thử với quy mô lớn, nhỏ khác nhau cho khách Việt từ giữa tháng 6/2024, trước khi chính thức ra mắt vào giữa tháng 7 cùng năm. Ba mẫu xe đầu tiên của BYD tại Việt Nam là Dolphin, Atto 3 và Seal, tất cả đều có mặt đầy đủ trong các buổi lái thử.

Còn với GAC Aion, thương hiệu xe điện thuộc tập đoàn GAC đã thăm dò thị trường từ khá lâu, dù chưa từng tổ chức các buổi lái thử. Showroom tại quận 7 (TP.HCM) thậm chí cũng đã được xây dựng xong nhưng phải đến giữa tháng 10/2024, GAC Aion mới chính thức ra mắt khách Việt bằng 2 mẫu xe đầu tiên là Y Plus và ES.

Lo ngại những thất bại

Sự thận trọng của các hãng xe Trung Quốc là dễ lý giải. Ở nơi tâm lý khách hàng vẫn còn có phần e dè với những sản phẩm ôtô Trung Quốc do các sự kiện trong quá khứ, việc các hãng xe Trung Quốc phải tiến hành thăm dò kỹ lưỡng gần như là điều hiển nhiên.

Thông qua các buổi lái thử, khách hàng Việt sẽ có cơ hội kiểm chứng phần nào chất lượng của các mẫu xe Trung Quốc. Nhiều hãng tổ chức các đường lái thử khá công phu, giúp khách Việt được trải nghiệm xe ở nhiều điều kiện vận hành khác nhau.

Cũng tại các buổi lái thử này, hãng cũng sẽ nhận được phản hồi ban đầu của khách hàng về chất lượng xe, cũng như kỳ vọng về mức giá đối với từng dòng xe khi ra mắt.

 Lái thử giúp khách hàng có cơ hội trải nghiệm chất lượng xe. Ảnh: Phúc Hậu.

Lái thử giúp khách hàng có cơ hội trải nghiệm chất lượng xe. Ảnh: Phúc Hậu.

Chẳng hạn, trong bảng khảo sát sau buổi lái thử hồi tháng 6/2024, BYD từng đưa ra 3 khoảng giá để khách hàng lựa chọn dành cho BYD Dolphin, gồm 650-700 triệu, 700-750 triệu và 750-800 triệu đồng.

Không rõ tỷ lệ phản hồi mà hãng xe Trung Quốc thu về, nhưng đến khi ra mắt, BYD Dolphin được công bố giá bán ở mức 659 triệu đồng, tức thuộc khoảng giá thấp nhất mà BYD cung cấp.

Các mẫu xe Trung Quốc ra mắt gần đây như Omoda C5, Jaecoo J7 cũng nhận được phản hồi tương đối tích cực về giá bán. Phần đông khách hàng nhận định giá bán của bộ đôi SUV là phù hợp với những gì từng được trải nghiệm trong các buổi lái thử.

Trường hợp của Lynk & Co 06 có phần khác biệt hơn. Dải sản phẩm ban đầu của Lynk & Co là những dòng xe có giá hàng tỷ đồng, gần như tách biệt khỏi thị trường ôtô phổ thông tại Việt Nam.

 Lynk & Co 06 có giá bán dễ tiếp cận nhất và nhanh chóng trở thành mẫu xe chủ lực doanh số của thương hiệu. Ảnh: Phúc Hậu.

Lynk & Co 06 có giá bán dễ tiếp cận nhất và nhanh chóng trở thành mẫu xe chủ lực doanh số của thương hiệu. Ảnh: Phúc Hậu.

Ra mắt Việt Nam từ cuối năm 2023 nhưng phải đến cuối tháng 6/2024, Lynk & Co mới trình làng 06, định vị trong phân khúc SUV cỡ B kèm giá bán 729 triệu đồng.

Mẫu xe này ngay lập tức trở thành sản phẩm chủ lực doanh số của Lynk & Co nhờ giá bán không quá chênh lệch các đối thủ đồng hạng. Ngoại hình của xe cũng được đánh giá là khác biệt so với mặt bằng chung, còn chất lượng nội thất hay lượng trang bị an toàn của 06 cũng nhận về nhiều phản hồi tích cực.

Xe Trung Quốc đã có vị thế?

Dẫu vậy, không phải sự thận trọng nào cũng mang lại "quả ngọt" cho xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Bộ đôi xe điện Y Plus và ES của GAC Aion với giá bán lần lượt 788 triệu và 888 triệu đồng được đánh giá không phải là lựa chọn quá hấp dẫn với khách Việt.

MG4 EV ra mắt Việt Nam với 2 phiên bản kèm giá bán 828-948 triệu đồng cũng chưa được xem là một mẫu SUV điện cỡ B đáng mua tại Việt Nam.

Không phải mẫu xe Trung Quốc nào cũng sở hữu giá bán "được lòng" khách Việt. Ảnh: Đan Thanh.

Không phải mẫu xe Trung Quốc nào cũng sở hữu giá bán "được lòng" khách Việt. Ảnh: Đan Thanh.

Gần đây, xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng Dongfeng Box EV sẽ có giá bán khoảng 550 triệu đồng tại Việt Nam. Dù có giá bán tương đối cạnh tranh khi đặt cạnh BYD Dolphin (659 triệu đồng), mẫu hatchback điện cỡ B của Dongfeng không nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng, chủ yếu do vấn đề thương hiệu.

Còn với trường hợp Haval H6, mẫu SUV cỡ C trang bị hệ truyền động hybrid từng chào sân khách Việt với giá 1,096 tỷ đồng. Sau thời gian tương đối khó khăn, Haval H6 được điều chỉnh giá bán về mức 986 triệu đồng, nhìn chung vẫn chưa phải là mức giá thật sự hấp dẫn so với các mẫu xe cùng phân khúc.

Những màn ra mắt thành công hoặc chưa thực sự như kỳ vọng của ôtô Trung Quốc giai đoạn gần đây cho thấy thay vì bày tỏ thái độ cực đoan, khách Việt vẫn sẵn sàng "mở lòng" với sản phẩm ôtô từ ngành công nghiệp quốc gia tỷ dân.

 Khách Việt không quá cực đoan với ôtô Trung Quốc. Ảnh minh họa: Phúc Hậu.

Khách Việt không quá cực đoan với ôtô Trung Quốc. Ảnh minh họa: Phúc Hậu.

Tuy nhiên, giá bán của xe Trung Quốc phải thật sự cạnh tranh, hoặc mẫu xe đó phải sở hữu thiết kế đột phá, đi kèm trang bị hiện đại để đủ sức thuyết phục khách Việt vượt qua rào cản định kiến.

Riêng với xe điện, một trong những trở ngại lớn nhất vẫn là hệ thống trạm sạc công cộng. Nếu có thể giải quyết tốt nhu cầu sạc cho khách hàng, nhóm ôtô thuần điện thương hiệu Trung Quốc sẽ có thể tìm được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam.

Nhìn chung những bước đi thận trọng của các hãng xe Trung Quốc là có cơ sở, khi thị trường Việt Nam tỏ ra quá khác biệt so với những nơi mà xe Trung Quốc dễ dàng gặt hái thành công, như tại Thái Lan hay Malaysia. Tìm hiểu khách hàng và đưa ra mức giá hợp lý là điều cần thiết trước khi ra mắt một mẫu xe tại Việt Nam.

Tuy nhiên sự thận trọng cũng là con dao hai lưỡi, khi nó khiến nhiều mẫu xe Trung Quốc khá chậm trong việc ra mắt, mất đi lợi thế về tốc độ trên thị trường, và đôi khi thời điểm ra mắt xe còn cận kề với việc thế giới đã có phiên bản mới.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-cach-tiep-can-moi-cua-cac-hang-xe-trung-quoc-post1532771.html
Zalo