Thấy gì từ bức tranh lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp thủy sản?

Quý I/2025, ngành thủy sản Việt Nam phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu tăng 26%, đạt 2,45 tỷ USD. Kéo theo đó, các doanh nghiệp cũng đang tất bật chuẩn bị đơn hàng khi thuế đối ứng đang tạm hoãn 90 ngày.

Doanh nghiệp cá tra tăng trưởng tích cực

CTCP Nam Việt (Navico, mã: ANV) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu tăng tới 36%, đạt 812 tỷ đồng, chiếm 73% tổng doanh thu trong kỳ. Ngược lại, doanh thu tại thị trường nội địa của Thủy sản Nam Việt giảm 30%, còn khoảng 294 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận của Thủy sản Nam Việt trong quý I cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt trên 20%. Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh cùng thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty thu về 132 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất của Thủy sản Nam Việt trong 11 quý trở lại đây và cao hơn nhiều so với mức lãi 48 tỷ đồng của cả năm 2024; theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã tăng mạnh lên mức 268 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lý giải kết quả này là nhờ thị trường đã có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn suy giảm của các năm trước đó, dẫn đến sản lượng tăng và giá bán cũng tăng.

Dự kiến 6 tháng đầu năm nay Thủy sản Nam Việt có thể lãi 300 tỷ đồng và cả năm 2025 lên đến 500 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ 2025, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Nam Việt cho biết: "Đơn hàng xuất khẩu của Nam Việt đang rất dồi dào, sản xuất không kịp".

Mới đây, để trấn an cổ đông trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng cao với Việt Nam, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của Nam Việt khẳng định: Mỹ không phải là thị trường trọng tâm của Navico hiện tại. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Thủy sản Nam Việt vẫn là Trung Quốc, Trung Đông, Brazil, châu Á và Mexico. Tuy nhiên, ông Tới cũng nhìn nhận Mỹ là thị trường tiềm năng trong tương lai, đặc biệt với hai dòng sản phẩm chiến lược là cá tra và cá rô phi.

Thủy sản Nam Việt sẽ tập trung mở rộng thị phần ở các thị trường hiện có, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất và đẩy mạnh tự động hóa các khâu chế biến, nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh trong năm 2025.

 Doanh nghiệp cá tra ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quý I. Ảnh: VGP.

Doanh nghiệp cá tra ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quý I. Ảnh: VGP.

Cùng ngành hàng, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (mã: VHC) cũng ghi nhận bức tranh sáng trong quý đầu năm. Theo đó, doanh thu đạt 2.648 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tăng từ 9,3% lên 12,7%, giúp lợi nhuận gộp tăng gần 27% lên 337 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đã chủ động điều tiết sản lượng để ứng phó giá nguyên liệu tăng, đồng thời chọn lọc đơn hàng nhằm giữ biên lợi nhuận.

Sau khi trừ các chi phí, Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế quý I đạt gần 211 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bán cải thiện, trong khi chi phí nuôi cá lại giảm.

Sang quý II, doanh nghiệp cho biết vẫn giữ được nhịp xuất khẩu sang Mỹ bất chấp thông tin thuế đối ứng. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Ngô Vi Tâm, nhiều đơn vị đang tranh thủ đẩy hàng trước khi thuế mới có hiệu lực, còn các thị trường khác vẫn ổn định. Thách thức lớn nhất hiện tại là thiếu cá đủ kích thước do nguồn cung hạn chế.

Liên quan đến vấn đề thuế quan, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết, doanh nghiệp không bi quan mà vẫn khá lạc quan về xuất khẩu sản phẩm chủ lực cá tra sang thị trường Mỹ.

Vĩnh Hoàn khẳng định xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng 9-10% trong năm nay, điều này là nhờ các loại cá thịt trắng khác suy giảm. Cá tra đang chiếm thêm thị phần cá minh thái do lệnh cấm đối với Nga, hay cá tuyết ở phân khúc cao hơn và bị hạn chế đánh bắt.

Lãnh đạo công ty cho biết thêm vẫn lạc quan về việc thực hiện tốt hơn kế hoạch, phụ thuộc khả năng chấp nhận của người tiêu dùng Mỹ với mức giá cao hơn và phụ thuộc sức mạnh nền kinh tế. Các khách hàng Mỹ vẫn có sức tiêu thụ tốt, mong muốn công ty nuôi cá lớn nhanh để tăng xuất khẩu.

KQKD nhóm doanh nghiệp tôm phân hóa

CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) mới công bố BCTC quý I/2025 với doanh thu thuần tăng vọt 36% lên 1.990 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh lên 127 tỷ đồng, tuy nhiên biên lợi nhuận đã giảm từ 6,6% về 6,4%.

Chi phí bán hàng tăng đột biến lên 88 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ khiến Sao Ta chỉ còn lãi sau thuế 38 tỷ đồng, giảm tới 33% so với kết quả quý I/2024 và là mức thấp nhất từ năm 2021 đến nay.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC cho biết, có 2 nguyên nhân chính tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh của Sao Ta. Một là giá tôm nguyên liệu trong nước duy trì ở mức cao, tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, kéo dài thời gian nuôi, làm tăng chi phí sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận.

Cùng đó, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ (thị trường có biên lợi nhuận thấp nhất) còn lớn. FMC duy trì đơn hàng sang Mỹ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động và giữ nhịp sản xuất, dòng tiền trong bối cảnh các thị trường khác còn trầm lắng.

Nguyên nhân thứ hai là công ty con Khang An năm 2024 đóng góp lợi nhuận lớn (240 tỷ đồng) nhờ chiến lược dự trữ nguyên liệu giá rẻ hiệu quả. Tuy nhiên, lợi thế này không còn trong năm 2025 do nguồn cung không đủ để dự trữ. Do đó, kế hoạch lợi nhuận 2025 của Khang An giảm còn 160 tỷ đồng, FMC công ty mẹ dự kiến đóng góp 260 tỷ đồng để đạt mục tiêu hợp nhất 420 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả đạt được trong quý đầu năm, Sao Ta mới thực hiện được gần 9% về chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong khi đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) lãi tăng mạnh nhờ tiết giảm chi phí bán hàng.

Cụ thể, doanh thu Mĩnh Phú quý I đạt 2.847 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí bán hàng tới 34% (chủ yếu là khoản chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác) đã giúp lợi nhuận tăng tới 157% (tương đương hơn 10 tỷ đồng), lên gần 18 tỷ đồng.

Vài doanh nghiệp khác thuộc nhóm thủy sản, ở quy mô nhỏ hơn, có kết quả đáng ghi nhận như Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã: ACL), Nông nghiệp Hùng Hậu (mã: SJ1) hay Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã: ABT) lần lượt có lãi ròng đạt 2,3 tỷ đồng (+21%), 3,9 tỷ đồng (+77%) và 11,2 tỷ đồng (+21%).

Đáng chú ý, CTCP Kiên Hùng (mã: KHS) chuyển từ lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng cùng kỳ sang lãi gần 6 tỷ đồng trong quý I. Trái lại, Thủy sản MeKong (mã: AAM) chuyển từ lãi thành lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thay-gi-tu-buc-tranh-loi-nhuan-quy-i-cua-cac-doanh-nghiep-thuy-san.html
Zalo