Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số
Với đặc điểm có tới gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%, huyện Hướng Hóa đang tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN). Đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm gia tăng năng lực sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.
Ghé thăm gia đình ông Hồ Văn Bồng, ở thôn Cheng, xã Hướng Phùng khi trời đã về chiều, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp người đàn ông bị cụt một chân, một tay chống nạng, tay còn lại thoăn thoắt nhổ cỏ lúa ở mảnh ruộng trước nhà.
Ông Bồng rất vui khi có người hỏi chuyện trồng lúa, giống lúa mới TBR97, TBR 225 được Đồn Biên phòng Hướng Phùng phối hợp với UBND xã triển khai mô hình chuyển đổi giống cây trồng năng suất, chất lượng cao cho các hộ dân trong xã.
Ông Bồng nói: “Trước đây, nhà tôi trồng 20 sào lúa nước, không áp dụng kỹ thuật, giống cũ nên năng suất thấp, không đủ gạo ăn. Mô hình sản xuất giống lúa mới này, bộ đội vận động 2 hộ dân là ông Phoi và ông Khưn, ở thôn Bụt Việt làm thử nghiệm 10 sào, thấy có hiệu quả nên bà con tin tưởng làm theo. Được bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật, làm cùng bà con, năng suất vụ mùa cao, giờ đây người dân đã trồng lúa 2 vụ/năm thay vì làm một vụ như trước đây, chúng tôi phấn khởi lắm”.
Với đặc điểm tối ưu về kháng sâu, bệnh, chịu đựng tốt sự khắc nghiệt của khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, nên ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, 2 giống lúa mới này đã cho năng suất trên 300kg/sào, cao gần gấp đôi giống lúa cũ.
Trung tá Hồ Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Phùng chia sẻ: “2 năm qua, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã nhân rộng mô hình trồng cà phê hữu cơ và mô hình đưa vào sản xuất giống cây trồng năng suất, chất lượng cao tại các thôn trên địa bàn xã, ủng hộ gần 1 tấn giống ngô và giống lúa cho Nhân dân sản xuất. Nhờ đó đã thay đổi được phương thức sản xuất truyền thống, góp phần cải thiện đời sống của người đồng bào DTTS”.
Xã Hướng Phùng có 1.628 hộ, 6.126 khẩu, trong đó người DTTS là 823 hộ, 3.092 khẩu. Toàn xã có 210 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 12,9%, 238 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 14,6%, trong đó đối với người DTTS có 190 hộ nghèo, 181 hộ cận nghèo. Từ khi có sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, số hộ thoát nghèo tăng lên và hạn chế tái nghèo.
Triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xã Hướng Phùng đã cấp bò lai sind sinh sản có máu ngoại từ 25% - 50% cho người dân các thôn Cổ Nhổi, Chen, Cợp, Xa Ry, Bụt Việt, Chênh Vênh, Hướng Hải và Hướng Choa.
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, bằng việc huy động các nguồn lực từ các chương trình MTQG, công tác giảm nghèo của địa phương đạt được kết quả rõ rệt. Cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã 26,29%, đến hiện tại tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 12,9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 17 triệu đồng, đến nay đạt 25 triệu đồng/người/ năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người người DTTS năm 2021 đạt 13 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 19 triệu đồng/người/năm.
Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao, đáp ứng mục tiêu và hiệu quả từng nội dung, dự án, tiểu dự án. Thông qua chương trình đã nhận thức rõ hơn về những giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương. Việc tổ chức lồng ghép, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn góp phần quan trọng đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững và lâu dài.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, triển khai các mô hình, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ trang thiết bị máy móc vào sản xuất nông nghiệp... đã góp phần thay đổi phương thức phát triển sản xuất tại địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân.
Từ thực tiễn cho thấy, hầu hết các hộ đồng bào DTTS còn gặp những khó khăn nhất định, không có vốn làm ăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, phát huy và sử dụng có hiệu quả đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp đã tác động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới và cộng đồng, thôn bản ngày một phát triển, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.