Thêm trợ lực cho doanh nghiệp

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ đầu năm đến nay có một số dấu hiệu tích cực, song hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức lớn. Do đó cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tham gia trưng bày sản phẩm tại các chương trình triển lãm thương mại giúp doanh nghiệp Phú Yên tiếp cận với thị trường cả nước. Ảnh: NHƯ THANH

Tham gia trưng bày sản phẩm tại các chương trình triển lãm thương mại giúp doanh nghiệp Phú Yên tiếp cận với thị trường cả nước. Ảnh: NHƯ THANH

Tỉ lệ doanh nghiệp giải thể tăng

Theo Sở KH&ĐT, tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 390 DN, với số vốn đăng ký 2.664,9 tỉ đồng (giảm 9,5% về số DN và giảm 46,7% về số vốn so với cùng kỳ). Trong đó, toàn tỉnh cũng ghi nhận 316 DN tạm ngừng hoạt động (giảm 0,63% so với cùng kỳ) nhưng lại có 162 DN giải thể (tăng 78,02% so với cùng kỳ năm ngoái). Điều đó cho thấy các DN đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do nền kinh tế cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng đang chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa biến động mạnh, sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn... Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh đa số là DN vừa và nhỏ, có một số hạn chế về nguồn vốn và năng lực quản lý DN trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục và cạnh tranh về công nghệ gay gắt như hiện nay.

Tại buổi đối thoại mới đây giữa Sở Xây dựng và các DN liên quan, nhiều DN đã nêu lên các khó khăn nhất định. Ông Hồ Ngọc Ngự Giang, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Đắc Hòa cho biết: Công ty đang thi công nhiều công trình tại huyện Sơn Hòa, Sông Hinh… Tuy nhiên, nguồn vật liệu xây dựng cho công trình xây dựng dân dụng khá khan hiếm. Đơn vị thi công phải di chuyển liên huyện với quãng đường khá xa để mua được cát, đá có hóa đơn; giá lại cao hơn đơn giá vật liệu mà cơ quan chức năng công bố rất nhiều. Điều này gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho DN.

Không ngừng đổi mới giải pháp

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, DN làm trung tâm, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của DN.

Cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp DN phát triển, trong đó có DN vừa và nhỏ để loại hình DN này có khả năng vươn lên và phát triển; khuyến khích cơ chế DN lớn hỗ trợ, thúc đẩy DN nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Tại Phú Yên, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để kịp thời gỡ khó cho DN. Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: Các đơn vị thực hiện hỗ trợ cho DN về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất theo quy định; hỗ trợ công nghệ, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành. Song song với đó, các cấp, ngành, chính quyền địa phương còn tích cực hỗ trợ DN trưng bày các sản phẩm tại hội chợ trong và ngoài tỉnh; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm quảng bá, kết nối giao thương đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

“Các chương trình hỗ trợ luôn được đổi mới để phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, để tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực sẵn có, DN cần phát huy tinh thần tự chủ và phản ứng linh hoạt trước hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như lãnh đạo DN cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới để gia tăng kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc chủ động tìm kiếm, hợp tác với đối tác nước ngoài cũng là một gợi ý đáng quan tâm nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quốc tế với độ mở và năng lực cạnh tranh cao”, ông Phúc chia sẻ.

Các chương trình hỗ trợ luôn được đổi mới để phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, để tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực sẵn có, DN cần phát huy tinh thần tự chủ và phản ứng linh hoạt trước hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/431/323231/them-tro-luc-cho-doanh-nghiep.html
Zalo