Bài 3: Giúp người nghèo đổi đời

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX xác định: 'Đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với Đề án phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14'. Trong những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ là kênh hiệu quả giúp giảm nghèo mà còn góp phần thiết thực vào xây dựng NTM ở nhiều xã vùng cao của tỉnh.

Bài 1: Tổng lực xóa nghèo

20/11/2024 07:05

Bài 2: Phát huy nội lực của người dân

21/11/2024 07:07

Số hộ nghèo giảm

Học hết lớp 12, em Hoàng Thu Hiền (sinh năm 2005, xóm Đồng Bài, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) lập tức đăng ký học khóa tiếng Nhật và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Năm 2019, Tràng Xá là một trong số xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của bà con, trong 5 năm qua xã có trên 700 hộ thoát nghèo, bình quân giảm 7%/năm. Hiện xã còn 5 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó xóm Đồng Bài hiện còn 8/67 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo.

Ông Hoàng Văn An, Trưởng xóm Đồng Bài cho biết, do điều kiện tự nhiên, đất canh tác ít, nước sản xuất khó khăn nên trồng ngô cũng kém phát triển, nhiều hộ không trồng được lúa. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao còn vì mấy năm vừa qua do dịch bệnh tràn qua “quét sạch” đàn trâu và đàn lợn của xóm, hiện tại chỉ chăn được số ít con gà để cải thiện, vấn đề thu nhập của người dân rất nan giải.

 Người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Ngày hội việc làm năm 2024

Người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Ngày hội việc làm năm 2024

Gia đình em Hiền thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ em sức khỏe yếu nên dù chăm chỉ làm vườn bãi và đi làm thuê, vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống. Tại chương trình tư vấn việc làm được tổ chức tại địa phương, em Hiền và gia đình đã chọn hướng xuất khẩu lao động với hy vọng sẽ bớt nghèo. Sau thời gian 5 tháng học tiếng, đầu năm 2024 em đã được công ty thực phẩm ký hợp đồng lao động 3 năm sau đó gia hạn tiếp.

Từ tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), trao đổi qua điện thoại, em Hiền tâm sự, công việc làm bánh không vất vả lắm, điều kiện làm việc và sinh hoạt rất tốt, thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, em đã gửi được tiền về hỗ trợ gia đình. Tuy lần đầu xa gia đình, vừa phải tự lo toan cuộc sống vừa bảo đảm tuân thủ kỷ luật lao động nhưng em rất vui vì có công việc phù hợp, có thu nhập xứng đáng để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Từ số tiền Hiền gửi về, bố mẹ em cũng đã đầu tư trồng gần 3 sào dưa chuột bao tử. Ước mơ của em là gia đình mua được một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu và có thể giúp bố mẹ sửa nhà trong vài năm tới.

Hiện, xóm Đồng Bài có khoảng 10 trường hợp đang học tập và lao động tại nước ngoài, ông An cho biết, những người lao động có tinh thần quyết tâm cao, chịu khó lao động, tiết kiệm gửi tiền về cho gia đình, các hộ nghèo sau thời gian có con em đi xuất khẩu lao động đều đã có thu nhập, cuộc sống dần ổn định.

Tại xã vùng sâu, vùng xa Thượng Nung, 98,5% dân số là người dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,46%, hộ cận nghèo chiếm 11,24%.

Ông Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cụm nhà sàn đẹp nhất xã là của hai chị em Lương Thị Phượng, Lương Thị Hải Yến do đi xuất khẩu lao động gửi tiền về phát triển kinh tế. Bình quân mỗi năm xã có 8 - 10 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc… chưa có trường hợp nào chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trước đây bà con thường có tâm lý không muốn đi xa làm việc, ngại tiếp cận những điều kiện mới, phần khác là gánh nặng tài chính như chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe… Nhưng nay, họ được hỗ trợ rất nhiều, chỉ riêng về vốn ưu đãi, mỗi trường hợp xuất khẩu lao động có thể được vay đến 100 triệu đồng. Một số gia đình trẻ đã gửi con lại cho ông bà để đi xuất khẩu lao động, như vợ chồng Lý Văn Hồng ở xóm Lũng Hoài, vợ chồng Lý Văn Đại, vợ chồng Lương Thị Chang… Hầu hết số lao động đều là nông dân, trình độ văn hóa thấp, nhưng theo phản hồi của các gia đình thì môi trường lao động tương đối ổn định, thu nhập tốt, gửi tiền về đều đặn, cái khó nhất đối với họ là việc học tiếng phải đạt yêu cầu mới được chọn đi.

Đối với Thượng Nung, so với lao động trong nước và một số mô hình phát triển kinh tế tại địa phương thì xuất khẩu lao động là giải pháp rất hiệu quả tại thời điểm này để nâng cao thu nhập nhằm giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022 xã giảm được 8,46% số hộ nghèo, năm 2023 giảm 8,8%, sơ bộ năm nay giảm 10%. Xã vừa đạt thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/người/năm và đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ người lao động học nghề

Bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng LĐ, TB - XH huyện Võ Nhai chia sẻ, huyện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, triển khai văn bản đến UBND các xã, thị trấn và đã tuyên truyền cho người lao động và Nhân dân bằng nhiều hình thức về hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng năm, huyện tổ chức các cuộc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền tại cơ sở và tổ chức ngày hội việc làm cho thanh niên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội thi "Rung Chuông vàng" với nhiều nội dung về hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài được tổ chức tại một số trường phổ thông trên địa bàn đã tuyên truyền rất hiệu quả. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện có người đi XKLĐ.

Theo thông tin từ Sở LĐ, TB - XH, Thái Nguyên hiện có trên 6.500 người lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại: Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Hungary;… tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất - chế tạo, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, xây dựng. Họ được tham gia và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trước khi làm thủ tục xuất cảnh nên không bị bỡ ngỡ, nhanh chóng bắt nhịp với yêu cầu công việc của nơi tiếp nhận lao động. Người lao động Thái Nguyên được các đơn vị sử dụng lao động nước ngoài đánh giá cao về năng lực làm việc, kỹ năng nghề. Bình quân hằng năm toàn tỉnh có hàng chục nghìn người được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề, định hướng học nghề. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 73%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 36%.

Hằng năm tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm để đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài... Thời gian vừa qua, số lượng đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, thu nhập của người lao động và gia đình cải thiện đáng kể.

Thành Đồng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-3-giup-nguoi-ngheo-doi-doi-post397354.html
Zalo