Thay đổi trong xét tuyển nhóm ngành Y Dược, Sư phạm

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến áp dụng một mức điểm sàn cho nhóm ngành Y Dược và Sư phạm. Theo đó, thí sinh phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ mức tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.

Đối với một số ngành có điểm sàn thấp hơn, ở mức từ 6,5 điểm trở lên gồm: Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều Dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Dự kiến mức điểm sàn nói trên sẽ áp dụng với cả phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trước đây, Bộ đưa ra mức sàn riêng cho hai nhóm này, tính theo tổ hợp ba môn.

Lý giải điều này, đại diện Bộ GDĐT cho biết, mức điểm sàn hiện nay là thí sinh chỉ cần xếp loại học lực giỏi hoặc khá ở lớp 12. Với dự thảo mới, việc quy định điểm sàn ở cả 3 năm cao hơn mức điểm sàn hiện nay nhằm đảm bảo tối ưu và công bằng giữa các nhóm thí sinh trong công tác tuyển sinh 2025. Đồng thời, quy định này được kỳ vọng sẽ tạo tác động tích cực trở lại cho quá trình dạy và học ở bậc THPT vì kết quả sử dụng là cả 3 năm học.

Trước đó, tại cuộc họp với các ĐH phía Nam cuối tháng 11/2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT) cho biết mức điểm sàn trước đây không bám sát yêu cầu về chất lượng mà hàng năm tính toán rất vất vả. Thực tế, với nhiều trường ở tốp đầu, ngưỡng điểm sàn mà Bộ GDĐT đưa ra luôn còn một khoảng cách rất xa so với điểm trúng tuyển, nhất là những ngành có mức độ cạnh tranh cao như Y khoa, Răng Hàm Mặt…

Việc Bộ GDĐT dự kiến bỏ ngưỡng điểm thi tốt nghiệp THPT, chỉ dùng tiêu chí kết quả học tập và điểm xét tốt nghiệp để làm mức sàn nhận hồ sơ xét tuyển đối với 2 nhóm ngành Sư phạm và Y Dược đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) căn cứ vào điểm sàn 6-7 năm qua Bộ GDĐT đã quy định cho 2 nhóm ngành này có thể thấy, có những trường có chênh lệch lớn giữa điểm sàn Bộ đưa ra, điểm sàn trường công bố và điểm chuẩn trúng tuyển cuối cùng.

Đối với nhóm ngành Y Dược, các trường đào tạo Y khoa hàng đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM không sử dụng học bạ để xét tuyển. Các trường này chỉ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp, hoặc kết hợp điểm thi với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trong khi đó, một số trường đã sử dụng phương thức xét học bạ như ĐH Y tế công cộng, ĐH Đại Nam, ĐH Y Dược thuộc ĐH Đà Nẵng, ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương… Đơn cử, Trường ĐH Đại Nam có điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo phương thức xét học bạ THPT cho ngành Y khoa, Điều dưỡng là 24 điểm và học lực lớp 12 từ loại Giỏi trong khi ngành Điều dưỡng lấy điểm chuẩn là 19,5 điểm và học lực lớp 12 từ loại Khá. Như vậy, quy định theo Dự thảo yêu cầu cả 3 năm cấp 3 là chặt chẽ hơn so với chỉ xét riêng năm học lớp 12. Điều này được đánh giá là phù hợp vì học tập đòi hỏi quá trình, không chỉ riêng đối với năm cuối cấp mới cần cố gắng.

Đáng chú ý, điểm xét tốt nghiệp năm 2025 cũng được Bộ GDĐT dự kiến thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ kết quả học tập ở lớp 10, 11 và 12 lên 50%, còn lại là điểm thi tốt nghiệp. Các năm trước, điểm học bạ chỉ chiếm 30% và chỉ dùng kết quả của lớp 12. Điều này theo ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) là hợp lý vì đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh toàn cấp, học sinh phải xác định duy trì sự cố gắng trong cả 3 năm học, ở tất cả các môn học chứ không chỉ dồn vào năm lớp 12 hay riêng 4 môn thi tốt nghiệp THPT.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thay-doi-trong-xet-tuyen-nhom-nganh-y-duoc-su-pham-10295678.html
Zalo