Góc nhìn giáo dục: Giỏi tiếng Việt trước
Lớp học dịch của cô giáo Loan có tiếng ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, luôn thu hút rất đông học sinh, sinh viên, người đi làm muốn cải thiện ngôn ngữ. Cô cho biết, nhiều học sinh của cô tiếng Anh rất giỏi, có bạn điểm IELTS lên tới 8 (hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, với kết quả thể hiện dưới dạng điểm số theo thang từ 0 đến 9, tương ứng với mức độ thành thạo tiếng Anh).
Thế nhưng, thứ họ thiếu và tìm đến cô chính là kỹ năng và năng lực tiếng Việt. Các bạn học rất giỏi ngoại ngữ nhưng lại thiếu vốn từ tiếng Việt để diễn đạt điều mình muốn nói, viết. “Trong quá trình đi làm tôi mới nghiệm ra, khi làm việc với người nước ngoài, nếu mình giỏi tiếng mẹ đẻ thì bao giờ cũng được họ tôn trọng hơn”, cô Loan chia sẻ.
Thực tế, nhiều bạn trẻ hiện nay được tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm nên có thể hùng biện, tranh luận, viết bằng tiếng Anh rất tốt nhưng lại gặp khó khăn khi sử dụng tiếng mẹ đẻ, lúng túng khi làm các bài tập tiếng Việt hay giao tiếp với người thân. Trong bối cảnh hội nhập, để trở thành công dân toàn cầu, rõ ràng việc học ngoại ngữ là không thể thiếu. Tuy nhiên, đâu đó có hiện tượng phụ huynh, học sinh xem nhẹ tiếng Việt, chú trọng tiếng nước ngoài với tâm lý giỏi ngoại ngữ dễ thành công hơn. Thế nhưng, cần phải khẳng định rằng, đã là người Việt, chúng ta phải yêu và hiểu tiếng mẹ đẻ. Sử dụng tiếng Việt ngay trên quê hương mình rõ ràng là việc không thể xem nhẹ. Hòa nhập nhưng không hòa tan bởi tiếng Việt là lịch sử của dân tộc, là nền tảng văn hóa. Giữ gìn tiếng Việt chính là giữ gìn tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt. Bồi đắp cho người trẻ tình yêu và thói quen sử dụng, trau dồi tiếng Việt chính là gốc rễ, là cội nguồn để chúng ta khẳng định vị thế và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
(Theo qdnd.vn)