Hiệu trưởng có được thỏa thuận với GV trả tiền thêm giờ thấp hơn quy định?

Người viết không tìm thấy quy định về việc thỏa thuận để chi trả tiền tăng giờ 1 tiết thấp hơn quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

Hiện nay, theo người viết tìm hiểu, một số cơ sở giáo dục phổ thông có việc chi trả tiền tăng giờ, tăng buổi không theo quy định của Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC mà theo thỏa thuận giữa hiệu trưởng và giáo viên, và được trả thấp hơn so với số tiền đáng lý giáo viên được hưởng theo quy định.

Ví dụ, mỗi tiết dạy tăng giờ của giáo viên có thâm niên có thể hơn 200,000 đồng mỗi tiết nhưng có nơi chỉ thỏa thuận chi trả 50,000 đồng hay 100,000 đồng mỗi tiết.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc này có đúng quy định không, có thể thỏa thuận để chi trả tiền tăng giờ, tăng buổi cho giáo viên hay không? Trong bài viết xin được làm rõ nội dung trên.

Cách tính tiền lương dạy tăng giờ mỗi tiết của giáo viên hiện nay

Căn cứ tại Điều 4 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định như sau:

Điều 4. Cách tính tiền lương dạy thêm giờ

1. Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ:

a) Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm;

b) Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%;

c) Tiền lương 01 giờ dạy:

Đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề: Tiền lương 1 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học) : (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần].

Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó;

d) Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).

Định mức giờ dạy/năm đối với trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính như sau:

Định mức với giáo viên = [Định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ giảng)/tuần] x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học).

Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.

Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 35 tuần/năm = 595 tiết/năm, trung học cơ sở là 19 tiết/tuần x 35 tuần = 665 tiết/năm, tiểu học 23 tiết/tuần x 35 tuần = 805 tiết.

Trường hợp giáo viên làm quá số tiết này sẽ được tính lương thừa giờ (lương làm thêm giờ).

Tuy nhiên, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó việc tính tiền dạy thêm giờ đối với giáo viên được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC nêu trên. Tuy nhiên, chỉ cách tính tiền lương dạy thêm giờ chỉ áp dụng đối với giáo viên phổ thông được hưởng tiền lương dạy thêm giờ khi đã được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo chế độ làm việc của nhà giáo quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT.

Người viết rà soát các quy định hiện hành không tìm thấy quy định nào về việc thỏa thuận để chi trả tiền tăng giờ 1 tiết thấp hơn quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

Giáo viên có đồng thuận nếu chi trả tiền tăng giờ thấp hơn quy định hiện nay?

Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được tự chủ tài chính, được giao kinh phí hàng năm để chi trả lương và các khoản khác.

Bên cạnh đó, hầu hết các trường trong cả nước đều thiếu nhiều giáo viên nhất là môn Ngữ văn và các môn đặc thù nên nhiều trường cần bổ sung nhân sự để đảm bảo chương trình.

Nhưng do việc chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên 1 tiết giảng dạy theo quy định tại Thông tư 07 thì tốn khá nhiều kinh phí.

Ví dụ: Giáo viên A dạy ở bậc trung học cơ sở, chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III có hệ số lương 4,98, có phụ cấp chức vụ tổ trưởng 0,2, phụ cấp thâm niên 30% (hệ số phụ cấp thâm niên 0,3 x 4,98 là 1,494), vượt khung 10% (hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung 0,1x4,98 là 0,498).

Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên A = (2,340,000 x [4,98 + 0,2 + 1,494 + 0, 498] x12)/ (19 x 52) = 203,835 đồng

Tiền lương 1 giờ làm thêm của giáo viên A = Tiền lương 1 giờ x 150% = 203,835 x 1,5 = 305,752 đồng

Chỉ cần 1 năm dư khoảng 100 tiết (dư khoảng 3 tiết/tuần) thì số tiền chi cho 1 giáo viên thừa giờ trên khoảng hơn 30 triệu, nếu nhiều giáo viên tăng giờ thì sẽ thiếu nguồn kinh phí để chi trả lương và các hoạt động khác.

Nên, các trường dù thiếu giáo viên nhưng không chọn phương án cho giáo viên tăng giờ mà hợp đồng giáo viên hay thỉnh giảng (giáo viên từ nơi khác đến dạy) để chi trả kinh phí thấp hơn.

Việc hợp đồng giáo viên dạy hay thỉnh giảng theo quy định hiện nay là thỏa thuận tự nguyện giữa thủ trưởng đơn vị và người dạy nên sẽ giảm kinh phí chi, theo tìm hiểu của người viết, các nơi hợp đồng thỉnh giảng mỗi tiết trung bình từ 80,000 đến 100,000 đồng mỗi tiết, ít hơn nhiều so với giáo viên tại đơn vị hưởng do tăng giờ.

Nên các trường chọn phương án thỉnh giảng hoặc hợp đồng mà không để giáo viên tại đơn vị tăng giờ.

Có tình trạng trường A thiếu giáo viên môn Văn nên thỉnh giảng trường B; trường B thiếu giáo viên thỉnh giảng lại trường A để giảm chi do tăng giờ, nhưng việc giáo viên thỉnh giảng tại đơn vị khác sẽ không hiệu quả bằng giáo viên tại đơn vị giảng dạy.

Nên, người viết cho rằng, cơ quan chức năng nên nghiên cứu xem xét việc chi trả tiền tăng giờ 1 tiết hiện nay khá cao. Theo đó, nên cho các trường được thảo thuận với giáo viên để có thể giáo viên tại đơn vị được tăng giờ cải thiện một phần thu nhập, hạn chế giáo viên thỉnh giảng mà không làm tăng chi của đơn vị.

Người viết trao đổi với nhiều giáo viên tại đơn vị và nơi khác, dù 1 tiết do tăng giờ của họ từ 250,000 đến 300,000 đồng mỗi tiết nhưng nếu thỏa thuận họ vẫn chấp nhận dạy mỗi tiết dạy khoảng 100,000 đến 120,000 đồng do dư giờ.

Mức tiền tăng giờ mỗi tiết khoảng 100,000 đến 120,000 tiết là mức có thể chấp nhận được, đó là mức thỏa thuận giữa hiệu trưởng và giáo viên giảng dạy, nếu giáo viên không đồng ý nhà trường có thể hợp đồng và thỉnh giảng giáo viên khác.

Nếu thỏa thuận được thì giáo viên tại đơn vị giảng dạy và hưởng tăng giờ sẽ tốt hơn giáo viên thỉnh giảng, hạn chế tình trạng 1 giáo viên thỉnh giảng 2,3 đơn vị, chất lượng và hiệu quả không cao.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-co-duoc-thoa-thuan-voi-gv-tra-tien-them-gio-thap-hon-quy-dinh-post247471.gd
Zalo