Thay đổi nếp nghĩ, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
Ngày 6.5, tại TP. Kon Tum, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động 'Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững'.

Quang cảnh hội nghị
Dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy chủ trì và phát biểu kết luận hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 4 năm triển khai, Cuộc vận động đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS.
Trên toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 1.248 mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường… với hơn 23.600 lượt người tham gia, trong đó có hàng nghìn hộ nghèo và cận nghèo là người DTTS. Tổng nguồn lực huy động được cho các mô hình đạt trên 140 tỉ đồng.
Các chỉ tiêu cốt lõi đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2024, có 3.540 hộ DTTS thoát nghèo và 967 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Đáng chú ý, có 16.731 lượt hộ nghèo, cận nghèo DTTS (chiếm trên 81%) đã có chuyển biến trong tư duy, từng bước từ bỏ hủ tục, biết tự lực vươn lên; gần 70% hộ đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.

Người dân làng Kon Vơng Kia, Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông mạnh dạn thành lập 3 tổ hợp tác phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân trong triển khai Cuộc vận động.
“Cuộc vận động đã thật sự khơi dậy được ý chí tự lực, tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi căn bản nếp nghĩ, cách làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với thực tiễn tỉnh Kon Tum, nơi có trên 54% dân số là người DTTS”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy khẳng định.
Tuy vậy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như: chưa có nhiều mô hình điểm tiêu biểu, việc lồng ghép nguồn lực còn gặp khó khăn, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Người dân làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông chung tay làm du lịch cộng đồng
Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Đức Tuy đề nghị Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng;
Lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người uy tín và cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng.
“Phải làm cho người dân thấy được việc thoát nghèo là vì chính bản thân họ, cho con cháu họ, chứ không chỉ là mục tiêu của Nhà nước”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, Cuộc vận động hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững và ngày càng khởi sắc ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.