Thầy cô chật vật đăng ký kinh doanh dạy thêm
Hai lần xếp hàng đăng ký kinh doanh để dạy thêm nhưng không đến lượt hoặc được yêu cầu về bổ sung giấy tờ, chị Thu Tuyền đành nhờ một bên dịch vụ làm thủ tục để sớm hợp pháp hóa việc dạy thêm.
7h sáng 20/2, chị Nguyễn Thu Tuyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vội tới bộ phận một cửa của quận Thanh Xuân để xếp hàng lấy phiếu, chờ làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm. Đây là lần thứ 3 chị quay lại đây nhưng vẫn lo “sẽ phải đi thêm lần nữa”.
“Hôm trước tôi không nghĩ nhiều người đến đăng ký kinh doanh tới vậy nên 9h mới đến nộp hồ sơ. Số thứ tự của tôi là 58 nên không thể làm được thủ tục, phải quay về vì lượng hồ sơ tiếp nhận giải quyết trong buổi sáng chỉ đến số 25”, chị Tuyền nói.
Lần thứ hai quay lại, chị đến sớm xếp hàng khi bộ phận một cửa của UBND còn chưa mở. Thế nhưng, hồ sơ của chị Tuyền không hợp lệ vì nhiều chi tiết kê khai không đúng, bản sao căn cước công dân chưa công chứng, thiếu hợp đồng thuê nhà nơi đăng ký địa chỉ tổ chức giảng dạy. Bất ngờ vì thủ tục rườm rà hơn mình nghĩ, chị đành nhờ một bên dịch vụ hỗ trợ để sớm hợp pháp hóa việc dạy thêm.
Vốn là giáo viên tự do, giảng dạy với quy mô nhỏ, chị Tuyền từng nghĩ không cần thiết phải đăng ký kinh doanh vì “thu nhập không đáng bao nhiêu”. Nhưng khi Thông tư 29 được ban hành, chị mới biết quy định này áp dụng với cả những cá nhân tham gia dạy thêm như mình. Vì thế, chị tạm dừng các lớp dạy thêm để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Lần thứ 3 quay lại, vì không yên tâm, chị đi cùng một bên dịch vụ hỗ trợ làm thủ tục giấy tờ. Người này cam kết “làm chuẩn hồ sơ”, chỉ cần hai lượt đi tới UBND quận và lên chi cục thuế để đăng ký mã số thuế. Mức chi phí hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan là vài trăm nghìn đồng.
“Chỉ mong lần này hồ sơ hợp lệ để không phải đi lại nhiều lần, đỡ mất thời gian”, chị Tuyền nói.

Người dân chờ làm thủ tục tại bộ phận một cửa của quận Thanh Xuân. (Ảnh: Thúy Nga)
Đi cùng chị Tuyền, anh Hưng, chuyên nhận tư vấn thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, cho hay gần đây rất nhiều giáo viên muốn đăng ký kinh doanh để dạy thêm hợp pháp. Tuy nhiên do không kê khai đúng hoặc thiếu giấy tờ, nhiều người phải đi lại 4-5 lần để hoàn thành thủ tục.
“Giáo viên cần có hợp đồng thuê nhà hoặc sổ đỏ đứng tên mình tại địa chỉ tổ chức giảng dạy. Rất nhiều người phải làm lại giấy tờ vì đăng ký chung cư làm địa điểm kinh doanh - nơi vốn có mục đích để ở, không thể làm văn phòng”, anh Hưng nói.
Theo người này, thời gian trước, chỉ cần sau 3 ngày làm việc, cá nhân đăng ký sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Nhưng gần đây, có thể do số lượng đông, thời gian nhận thường kéo dài 4-5 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.
Cũng đến bộ phận một cửa quận Thanh Xuân từ sớm, anh Thiên Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay vợ anh vốn là giáo viên một trường THCS công lập, có lớp dạy thêm tại quận Thanh Xuân. Theo Thông tư 29, giáo viên trường công không được tự đăng ký kinh doanh, nên để hợp pháp hóa việc dạy thêm của vợ, anh đứng ra đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Dù đã tìm hiểu trước thông tin và chuẩn bị đủ giấy tờ như đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, căn cước công dân công chứng, hợp đồng thuê nhà... nhưng các thông tin anh kê khai vẫn chưa hợp lệ.
“Bên bộ phận tiếp nhận hồ sơ nói tên hộ kinh doanh tôi đặt chưa hợp lệ với Điều 88 của Nghị định 01, do đó phải về xem lại quy định đặt tên cho phù hợp. Tôi cũng chưa biết tên này sai ở chỗ nào nên phải về tìm hiểu.
Ngoài ra, ở tên ngành nghề kinh doanh chỉ được đăng ký một ngành nghề là “Giáo dục khác chưa được phân vào đâu”, phần chi tiết là Dịch vụ dạy kèm (gia sư). Nhìn chung có quá nhiều yêu cầu nhưng không có tờ khai điền mẫu ở bộ phận một cửa nên tôi phải làm đi làm lại nhiều lần”, anh Minh nói.

Người dân đến Trung tâm hành chính công TP Hà Tĩnh để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm. Ảnh: T.L
Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, hàng trăm hộ dân cũng đến Trung tâm phục vụ hành chính công để nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm.
Tại TP Vinh (Nghệ An), theo Phòng Tài chính - Kế hoạch, đến nay có khoảng 300 hộ dân nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm. Còn tại TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), con số tiếp nhận đến ngày 19/2 khoảng 200 hồ sơ.
Anh Phạm Bá Tuấn (trú TP Hà Tĩnh) cho biết: "Vợ tôi là giáo viên giỏi môn Toán tại một trường THPT công lập. Theo Thông tư 29, vợ tôi không được đứng tên đăng ký kinh doanh nên tôi đứng ra đăng ký thành lập hộ kinh doanh để vợ đủ điều kiện dạy thêm theo quy định”, anh Tuấn nói.
Trung tâm hành chính công TP Hà Tĩnh đã tiếp nhận hồ sơ của anh và hẹn sau 3 ngày nữa sẽ trả kết quả.
Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Hà Tĩnh cho biết, số hồ sơ nộp đăng ký thành lập hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm vẫn tăng lên hàng ngày.
"Chúng tôi bắt đầu nhận hồ sơ từ 14/2 - ngày Thông tư 29 có hiệu lực. Đối với những ngành nghề pháp luật không cấm, đủ điều kiện kinh doanh thì chúng tôi nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho họ. Còn việc cấp phép hoạt động hay hoạt động như thế nào thì đơn vị có thẩm quyền khác sẽ ban hành”, lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Hà Tĩnh nói.
Trước đó, ngày 13/2, thông tin với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Dương, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, từ tháng 12/2024 đến nay, đơn vị đã cấp phép cho hơn 300 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề giáo dục.
"Nhiều người đến đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực dạy thêm, học thêm nhưng chưa nắm rõ quy định của pháp luật vì cứ tưởng có giấy đăng ký kinh doanh là về tổ chức dạy thêm, học thêm được ngay. Khi họ đến, chúng tôi hướng dẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục khác nếu không sẽ xử lý rất nặng", ông Dương nói.
Anh N.V.T., giáo viên dạy các môn khối A ở TP Buôn Ma Thuột cho biết, đã nhờ một người bên phía nhà vợ đứng tên đăng ký dạy thêm các môn toán lý và chỉ dạy những học sinh ngoài lớp học.
"Học sinh của tôi đều được chọn lọc kỹ càng nên thu học phí cao và rất sợ bị đánh thuế, vì tất cả phải công khai dạy học sinh nào và thu học phí bao nhiêu", anh T. cho hay.
Một cán bộ tại bộ phận 1 cửa thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột thông tin, trong ngày 13/2, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 50 hồ sơ, trong đó hơn 90% là đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực giáo dục.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
