Thắp sáng điểm trường '3 không'
Với giàn điện năng lượng mặt trời được hỗ trợ, điểm trường Ông Yên nằm dưới tán rừng già Ngọc Linh đã sáng ánh đèn...
Những lớp học trưa
Điểm trường Ông Yên là một trong 4 điểm trường “3 không” nằm sâu dưới tán rừng già Ngọc Linh, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Thầy cô vào dạy ở điểm trường này đều mất liên lạc với bên ngoài vì không có sóng điện thoại. Điểm trường cũng chưa có ánh sáng từ điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt phải kéo đường ống từ dưới suối về.
Những tháng cuối năm 2024, Nam Trà My vào mùa mưa. Những cơn mưa dai dẳng khiến trời nhanh tối. Thầy giáo Phạm Như Sỹ dạy học tại điểm trường Ông Yên cho biết, những hôm mùa Đông, nếu trời mưa lớn, trong phòng học rất tối. Lớp học lại lợp mái tôn nên khá ồn. Những lúc đó, học sinh phải làm bài tập vì thầy giáo có giảng bài thì các em cũng không nghe được. Phòng học cũng không đủ ánh sáng nên nhìn học sinh thật đáng thương.
Để dạy - học trong điều kiện đủ ánh sáng, những hôm trời mưa lớn, giờ vào học buổi chiều được thầy Sỹ “đẩy” lên sớm hơn nhiều so với thường lệ. Có hôm, giờ học bắt đầu từ 13h để cả thầy và trò không phải tổ chức các hoạt động trong phòng học tối mờ.
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ của Nhóm Chia sẻ yêu thương tỉnh Bình Dương và câu lạc bộ (CLB) Nụ cười hồng, điểm trường Ông Yên có giàn điện năng lượng mặt trời cùng một bộ máy chiếu để phục vụ cho việc dạy - học và vui chơi của học sinh”.
Các hạng mục thi công của CLB Nụ cười hồng tại thôn Ông Yên bao gồm lắp đặt, trao tặng bộ điện năng lượng mặt trời 7kW lưu trữ 10kW phục vụ điện 220V sinh hoạt, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các thiết bị điện cho điểm trường Ông Yên phục vụ giảng dạy và học tập.
Một máy chiếu, thiết bị phục vụ sinh hoạt, giảng dạy học tập, giải trí, tuyên truyền phổ cập kiến thức cho bà con. CLB còn kéo đường dây điện 220V đến 32 hộ dân của 2 ngôi làng phục vụ sinh hoạt, thắp sáng... Ngoài ra, dụng cụ học tập, đồ chơi... cũng được nhóm trao cho trẻ nơi đây. Quà cho bà con trong thôn là dụng cụ làm nương rẫy, chăn màn, nhu yếu phẩm nhân dịp xuân 2025…
Trước điểm trường Ông Yên, điểm trường Ông Vanh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn cũng được CLB Nụ cười hồng lắp đặt trạm điện năng lượng mặt trời. Hiện 5 điểm trường thôn được lắp đặt điện năng lượng mặt trời, chỉ còn điểm trường ông Thái chưa có điện thắp sáng. Thầy Lê Huy Phương cho biết, đã có đơn vị nhận hỗ trợ thiết bị, dự kiến qua Tết Nguyên đán tiến hành lắp đặt.
Dạy học tại điểm trường Ông Vanh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy Phạm Văn Tiến cùng học trò và bà con thôn 5 không thể tả hết được niềm hạnh phúc khi điện được “cõng” vào tận thôn. “Các em sẽ nhớ mãi lần đầu tiên được xem phim trên màn ảnh rộng.
Được các cô chú trong đoàn thiện nguyện dặn dò phải đi học đều đặn để cuối tuần còn xem phim, các em dạ râm ran. Trước kia, vào điểm trường dạy học, tôi có một tuần tách biệt hẳn với bên ngoài vì không bắt được sóng điện thoại. Nay có điện thắp sáng, đời sống tinh thần của thầy và trò sẽ đỡ đơn điệu so với trước đây. Học sinh ngoài nhìn vào tranh ảnh còn được xem clip sống động để nhanh ghi nhớ kiến thức”, thầy Tiến nói.
“Cõng” rạp phim lên núi
Gần 20 học sinh ở điểm trường Ông Yên lần đầu tiên được xem chú chuột và mèo ở trên ti vi qua bộ phim hoạt hình Tom và Jerry. Học sinh sẽ thấy được ngoài núi rừng, nương rẫy còn có cả đường phố đông đúc, những cây cầu hiện đại chứ không chỉ là cây cầu treo gập ghềnh đung đưa mà các em qua lại mỗi ngày.
Hệ thống rạp phim được CLB Nụ cười hồng hỗ trợ gồm một màn hình chiếu 120 inch, 1 bộ loa di động công suất lớn và một bộ thu phát sóng 3G để kết nối với máy tính của giáo viên. Thầy Lê Huy Phương cho biết, hệ thống máy chiếu này chủ yếu phục vụ học sinh giải trí. Cuối tuần, thầy, cô giáo khi trở về nhà sẽ tải vào USB những bộ phim hoạt hình, clip bài giảng đa phương tiện phục vụ việc dạy học. Qua phim ảnh, mỗi ngày, các em sẽ có cái nhìn xa hơn về thế giới bên ngoài, từ đó nuôi ước mơ bước ra khỏi thôn bản bằng con đường học hành…
Từ chỗ dừng xe máy, muốn vào đến thôn Ông Yên, đoàn từ thiện cùng bà con phải “cõng” các thiết bị, vật tư đi bộ gần 1 giờ đồng hồ. “Trời mưa nên đường trơn trượt, có một con dốc dựng đứng nên mọi người phải bám sâu ngón chân xuống lớp đất đỏ nhão nhoẹt tránh trượt ngã. Nhưng thách thức nhất là phải di chuyển qua một chiếc cầu treo mà mặt ván cầu đã lệch hẳn về một bên, đi cứ rung lắc như đưa võng, một tay phải bám dây treo trong khi thiết bị nặng”, thầy Phương kể.
Thế nhưng, những vất vả của các thành viên đoàn thiện nguyện như được bù đắp lại bởi niềm vui vỡ òa của bà con khi thấy ánh điện đầu tiên bừng sáng. Những giờ học của thầy và trò điểm trường Ông Yên trở nên sinh động hơn, trẻ mẫu giáo học chung với anh chị lớp 1 - 2 cũng có thêm những bài múa, hát thay vì chỉ ê a đọc, tô chữ, tập đếm như trước.
“Để đưa được vật tư, thiết bị vào điểm trường Ông Vanh, từ 16 giờ chiều đến 20 giờ 30 phút, các thành viên của CLB Nụ cười hồng phải dùng đèn pin để soi đường đi bộ, vừa mang vác trong điều kiện mưa to, một bên vực sâu một bên vách núi…”, thầy Lê Huy Phương kể.