Thắp sáng bản làng, kể chuyện văn hóa địa phương

CEO Mekong Rustic tâm niệm, với du lịch cộng đồng, những người sinh ra tại địa phương mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Trên hết, sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình.

CEO Mekong Rustic tâm niệm, với du lịch cộng đồng, những người sinh ra tại địa phương mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Trên hết, sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình.

Anh Nguyễn Ngọc Bích (nickname Bobby Nguyen), Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành du lịch và khách sạn.

Năm 2013, Bobby Nguyen quyết định bán Active Asia Travel, “đứa con đầu lòng” do anh thai nghén để rời Hà Nội vào Đồng bằng sông Cửu Long gây dựng homestay thương hiệu Mekong Rustic tại Cần Thơ và Tiền Giang, với ý nghĩa không chỉ là chuyến du lịch về miền quê đồng bằng sông Mekong mà còn là ước mơ về cuộc sống an yên và gìn giữ văn hóa bản địa cho các thế hệ tiếp theo.

Khi thì xuất hiện với chiếc áo sơ mi phẳng phiu đầy chỉn chu, lịch lãm, khi lại giản dị trong bộ quần áo nâu và chiếc khăn rằn đầy phong trần, hồn hậu. Duy chỉ giọng nói hào sảng và dáng dấp nhanh nhẹn chưa từng thay đổi, giả như những năm tháng chu du khắp mọi miền không làm bước chân con người say sưa du lịch, văn hóa Việt Nam ấy mỏi.

Mekong ASEAN: Cơ duyên nào để anh để anh quyết định “làm lại” du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long? Sau một thập kỷ gắn bó, đồng hành cùng bà con khắp miền sông nước, điều gì để lại ấn tượng sâu đậm với anh nhất?

CEO Nguyễn Ngọc Bích: Đến với Đồng bằng sông Cửu Long thời điểm đó như một cái duyên, vùng đất chọn mình, chứ mình không chọn vùng đất.

Hồi ấy, chỉ có niềm đam mê mãnh liệt và câu hỏi tại sao vùng đất trù phú, giàu tiềm năng nhưng các sản phẩm du lịch bao năm vẫn đơn điệu, một màu thôi thúc tôi tìm đến một vài hộ gia đình ở Cái Bè, Tiền Giang và thuyết phục họ hợp tác làm homestay.

Tôi không muốn những gì mình làm ra phải khác biệt, tôi chỉ tâm niệm xây dựng nên một mô hình du lịch xoay quanh các giá trị văn hóa và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chú trọng vào trải nghiệm của du khách, cho họ cơ hội hòa vào cuộc sống của bà con để du khách hiểu một cách sâu sắc cái hồn của vùng đất này từ văn hóa, ẩm thực cho đến con người. Đi chợ nổi, bắt cá, ghé thăm các làng nghề, nghe đờn ca tài tử…

Việc phát triển du lịch bền vững theo tôi xuất phát từ việc hợp tác với người dân bản địa. Những người sinh ra ở đây mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Và hơn hết, tôi luôn mong muốn sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình.

Người dân miền sông nước nơi đây rất chân thành và hào sảng. Ban đầu người ta cũng chưa tin tôi đâu. Nhưng tôi cứ đưa tay ra, giúp họ, cùng họ làm. Tôi có gì thì tôi mang cho họ, từ khách hàng đến cách làm, tôi đều sẵn sàng chia sẻ.

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân nơi đây. Tôi gieo vào họ suy nghĩ cách đón du khách chỉ đơn giản như đón tiếp những người thân xa nhà lâu ngày trở về. Như thế, du khách sẽ cảm thấy ấm áp và muốn quay trở lại.

Mekong ASEAN: Gắn bó với du lịch hơn 20 năm, theo anh, khẩu vị du lịch đã và đang thay đổi như thế nào?

CEO Nguyễn Ngọc Bích: Hậu Covid-19, nhu cầu du lịch như “lò xo” nén lại lâu ngày, bật ra mạnh mẽ cùng với những xu hướng và sản phẩm mới theo hướng “tâm, thân, tuệ”, du lịch “chữa lành” sức khỏe thể chất và tinh thần.

Xu hướng tiêu dùng du lịch xanh và bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng du khách quốc tế mà còn đang dần thâm nhập, trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Người Việt đã quan tâm hơn đến việc tiêu dùng các sản phẩm du lịch xanh thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất, tiêu thụ cho đến việc sử dụng sản phẩm.

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm thay đổi tâm lý khách nội địa, nhiều người muốn tránh những điểm đến đông đúc, hướng đến du lịch tận hưởng sự riêng tư, yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa. Họ thích đi nhóm nhỏ đến những bản làng hay vùng sông nước còn hoang sơ và thưởng thức những đặc sản vùng miền, giao lưu với người dân địa phương.

Trong bối cảnh đó, du lịch cộng đồng đã và đang thể hiện được vai trò tổng hòa các giá trị về cảnh quan, văn hóa, con người và phát triển kinh tế địa phương.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng tại Việt Nam chỉ mới khai thác được khoảng 30% so với tiềm năng. Nhiều gia đình vẫn làm du lịch theo kiểu “có gì làm nấy”, chưa có sự chuẩn bị chỉn chu và hoạt động chuyên nghiệp. Nếu biết cách khai thác, du lịch cộng đồng có thể mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định.

Mekong ASEAN: Định nghĩa du lịch cộng đồng như cá nhân anh chia sẻ là sự kết nối các giá trị. Vậy đâu là giá trị cốt lõi nhất của du lịch cộng đồng?

CEO Nguyễn Ngọc Bích: Nói đến du lịch cộng đồng có nghĩa là “chạm” vào các giá trị văn hóa trong cuộc sống thường ngày của người dân, là giữ gìn “tấm căn cước” của một dân tộc, chứ không phải hoạt động sắp đặt.

Mà thứ văn hóa ấy, xuất phát từ chính con người, từ những phong tục tập quán, câu hát, điệu hò,... được truyền từ đời này qua đời khác. Và hơn hết những người sinh ra ở đây mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa.

Sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình, hướng đến tạo ra một cộng đồng du lịch có trách nhiệm, hoạt động dựa trên phương thức người dân bản địa làm chủ, nhằm bảo tồn những giá trị quý báu cho các thế hệ tương lai.

Mekong ASEAN: Như anh chia sẻ, những người sinh ra ở địa phương mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Xu thế du lịch hiện nay, du khách không chỉ cần trải nghiệm đơn thuần, mà quan trọng hơn là thâu nạp thêm kiến thức, hiểu biết về vùng đất, con người, văn hóa nơi đến tham quan. Vậy làm thế nào lan tỏa được những câu chuyện du lịch của từng địa phương?

CEO Nguyễn Ngọc Bích: Đi khắp các làng quê Việt Nam, ở đâu ta cũng thấy những sản phẩm từ cây lúa, quả dừa, con cá… tựa tựa nhau. Những câu chuyện có điểm khác biệt, thú vị, chạm được vào cảm xúc của du khách là điều mà chúng ta đang thiếu vắng, khiến du khách móc “hầu bao” ra mua trải nghiệm.

Đến nay, Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism) đã trao giải thưởng cho 130 làng trên toàn thế giới, trong đó có 3 làng của Việt Nam được công nhận lần lượt vào các năm 2022, 2023, 2024, gồm có: Làng Thái Hải (Thái Nguyên), làng Tân Hóa (Quảng Bình) và làng rau Trà Quế (Quảng Nam).

Với câu chuyện Làng Thái Hải, trước đây vùng đất xã Thịnh Đức ở TP Thái Nguyên phần nhiều là đồi trọc, đất cằn cỗi nên dân cư thưa thớt do khó làm ăn. Vào thời điểm năm 2003, người dân địa phương nhiều người đã tháo dỡ nhà sàn để làm củi. Trong khi đó, lớp trẻ người địa phương không còn nói tiếng Tày, không còn mặc quần áo truyền thống và nhiều phong tục tập quán cũng không được duy trì.

Chính bởi lý do đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hải muốn gìn giữ văn hóa dân tộc Tày cho các lớp con cháu sau này bằng cách vận động bà con nông dân cùng xây dựng bản làng Thái Hải.

Trong hành trình đó, bà Hải đã được nhiều bà con có cùng suy nghĩ, quý mến đến chung tay góp sức và đồng hành giúp bản làng Thái Hải lớn mạnh. Đến năm 2011, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức đi vào hoạt động khai thác du lịch. Đến nay, Bản làng Thái Hải đã được nhiều du khách gần xa trong nước và gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới biết đến ghé thăm trải nghiệm.

Để được thành công như bản làng Thái Hải thì theo tôi, thứ nhất là vai trò rất quan trọng của “người thủ lĩnh”, bà Hải là người truyền lửa, truyền tải năng lượng cho tất cả những người ở làng. Kế đến là tình thương yêu nhau ở bản làng, sự đồng lòng, đồng sức, sẻ chia. Và không thể thiếu là tầm nhìn như chị Hải chia sẻ đó là mong muốn giữ lại văn hóa cho cả dân tộc Tày chứ không riêng ở bản làng Thái Hải.

Bà Hải, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Khi không có các chương trình giáo dục chính quy, cô ấy nổi lên như một ngọn hải đăng truyền cảm hứng. Thông qua những cuộc trò chuyện sôi nổi, cô ấy đã khơi dậy trái tim và khối óc của cả phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ tích cực tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, chế tạo thủ công phức tạp và tham gia vào các nghi lễ tâm linh, truyền lại những truyền thống vô giá cho thế hệ tương lai.

Theo văn hóa dân tộc Tày, phụ nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo tinh thần, tỏa ra sự ấm áp và trao quyền trong gia đình. Bước vào trái tim Thái Hải, nơi những người phụ nữ kiêu hãnh rước đuốc truyền thống, nuôi dưỡng một cộng đồng sôi động, nơi tình yêu và văn hóa đan xen tạo nên tấm thảm đẹp có một không hai.

Mekong ASEAN: Với hình thái du lịch cộng đồng, giá trị du lịch sẽ đọng lại địa phương. Vậy cần làm gì để gắn những giá trị văn hóa địa phương với du lịch?

CEO Nguyễn Ngọc Bích: Trên thế giới, nhiều nước có nền du lịch cộng đồng thành công có thể kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines... Và tôi đặc biệt tâm đắc với mô hình farmstay kết hợp homestay The Nakajimas của Nhật Bản. Bởi nó tác động đến phát triển du lịch cộng đồng cũng như mang lại sự phát triển kinh tế địa phương bền vững. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm vùng nông thôn Nhật Bản, sống với một gia đình Nhật Bản và thưởng thức các bữa ăn do người dân bản địa nấu tại nhà.

Trong du lịch cộng đồng, người dân là trụ cột quan trọng. Làm sao để các hộ dân phát huy hết thế mạnh, chuẩn hóa dịch vụ là tiên quyết, bắt đầu từ việc, phải thay đổi tư duy của người dân về tài nguyên du lịch.

Tiếp theo, phải hướng dẫn người dân đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng, nâng cấp chất lượng dịch vụ của địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và kỹ năng làm du lịch để đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả ngày càng cao của du khách theo hướng cá nhân hóa, ăn nông sản hữu cơ, ở tiện nghi.

Và để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý du lịch. Cơ quan xúc tiến đóng vai trò như cầu nối quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Nếu không có chính sách chung, tầm nhìn xa, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ai hỗ trợ ai, không có chính sách hỗ trợ cho người làm du lịch thì hệ lụy là khách không đến.

Mekong ASEAN: Những năm gần đây, nhiều người trẻ có xu hướng chọn “bỏ phố về quê” với mong muốn khởi nghiệp từ những giá trị du lịch bản địa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương. Đâu sẽ là lời khuyên của anh đối với các nhà khởi nghiệp trẻ?

CEO Nguyễn Ngọc Bích: Một quả dừa ở miền Tây chỉ có giá khoảng 4.000 - 5.000 đồng. Nếu chỉ giữ nguyên cách bán quả dừa tươi hoặc dừa nguyên liệu, kinh tế sẽ không thể phát triển bền vững. Vậy nên chúng ta không chỉ bán quả dừa mà phải bán sản phẩm làm từ quả dừa, cao hơn nữa là câu chuyện về trái dừa. Trái dừa, thân dừa đi cùng nhân dân ta qua bao năm tháng chiến đấu gian khổ.

Nếu mang được câu chuyện đó lan tỏa khắp thế giới, mang được sức sống văn hóa trong các sản phẩm du lịch - nông nghiệp vươn xa, giá trị kinh tế - văn hóa - du lịch khi đó được nhân lên gấp bội.

Ngày 30/10/2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Mục tiêu chung là thống nhất nhận thức, quan điểm và cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững. Bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.

Nội dung: Kiều Chinh - Ảnh: Quách Sơn

Nội dung: Kiều Chinh - Ảnh: Quách Sơn

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thap-sang-ban-lang-ke-chuyen-van-hoa-dia-phuong-37919.html
Zalo