Tháp Mười đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng

Không chỉ sở hữu hệ thống di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên đa dạng, giàu giá trị, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng đặc trưng với điểm nhấn là các lễ hội truyền thống giàu bản sắc, cùng hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng.

Chợ quê Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp.

Chợ quê Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp.

Khai thác lễ hội để làm du lịch

Lễ hội là “hồn cốt” của các di tích và danh thắng, nơi mà con người không chỉ tìm thấy những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc, mà còn được trải nghiệm những cảm xúc thăng hoa, kết nối với cội nguồn thiêng liêng của dân tộc. Những lễ hội không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân, người có công với đất nước, mà còn là không gian để quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian, những phong tục, tập quán đặc sắc của từng vùng miền.

Tại huyện Tháp Mười, hằng năm có đến hàng chục lễ hội dân gian, truyền thống. Nổi bật là các lễ hội diễn ra tại Khu di tích Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, như: Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Gò Tháp (từ ngày 14-16 tháng 3 âm lịch), Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (từ ngày 14-16 tháng 11 âm lịch), được tổ chức tại xã Tân Kiều. Đây là một trong những lễ hội lớn ở Đồng Tháp cũng như khu vực miền Tây.

Đến với Lễ hội Gò Tháp, ngoài tham quan các di tích cổ, như: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ, tham gia các nghi lễ chính, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội dân gian với nhiều nghi thức truyền thống, như: lễ cúng Thần nông, lễ cầu an, lễ thỉnh sinh,… cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn, như: trò chơi dân gian, hát bội, đấu võ, đờn ca tài tử, tham quan mua sắm tại gian hàng đặc sản và sản phẩm OCOP, Chợ quê Gò Tháp,... tất cả sẽ giúp du khách quên đi những lo toan thường nhật và đắm chìm trong không khí trẩy hội rộn ràng.

Phát huy tối đa các lợi thế sẵn có, nhất là Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, cùng các lễ hội, những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời tại địa phương; cùng sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của các cấp ủy, chính quyền, theo đó giúp ngành du lịch Tháp Mười khởi sắc rõ nét.

Lũy kế từ năm 2021 đến nay, Tháp Mười đón 6,1 triệu lượt khách; tổng doanh thu gần 615 tỷ đồng. Riêng hai kỳ Lễ hội Gò Tháp thu hút hàng trăm nghìn lượt khách về tham quan, cúng viếng và lưu trú, mua sắm.

Có thể thấy, những lễ hội ở Tháp Mười không chỉ là một sự kiện văn hóa tinh thần quan trọng, mà còn là yếu tố thiết yếu trong việc bảo tồn các di tích văn hóa và phát triển du lịch.

Việc kết hợp giữa giữ gìn các giá trị truyền thống, văn hóa tâm linh để khai thác du lịch sẽ giúp các lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, đồng thời giúp nâng cao giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần thu hút ngày càng đông đảo du khách tìm về.

Để cộng đồng là “chìa khóa” giữ chân du khách

Nhắc về du lịch Tháp Mười, không thể không nhắc đến những cánh đồng sen bạt ngàn, với hương thơm ngào ngạt cùng sắc hồng rực rỡ. Tại đây, cây sen có thể mọc và sinh sôi ở nhiều nơi, từ cánh đồng hoang, ao hồ, đến đồng ruộng bao la,…

Hiện nay, với phương pháp canh tác rải vụ, sen gần như trổ hoa quanh năm. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Phát huy tiềm năng bản địa, từ năm 2013 và nhiều năm sau đó, Tháp Mười đặc biệt quan tâm phát triển du lịch gắn với nâng cao chuỗi giá trị cây sen. Hiện ngành hàng sen phát triển được 23/46 sản phẩm OCOP, xây dựng được 10 cơ sở du lịch, trong đó Khu Đồng sen có 07 cơ sở du lịch.

 Nghi thức dâng hương tại Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Gò Tháp năm 2024.

Nghi thức dâng hương tại Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Gò Tháp năm 2024.

Hiện, mỗi cơ sở du lịch thu hút khoảng 700 nghìn lượt khách/năm. Qua đây, du lịch Tháp Mười đã chứng tỏ được sức hấp dẫn và sự bền vững thông qua những mô hình du lịch độc đáo, trong đó, cộng đồng đóng vai trò “chìa khóa” quan trọng để giữ chân du khách.

Du lịch trên những cánh đồng sen là một ví dụ điển hình. Vì đến đây, du khách không chỉ được tham quan mà còn có thể tham gia vào các hoạt động thu hoạch sen, tìm hiểu quy trình sản xuất, thậm chí tự tay làm các sản phẩm thủ công từ sen, được thưởng thức ẩm thực đa dạng từ sen,… Tất cả sẽ đưa du khách hòa mình vào bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, với nhiều trải nghiệm thú vị.

Ngoài ra, với các mô hình phục dựng Chợ quê cũng giúp thương hiệu du lịch Tháp Mười bay cao và bay xa hơn. Bởi đến đây, du khách có thể tham gia vào những phiên chợ quê đặc trưng, mua sắm những sản vật địa phương như cá lóc, cá rô đồng, trái cây, hay các món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương, và được tìm hiểu về đời sống, phong tục tập quán của cộng đồng.

Điều này giúp tạo ra những trải nghiệm chân thật, gần gũi và đầy ý nghĩa, làm phong phú thêm chuyến hành trình khám phá văn hóa vùng Tháp Mười. Theo báo cáo, với 20 phiên Chợ quê Gò Tháp, tổ chức vào chiều thứ bảy của tuần cuối tháng, Tháp Mười đã thu hút 270.800 lượt khách, doanh thu 7,07 tỷ đồng; 14 phiên Chợ đồng quê tại xã Mỹ Đông, thu hút 20.160 lượt khách, doanh thu 1,441 tỷ đồng.

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, Tháp Mười đã đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú ý khai thác hiệu quả các lễ hội, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, xem đây là những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, Tháp Mười cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ, đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh địa phương, tạo ra những trải nghiệm sâu sắc, giúp du khách không chỉ khám phá mà còn kết nối với những giá trị văn hóa, tinh thần của mảnh đất này.

Bài: MỸ HẠNH, Ảnh: HOÀNG KHA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thap-muoi-day-manh-phat-trien-du-lich-tam-linh-va-du-lich-cong-dong-post852733.html
Zalo